Nghe Đông Y gợi ý thực đơn giúp giữ ấm cơ thể, nhất là khi trời rét đậm, rét hại

07:51 | 24/12/2020;
Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào dịp Tết Dương Lịch miền Bắc sẽ đón thêm một đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại. Để đảm bảo sức khỏe, ngoài việc giữ ấm thì bạn cũng nên có thực đơn giúp giữ ấm cơ thể đúng cách.

Khi nền nhiệt xuống mức rét đậm, rét hại, cơ thể sẽ cần cung cấp nhiệt lượng nhiều hơn để giữ ấm đảm bảo cho sức khỏe. Chân, tay, cổ, đầu và ngực là các bộ phận quan trọng cần bảo vệ để tránh mất nhiệt. Bên cạnh đó, ăn uống cũng góp phần giúp cơ thể bù nhiệt hiệu quả.

Dưới đây là thực đơn giúp giữ ấm cơ thể theo Đông y mà bạn có thể tham khảo:

1. Súp gà

Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thịt gà là một món ăn dinh dưỡng, có tác dụng chính trong bồi bổ nâng cao sức khỏe, nhất là đối với người bị cảm cúm hay cảm lạnh cần phải nâng cao hệ miễn dịch.

"Tùy thuộc và loại gà và màu lông của gà lại có thể chữa được từng chứng bệnh cụ thể. Trong đó, thịt gà mái đem nấu cháo sẽ giúp phụ nữ có món ăn bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch ngày lạnh cực tốt"

Công dụng: Chống/Giảm viêm đường hô hấp (họng, mũi)

Nghe Đông Y gợi ý thực đơn giúp giữ ấm cơ thể, nhất là khi trời rét đậm, rét hại - Ảnh 2.

Soup gà có tác dụng giữ ấm, chống viêm tốt cho người bị cảm cúm, cảm lạnh (Ảnh: Internet)

Bởi vậy mà súp gà là một trong gợi ý thực đơn giúp giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là rét đậm, rét hại.

Lưu ý, những nhóm người sau không nên ăn thịt gà:

- Người bị bệnh tim mạch, huyết áp: Nên hạn chế ăn do trong thịt gà, nhất là phần da gà có chứa một lượng lớn cholesteron không tốt cho nhóm người này.

- Người bị bệnh xơ gan: Do thịt gà có tính nóng, có thể khiến cứng thấp nhiệt ở người bị bệnh xơ gan chuyển nặng hơn.

- Người đang có vấn đề về hệ tiêu hóa: Nên ăn hạn chế, vừa phải do thịt gà khá khó tiêu. Nhất là không nên ăn chung với kinh giới vì có thể gây ra đầy bụng.

- Người bị bệnh sỏi thận: Do thịt gà giàu protein có thể dẫn tới lượng oxalate ở trong nước tiểu bị tăng lên và gây hình thành thêm sỏi.

2. Cháo gừng, cháo hành

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), khi món cháo được thêm gừng hay hành sẽ giúp cơ thể lấy lại nhiệt độ nhanh chóng nhờ tính ấm của các thành phần được thêm vào.

Nghe Đông Y gợi ý thực đơn giúp giữ ấm cơ thể, nhất là khi trời rét đậm, rét hại - Ảnh 3.

Món cháo được thêm gừng hay hành sẽ giúp cơ thể lấy lại nhiệt độ nhanh chóng (Ảnh: Internet)

Vì thế mà cháo gừng, cháo hành rất thích hợp để ăn vào những ngày thời tiết lạnh, có thể thêm vào thực đơn giúp giữ ấm cơ thể hiệu quả.

Tác dụng của gừng và hành trong đông y:

- Gừng và hành tốt cho người bị cảm cúm, cảm lạnh nhờ tính ôn hòa, giúp giải hàn, ôn thông dương khí và giải độc

- Phần hành trắng (gần củ hành) còn là một vị thuốc chính được dùng trong các bài thuốc Đông y chữa phong hàn cảm cúm.

Lưu ý khi ăn cháo gừng, cháo hành:

- Không cần gọt vỏ gừng, vỏ gừng có chứa rất nhiều dược tính quan trọng vì thế chỉ cần rửa sạch rồi cắt nhỏ, cho vào cháo là được.

- Không nên ăn quá nhiều gừng vì có thể gây ra hiện tượng khô miệng, bị khát nước hay bốc hỏa trong người.

- Người bị: sốt cao, đau dạ dày, đau đại tràng, bị mắc bệnh về gan, trĩ, sỏi mật, đang bị xuất huyết thì không nên ăn

- Không ăn chung gừng với thịt chó, thịt ngựa, thịt thỏ hay vang trắng vì có thể gây kị nhau.

3. Súp đậu đen

Súp đậu đen không chỉ là thực đơn giúp giữ ấm cơ thể hiệu quả mà còn có tác dụng làm đẹp da đối với phụ nữ.

Nghe Đông Y gợi ý thực đơn giúp giữ ấm cơ thể, nhất là khi trời rét đậm, rét hại - Ảnh 4.

Cháo đậu đen vừa là thực đơn giúp giữ ấm cơ thể lại vừa làm đẹp da (Ảnh: Internet)

Khi nấu, chỉ cần thêm một chút ớt để tạo vị cay nhẹ sẽ giúp lấy lại thân nhiệt nhanh chóng. Theo thống kê, trong đậu đen có chứa rất nhiều dắt, đồng, protein và một lượng chất xơ dồi dào. Khi ăn cháo, soup đậu đen sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Vào những ngày trời lạnh, việc tăng cường sức đề kháng là vô cùng cần thiết giúp bạn chống chọi lại với khí lạnh cũng như nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn,…

Một nghiên cứu từ Hiệp Hội Hóa học Hoa kỳ đã chỉ ra rằng, trong đậu đen có một thành phần chống oxy hóa cực cao là flavonoids – hợp chất này được tìm thấy nhiều trong các cây họ cải, ớt hay cacao.

Ai không nên ăn đậu đen:

Do đậu đen có tính mát nên không thích hợp làm món ăn cho những người bị chứng hư hàn như loét hành tá tràng, người dễ bị tiêu chảy hay bị tiêu chảy mạn tính; người có chứng chân tay lạnh, sợ lạnh,...

4. Nước xương hầm thêm quế và hạt tiêu

Quế và hạt tiêu được xem như những gia vị quen thuộc trong bếp của các bà nội trợ Việt. Hai gia vị này có tính ấm nên rất thích hợp bổ sung vào thực đơn giúp giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là rét đậm, rét hại.

Nghe Đông Y gợi ý thực đơn giúp giữ ấm cơ thể, nhất là khi trời rét đậm, rét hại - Ảnh 5.

Nước xương hầm thêm hạt tiêu giúp tăng tính ấm bù nhiệt cho cơ thể trong ngày lạnh (Ảnh: Internet)

Hạt tiêu có thể cho vào các món như cháo hay món nấu cần khử mùi tanh. Còn quế có thể thêm vào nước hầm, nước lẩu để dậy mùi mà lại làm ấm cơ thể hiệu quả.

Ai không nên ăn tiêu, quế?

Đông y khuyến cáo những người gặp vấn đề về dạ dày không nên lạm dụng tiêu mà chỉ nên dùng vừa phải để tránh gây hại và tăng áp lực cho dạ dày.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn