Tại Việt Nam, nghề kỹ sư hóa học từng lọt top 10 ngành nghề có mức lương cao nhất. Đây là ngành nghề có mức thu nhập khá cao ngay từ khi mới ra trường và có cơ hội tăng lương tốt. Tùy vào địa phương làm việc, trình độ và năng lực cá nhân, nhà tuyển dụng có thể đưa ra những mức lương khác biệt.
Theo khảo sát, mức lương trung bình của ngành kỹ thuật hóa học dao động từ 9 – 10 triệu/tháng. Kỹ sư hóa học có tay nghề cao, thu nhập có thể dao động trong khoảng 30 triệu đồng/tháng. Thậm chí, ai có nền tảng ngoại ngữ tốt, có thể làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài thì du nhập dao động tới 70.000 – 100.000 USD/năm.
Để trở thành một kỹ sư hóa học, bạn cần tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hóa học. Vậy ngành này cụ thể học những gì, học tại trường nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:
Kỹ thuật hóa học là một lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những kiến thức hóa học vào quá trình sản xuất để biến đổi và tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ công nghiệp và đời sống xã hội. Một số lĩnh vực sản xuất phổ biến liên quan đến ứng dụng kỹ thuật hóa học như:
Mặt hàng tiêu dùng (nhựa, chất tẩy rửa, sơn, thuốc nhuộm, thủy tinh, giấy…); Nông nghiệp (thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…); Vật liệu xây dựng (xi măng, bê tông, gạch…); Lương thực – thực phẩm - đồ uống; Công nghiệp dệt – da; Công nghiệp điện hóa (pin, mạ điện, bảo vệ kim loại..); Công nghiệp hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu, dược – mỹ phẩm…); Công nghiệp cơ khí (luyện kim, cao su, polymer…); Công nghiệp điện lực – nhiên liệu – năng lượng.
Người học sẽ có khả năng tính toán, thiết kế, thi công một hệ thống, một phần hoặc toàn bộ quá trình trong lĩnh vực Kỹ thuật hóa học nhằm đáp ứng các nhu cầu trong công việc thực tế. Sinh viên còn được khuyến khích sử dụng các phương pháp hay công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Ngoài khối kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành kỹ thuật hóa học sẽ phải thực hành tại phòng thí nghiệm. Bạn được làm quen với các thiết bị, công cụ chuyên môn, đồng thời tự tay thực hiện các thí nghiệm hóa học.
Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận các công việc bao gồm:
- Kỹ sư nghiên cứu: Tham gia nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và quy trình mới, làm việc ở phòng lab tại các viện nghiên cứu; các công ty hóa mỹ phẩm; các công ty kiểm định, giám định và cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, các kỹ sư còn có thể nghiên cứu về việc phát triển và thiết kế, tối ưu hóa các loại máy móc để sản xuất ra các sản phẩm mới đó.
- Kỹ sư vận hành: Làm việc tại các nhà máy sản xuất, chịu trách nhiệm về việc vận hành và điều khiển máy móc trong quá trình sản xuất (máy đóng gói, các loại dây chuyền tự động trong ngành dược, hóa mỹ phẩm và thực phẩm; các loại máy phân tích – HPLC, GC, FTIR, AAS trong ngành môi trường; các loại thiết bị trong ngành lọc hóa dầu.
- Kỹ sư quản lý: Tham gia vào quản lý quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm trong các xí nghiệp, nhà máy sản xuất thực phẩm, dược phẩm, hoá – mỹ phẩm, vật liệu.
- Kỹ sư kinh doanh: Các kỹ sư tốt nghiệp với kiến thức và sự am hiểu về lĩnh vực hoá học có thể mở công ty mua bán hoặc sản xuất các loại máy móc hoặc sản phẩm liên quan đến ngành này. Các sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hoá học cũng có thể làm nhân viên kinh doanh (sales) cho các công ty với nhiệm vụ tư vấn các loại sản phẩm và máy móc cho khách hàng để đạt được sự thỏa mãn về chất lượng và thông số kỹ thuật trong khung giá cả mà khách hàng đề ra.
Hiện tại, nhiều trường đại học đang đào tạo ngành Kỹ thuật hóa học, các bạn học sinh có thể tham khảo danh sách sau đây:
- Đại học Bách khoa Hà Nội - Học phí: 22 - 28 triệu đồng/năm học
- Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Đại học Thủy lợi
- Học viện Kỹ thuật quân sự
- Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Tôn Đức Thắng
Tổng hợp
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn