Nghi Thuỷ được xem như một "thủ phủ" của Cửa Lò về hải sản biển. Mùa nào cũng vậy khi trời chưa rõ mặt người, từng tốp người già có trẻ có đã đổ về cảng cá để chuẩn bị cho công việc thường nhật.
Ngoài những công việc nặng nhọc như khuân vác, vận chuyển, phân loại hải sản đưa lên bờ thì nghề bóc vỏ tôm cũng được nhiều lao động nữ lựa chọn để kiếm thêm thu nhập.
Ngay dưới bến, những chiếc thuyền, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá, tôm, mực... Từng tổ bốc vác hầu hết là phụ nữ trung niên ra tận sát mép nước nhận cá từ tàu, thuyền rồi vội vã mang lên bờ. Dường như, ai cũng sợ chỉ cần chậm chân một chút, thu nhập của một ngày làm việc sẽ giảm đi.
Đặc biệt, với những khay tôm biển tươi rói vừa cập cảng sẽ được các cơ sở chế biến tôm nõn (phần thịt phía trong con tôm sau khi bóc vỏ - PV) đóng tại cảng thu mua. Sau khi tôm biển được thu mua, thì công việc của chị em phụ nữ cũng chính thức bắt đầu. Từng tốp người chụm đầu vào nhau tay thoăn thoắt bóc vỏ tôm.
Hàng chục năm nay, xưởng chế biến của chị Trương Thị Phương (trú tại phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) đều thu mua tôm biển số lượng lớn mỗi ngày.
"Cơ sở của chúng tôi đã hoạt động hàng chục năm nay, tùy thuộc vào thời tiết, sản lượng của ngư dân thay đổi mà số lượng tôm thu mua được mỗi mùa, mỗi ngày đều khác nhau. Khoảng 100 kg tôm biển tươi thì có thể chế biến được 9 – 10 kg tôm nõn sấy khô".
Cũng theo chị Phương, nhờ cơ sở đóng ngay tại cảng cá nên khi thuyền vừa cập bến, tôm biển còn tươi là chúng tôi đã thu mua, không phải qua khâu vận chuyển, bảo quản nên chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn.
Công việc của "đội quân tóc dài" bắt đầu khi những khay tôm biển vừa rời thuyền, lập tức được vận chuyển đến khu xưởng chế biến. Tại đây, tôm nhanh chóng được rửa sạch, sau đó bỏ vào những chiếc giỏ với trọng lượng nhất định để luộc. Sau khi luộc, tôm được rửa qua với nước muối loãng rồi để nguội.
Khi tôm được luộc qua, những người phụ nữ sẽ bắt tay vào công việc bóc vỏ tôm. Với những người đã có thâm niên trong nghề, tay họ nhanh thoăn thoắt. Đây là công việc thời vụ, vì vậy họ sẽ được chủ cơ sở trả trả tiền công theo năng suất lao động của từng người. Cụ thể, mỗi kg tôm nõn được bóc ra thì họ sẽ nhận được 20.000 đồng tiền công. Cứ như vậy ai nhanh tay, năng suất cao thì nhận được nhiều tiền công.
"Hầu như sáng nào tôi cũng bóc tôm tại đây. Mỗi buổi cũng kiếm thêm được khoảng 80.000 – 90.000 đồng", chị Mai một người phụ nữ đang làm việc tại đây chia sẻ.
Cứ như thế những người phụ nữ làm việc trong tiếng cười đùa rộn ràng, nhưng đôi tay như đã quá quen, họ không cần nhìn cũng có thể tách, bóc phần vỏ để lấy phần nõn tôm, ai nhanh tay nhất cuối buổi ra về với số tiền nhiều nhất.
Được biết, hiện tôm biển tươi được thu mua với giá khoảng 55.000 – 65.000 đồng/kg. Sau khi bóc, nõn tôm được sấy khô bán với giá trung bình khoảng 600.000 – 700.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại to, chất lượng thì được bán với giá khoảng 900.000 – 1.000.000 đồng/kg.
Tôm nõn là một trong những đặc sản biển nổi tiếng của Nghệ An, được sản xuất nhiều tại các huyện Diễn Châu, Cửa Lò, Quỳnh Lưu. Đây là đặc sản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng, tôm nõn có thể chế biến thành nhiều món ngon như: tôm khô xào bắp; Tôm khô kho quẹt chấm rau củ quả; tôm khô củ kiệu chua ngọt; tôm khô nấu canh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn