Nghe câu chuyện "không làm gì" của ông bố giáo sư, bà mẹ lặng lẽ bỏ 6 lớp học thêm của con gái

11:25 | 07/04/2023;
Một nền giáo dục tốt không phải là giam cầm trẻ bằng tình yêu "vì lợi ích của con", và áp đặt trẻ bằng quyền lực "ta là cha/mẹ của con".

Trước đây, chị Tiểu Viên (Trung Quốc) vốn là một người mẹ rất hay lo lắng, sợ con tụt lại phía sau nên đã sắp xếp thời gian học hành chu đáo từ khi con còn nhỏ. Thấy con gái ít nói và khá hướng nội, chị đăng ký cho con học lớp EQ; Thấy con học Toán không giỏi, đăng ký học lớp tư duy...

Trong nhóm phụ huynh, con của người khác giành được vị trí đầu tiên trong cuộc thi Olympic, xuất bản một tác phẩm và giành chiến thắng trong một cuộc thi khiêu vũ..., chị cũng liền nhanh chóng đăng ký cho con tham gia nhiều lớp học về năng khiếu.

Đối với những gì con gái mình thích, như làm đồ thủ công, nghiên cứu công thức nấu ăn, đọc tiểu thuyết… trong mắt người mẹ này đều là "lãng phí thời gian". Chị áp đặt những lo lắng và kỳ vọng của mình lên con gái, ép buộc con làm tất cả những điều mà mình cho là "hữu ích". 

Nhưng cuối cùng, thay vì lớn lên như mong đợi, con gái chị lại ngày càng gây thất vọng: điểm số ngày càng kém; Không có một năng khiếu nào nổi trội; Ngày càng nổi loạn, chống lại mẹ mọi lúc; Thậm chí có một số dấu hiệu của sự trầm cảm...

Mọi chuyện có lẽ ngày càng xấu đi, nếu một ngày, bà mẹ này không tình cờ xem được một video của giáo sư tâm lý học Hạ Lĩnh Phong. Những chia sẻ của chị về sự thay đổi này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh khác:

Đọc xong câu chuyện có thật của bố giáo sư này, tôi lặng lẽ bỏ 6 tiết học của con gái  - Ảnh 1.

Trong một video, Giáo sư tâm lý học Hạ Lĩnh Phong nhớ lại hai điều trong hành trình trưởng thành của con mình:

Điều đầu tiên là con gái ông nghiện xem anime (phim hoạt hình của Nhật Bản được sản xuất từ các tác phẩm truyện tranh Manga). Khi cô bé còn nhỏ, vì mê xem anime trong một kỳ nghỉ đông mà đã xem một lượt hơn 200 tập. 

Sau khi vào học, giáo sư phát hiện ra rằng con gái không cần người lớn lo lắng về bài tập về nhà hàng tuần. Bởi, đứa trẻ sẽ sử dụng tất cả giờ tự học và nghỉ ngơi ở trường để hoàn thành, sau đó nóng lòng về nhà dành thời gian xem anime.

Đọc xong câu chuyện có thật của bố giáo sư này, tôi lặng lẽ bỏ 6 tiết học của con gái  - Ảnh 2.

Giáo sư tâm lý học Hạ Lĩnh Phong.

Con gái ông cũng tham gia một nhóm yêu thích anime. Mọi người đều cho rằng tốc độ cập nhật một tập mới một tuần là quá chậm nên đã thảo luận về việc phát triển cốt truyện trong nhóm. 

Cô bé bắt đầu quan tâm và bắt đầu thử viết fanfiction (những tác phẩm được viết bởi các fan của một tác phẩm gốc trước đó) một mình, không ngờ, đã viết được 40.000 từ trong một kỳ nghỉ hè. Thậm chí, khi cả nhà ra ngoài ăn tối, cô bé còn năn nỉ xin về sớm vì có hàng trăm người hâm mộ chờ cô bé cập nhật tin tức.

Nếu nhiều gia đình khác có thể phải ngắt Internet, tắt wifi để trẻ tập trung vào việc học, nhưng Hạ Lĩnh Phong đã không làm gì cả.

Điều thứ hai là con gái ông thích viết nguệch ngoạc, vẽ bậy lên tường khi còn nhỏ. Nhưng Lĩnh Phong không mắng, không ngăn cản. Khi học trung học cơ sở, con gái ông còn bị giáo viên bắt gặp đang vẽ hoạt hình trong giờ tự học. Phụ huynh được mời lên trường để nói chuyện.

Lĩnh Phong đã trực tiếp xin lỗi cô giáo, nhưng sau khi về nhà, ông không kỷ luật con gái, cũng không xé vở, không đốt truyện tranh mà chỉ cảnh cáo: "Bố không phản đối những bức tranh của con, nhưng đừng quá kiêu ngạo. Nếu vẽ trước mặt giáo viên thì đây là hành vi thách thức quyền hạn của thầy cô, ảnh hưởng đến không khí lớp học".

Đọc xong câu chuyện có thật của bố giáo sư này, tôi lặng lẽ bỏ 6 tiết học của con gái  - Ảnh 3.

Hai cách phản ứng tưởng chừng như bình thường ấy lại đóng vai trò "sống còn" trong cuộc đời sau này của con gái ông. Khi lên cấp 3, cô bé đã có một kế hoạch rõ ràng, và quyết định sẽ sang Nhật Bản để học tập.

Vì cần phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Nhật N1 và phỏng vấn bằng tiếng Nhật, Lĩnh Phong lo lắng nên đã đặc biệt đăng ký cho con vào một lớp cấp tốc. Nhưng giáo viên chỉ dạy cô trong một tuần và nói: "Con gái của anh hoàn toàn ổn".

Khi nộp đơn vào trường, bên kia yêu cầu một danh mục hoạt động nổi bật, con gái ông đã nộp một bộ sưu tập truyện tranh vẽ từ khi còn nhỏ, kết quả đã được thông qua một cách dễ dàng.

Cuối cùng, con gái ông đã nhận được lời mời từ bảy trường đại học. Lĩnh Phong nhớ lại quá trình này, ông cảm thấy rằng con gái mình có thể đi đến tận bây giờ không phải vì những gì ông đã làm, mà chính xác là vì ông đã không làm bất cứ điều gì. Điều ông làm đúng nhất là không phản đối, không can thiệp, không áp đặt ý muốn của mình lên con cái. 

Khi nghe đoạn này, bà mẹ Tiểu Viên đã được "đánh thức" ngay lập tức. Hóa ra việc giáo dục con cái, đôi khi "không làm gì đó" quan trọng và khó hơn "làm gì đó".

Sau khi đọc câu chuyện của Hạ Lĩnh Phong, chị tự hỏi: Đây là cuộc sống của tôi hay cuộc sống của đứa trẻ? Con đường tôi vạch ra cho con có chắc là đúng không?

Sau khi làm cha mẹ, chúng ta thường lầm tưởng rằng mình có thể chọn con đường đời cho con. Nhưng hãy nhớ rằng đứa trẻ là một cá thể độc lập chứ không phải là một công cụ, và cuộc sống của đứa trẻ là của chính nó chứ không phải của cha mẹ.

Tiểu Viên, vì thế, đã lặng lẽ bỏ 6 lớp học thêm của con gái.

Đọc xong câu chuyện có thật của bố giáo sư này, tôi lặng lẽ bỏ 6 tiết học của con gái  - Ảnh 4.

Trên con đường nuôi dạy con cái, chúng ta luôn làm "phép cộng", cho con cái học đủ thứ, yêu cầu con hoàn thành đủ thứ. Và kết quả là người lớn mệt mỏi, áp lực, trẻ em cạn kiệt năng lượng. Nhưng những bậc cha mẹ thực sự thông minh, như Hạ Lĩnh Phong, biết cách làm phép trừ: Bớt can thiệp một chút, cho phép trẻ làm những việc "vô bổ"

Đọc xong câu chuyện có thật của bố giáo sư này, tôi lặng lẽ bỏ 6 tiết học của con gái  - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết được những thứ tưởng chừng như "vô dụng" đó sẽ mang đến cho trẻ những bất ngờ gì trong tương lai. Có những sở thích kỳ lạ, trẻ đọc những cuốn sách linh tinh không liên quan đến điểm số. Nhưng cha mẹ đừng biến điều đáng lẽ khiến trẻ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc thành áp lực và gánh nặng cho chúng.

Đứa trẻ có con đường riêng để đi, và con đường này có lẽ không phải là hướng mà chúng ta đang chỉ. Một nền giáo dục tốt không phải là giam cầm trẻ bằng tình yêu "vì lợi ích của con", và áp đặt trẻ bằng quyền lực "ta là cha/mẹ của con". Thay vào đó, hãy buông tay và để con bay đến mảnh trời xanh của riêng mình với sự tin tưởng và chúc phúc.

Sẽ luôn chỉ có một số ít những đứa trẻ tỏa sáng có thể đứng trên đỉnh kim tự tháp. Những gì chúng ta cần làm là buông bỏ những ám ảnh thành tích của mình với con cái, trau dồi một tâm thế bình tĩnh và cởi mở.

Nên để con học tự nhiên theo sức của mình và yêu cầu con trung thực trong học tập để điểm số phản ánh đúng sở trường của con. Ngoài học tập, cần cho con bộc lộ trong nhiều hoạt động sống khác để xem con có khéo tay, sáng tạo, tư duy logic... không. Cha mẹ đừng tâm niệm rằng phải thế này thế kia mới là tốt đẹp, mà quan trọng là con có được niềm vui và hứng thú với công việc của mình, tức là con đam mê và có năng lực phù hợp với nghề mình làm.

Bằng cách này, ngay cả khi con cái chúng ta khi trưởng thành trở thành một "người tầm thường", chúng vẫn có thể có sự nhiệt tình hay nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống và vẻ đẹp của thế giới.

Quá khứ của chúng ta không thể lặp lại, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội lựa chọn kiểu cha mẹ mà chúng ta muốn trở thành.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn