Nghề lặn biển của các 'nữ chiến binh cá mập'

15:20 | 19/09/2015;
Bằng tình yêu, khát vọng, ý thức bảo vệ môi trường biển và kế sinh nhai, nhiều phụ nữ đã gắn cuộc đời mình với đại dương mênh mông.
Với đa số người, chạm tay vào cá mập đã là điều không tưởng nhưng Cristina Zenato, người Italia, đây lại là điều vô cùng đơn giản. Cô có thể dùng tay dựng thẳng đứng một con cá mập dài tới 3m, thậm chí còn trao cho loài cá này những nụ hôn thân thiện. Cô đã chứng minh cho mọi người cái nhìn mới về cá mập như không dữ dằn và hủy diệt. Hơn 18 năm trong nghề và 15.000 lần lặn dưới đại dương, cô không ngần ngại chinh phục những con cá mập hung dữ. Như hiểu được những “tâm tư, tình cảm” của loài cá mập nên Zenato rất thành công trong sự nghiệp lặn của mình. Tại Bahamas, cô đã thành lập công ty thám hiểm biển Underwater Explorers Society (còn được gọi là UNIEXO). 18 năm trong nghề, Zenato đã đào tạo nhiều thợ lặn trên thế giới.

Cristina Zenato đùa giỡn với cá mập

Còn Lesley Rochat, người Mỹ, được mệnh danh là “chiến binh cá mập”. Cô không ngần ngại mặc bikini và bơi sát cá mập. Cô cùng nhiều nhà hoạt động thực hiện các chiến dịch mang tên “Liên minh bảo vệ đại dương”, “Hãy thay đổi suy nghĩ về loài cá mập” nhằm thuyết phục mọi người rằng, cá mập không thực sự nguy hiểm. Cô kêu gọi giảm bớt số lượng những chiếc lưới đánh bắt cá mập.

Linden Wolbert

Cũng như Lesley Rochat và Cristina Zenato, Linden Wolbert, người Mỹ, đóng vai nàng tiên cá, đến nhiều nơi trên thế giới để kêu gọi mọi người bảo tồn các sinh vật dưới đại dương. Linden bắt đầu có ý tưởng trở thành nàng tiên cá khi xem bộ phim “Nàng tiên cá bé nhỏ”. Với chiếc đuôi bằng silicon nặng khoảng 16kg, cô có thể bơi ở độ sâu gần 35m và nín thở trong vòng 5 phút. Linden hiện đóng vai nàng tiên cá giúp các dự án bảo vệ môi trường của những tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức từ thiện như “Ước mơ”, “Bảo vệ các rặng san hô trên toàn cầu”. Linden Wolbert chia sẻ: Tôi thích cảm giác của tự do và không trọng lượng dưới nước. Đó là một cảm giác rất đặc biệt, giống như một giấc mơ. Chiếc đuôi nàng tiên cá có sức mạnh thật tuyệt vời. Tôi có thể bơi rất nhanh. Tôi từng bơi cùng với cá mập. Nhiều người nghĩ tôi điên khi bơi cùng cá mập nhưng tôi luôn cảm thấy rất an toàn”.

Chiến binh cá mập Lesley Rochat

Bảo vệ nghề lặn biển
Mới đây, chính quyền đảo Jeju, Hàn Quốc và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã ký biên bản ghi nhớ tại trụ sở của cơ quan này ở Thụy Sỹ về việc đề xuất với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận nghề lặn truyền thống của phụ nữ trên đảo Jeju (Jeju Haenyo) là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại đảo có Bảo tàng nữ thợ lặn, không chỉ trưng bày những hình ảnh về phong tục tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng Shaman, các phong tục Sheshi, hình ảnh về cộng đồng nữ thợ lặn mà còn trưng bày những nét văn hóa truyền thống của đảo Jeju như lịch sử của người dân Jeju, phụ nữ, công việc, kinh tế, biển, tín ngưỡng… Nghề nữ thợ lặn Jeju từng được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hàn Quốc năm 2012.

Nữ thợ lặn Nhật Bản

Jeju Haenyo tập hợp những phụ nữ lặn biển sinh sống tại đảo Jeju có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức trong việc thích ứng với môi trường sinh thái biển, trong đó có cả những kỹ thuật lặn dưới nước điêu luyện tích lũy lâu đời. Làm việc vất vả trong môi trường nước, những nữ thợ lặn Jeju được coi như biểu tượng của phụ nữ đảo Jeju. Họ có thể lặn sâu xuống biển để bắt các loại hải sản mà không cần bình lặn oxy, chỉ với một vài trang bị đơn giản như quần áo lặn, chân vịt, mặt nạ lặn. Sau 2-3 phút lặn ngụp ở độ sâu tới 20m, họ đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori). Tiếng huýt sáo từ lâu đã trở thành linh hồn của đảo Jeju. Yêu biển và nghề, những phụ nữ như bà Kim Jeong Yeon (71 tuổi) vẫn bám trụ với nghề lặn. Bà Kim Jeong Yeon tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề này từ năm 14 tuổi, giờ tôi vẫn ngày ngày lặn biển kiếm sống. Thế nhưng, Jeju đang đứng trước nguy cơ không ai theo nghề này vì thanh niên không mặn mà với công việc có mức độ nguy hiểm cao, nặng nhọc trong khi thu nhập không cao”.

Nữ thợ lặn Jeju

Cạnh tranh khá quyết liệt với Hàn Quốc là hình ảnh những nữ thợ lặn thuộc đội lặn Ama, ở tỉnh Mie của Nhật Bản. Những nữ thợ lặn trên làm việc từ sáng cho tới tối. Họ lặn sâu đến 20m, tìm bắt bào ngư, lấy rong biển cũng như mò ngọc. Những phụ nữ này sẽ lặn cùng với vật nặng để xuống độ sâu nhanh hơn. Sau khi có “chiến lợi phẩm”, họ gửi một tín hiệu cho người trên tàu bằng cách kéo sợi dây và họ được kéo lên khỏi nước. Nhật đang vận động để đưa nghề nữ thợ lặn Ama vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Nước này thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá tại nước ngoài về hình ảnh nữ thợ lặn Ama như trên tờ nhật báo Le Monde và Hãng thông tấn AFP của Pháp; đồng thời, Chính phủ Nhật tích cực quảng bá trong nước qua bộ phim truyền hình mang tên “Nữ thợ lặn” (Ama-chan) trên kênh truyền hình NHK năm 2013. Dự kiến, UNESCO sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về công nhận nghề nữ thợ lặn của quốc gia nào là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 diễn ra vào khoảng tháng 11/2015.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn