Nghệ nhân hoa giấy trọn đời yêu hoa

16:33 | 12/02/2016;
Rời xa cố đô Huế trầm mặc, cổ kính, chúng tôi ngược dòng hạ lưu sông Hương để tìm đến làng làm hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) và hỏi thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Cúc.
Người Huế rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, như là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, đặc biệt là trong dịp tết cổ truyền. Đến thăm nhà người Huế trong những ngày xuân về, trên bàn thờ gia tiên, bên cạnh bánh, mứt, trái cây… thì hoa giấy cũng là một trong những phong tục thờ cúng được người Huế hết sức coi trọng. Chính vì vậy, hoa giấy thường chỉ được làm một lần vào dịp Tết, nhưng lại nở tươi và được thờ cúng suốt cả năm. Chính lẽ đó, hàng trăm năm qua, Thanh Tiên được vinh danh với cái tên: Làng hoa không tàn. Những người con trong làng, hết thế hệ này đến thế hệ khác, họ kế tục, lưu truyền để tạo ra những mẫu hoa giấy mang trong mình biểu tượng của đời sống tâm linh và thấm đẫm hương sắc của mùa Xuân.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Cúc: "Hoa giấy nhắc nhớ tôi về cội nguồn"
Chúng tôi may mắn khi về Thanh Tiên đúng dịp người dân trong làng đang tất bật chuẩn bị làm những loài hoa đẹp nhất, được ưa chuộng nhất để đón chào năm mới. Trong căn nhà nhỏ nằm thu mình phía sau Nhà Thờ và những khoảng ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Cúc đang cùng con gái hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho việc trộn màu.
 
Dáng người gầy nhỏ và khuôn mặt luôn hiện rõ sự tươi vui, nhiệt tình khi tiếp chuyện với khách từ xa đến khiến cho chúng tôi có cảm giác người phụ nữ này đang trong độ tuổi xuân sắc chứ không phải đã bước sang cái tuổi lục tuần. Và, câu chuyện về hoa giấy với nghệ nhân Kim Cúc được bắt đầu từ sự mê hoặc của những sắc màu:  “Khi tôi còn là một cô bé mới học nghề, tôi cứ thắc mắc mãi, làm cách ni người ta có thể tạo ra những màu đẹp như vậy. Rồi tôi tập pha màu, tôi thất bại rồi tôi lại tập... Cứ như thế trong nhiều năm sau đó, tôi bị cuốn vào những màu sắc đầy mê hoặc đó. Để đến khi tôi có thể tự tay pha ra tất cả những màu mình muốn, khoảnh khắc đó thực sự vỡ òa. Màu hồng để làm hoa sen, hoa đào; màu vàng cho những cánh hoa mai, hoa cúc; Xanh lục để điểm tô những chiếc lá hay tím nhạt cho cẩm chướng, mười giờ… Bất kể màu ni chúng tôi đều có thể tạo ra vì quan trọng nhất là khi thành phẩm “ra lò”, hoa Thanh Tiên phải “sắc” như hoa thật. Cứ đến dịp làm hoa, cả thế giới của màu sắc sẽ quy tụ trong nhà, mê lắm, đã lắm. Nhưng để có thể tạo ra những màu sắc đầy mê hoặc đó thì lại là câu chuyện khác....”, nghệ nhân Kim Cúc quệt bàn tay loang lổ những vệt màu lên hất chiếc nón ra phía sau.

Theo lời kể của nghệ nhân Kim Cúc, nghề làm hoa giấy Hoa Tiên có bề dày truyền thống hơn 300 năm và rất được ưa chuộng không chỉ ở Huế mà còn ở một số tỉnh lân cận. Khác với khá nhiều nghề, làm hoa giấy đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế trong tất cả các công đoạn. Từ chẻ tre, vót nan làm thân, làm cành, làm đài, làm nụ... cho đến đục khuôn làm cánh các loài hoa giấy, làm lá, vấn nhụy... và đặc biệt là kỹ thuật pha màu. Nghệ nhân Cúc chia sẻ: ““Tháng mười, mần tre/ Tháng một, mần giấy/Tháng chạp, lên cây”, “lịch sản xuất” này đã lưu truyền qua bao đời. Vì vậy, khoảng cuối tháng 10 âm lịch, chúng tôi sẽ gác lại tất cả những công việc đồng áng, tới chợ Đông Ba mua tre, giấy và bột màu về “chế tác”. Mà không phải ai cũng có thể pha màu. Vì ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm, nó còn đòi hỏi người pha màu phải có năng khiếu, sự tinh tế và độ nhạy với màu sắc. Nhiều người “bám” nghề cả đời vẫn không thể pha ra những màu ưng ý, nhưng cũng có những người chỉ học chừng vài năm là có thể làm tốt công đoạn này”.

Không để “hoa tàn”

Dáng người nhỏ nhắn và đôi bàn tay khéo léo cứ thoăn thoắt xếp những cánh hoa, dán hồ, gắn lá rồi tạo thành những cành hoa đầy mê hoặc, thỉnh thoảng nghệ nhân Kim Cúc lại quay sang hướng dẫn đứa con gái đang làm bên cạnh: “Cái ni con phải gắn cao lên, bông ni coi bộ chưa được, phải thêm hồ...” rồi nói với chúng tôi bằng giọng xuề xòa: “Chả còn chỗ mô để ngồi nữa, thông cảm hể!”.
Những bông hoa được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn yêu hoa
Cứ với nhịp độ công việc đang làm, nghệ nhân Kim Cúc bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự thăng trầm của hoa giấy Thanh Tiên. Từ những giai đoạn “hoàng kim” khi khắp các ngả của những phiên chợ Tết đều tràn ngập sắc màu hoa giấy, người Huế “chuộng” hoa giấy Thanh Tiên như mê một loại hình nghệ thuật thực thụ mà chỉ trong dịp Tết họ mới được thưởng thức. Cho đến bây giờ, sự xuất hiện của những mẫu hoa bền – rẻ - đẹp làm bằng kẽm, được nhập từ những vùng khác khiến hoa giấy Thanh Tiên loay hoay tìm chỗ đứng, còn người làm hoa thì bắt đầu nản vì công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập lại thấp, thậm chí sẽ “trắng tay” nếu gặp tiết trời mưa.
 
Nhấc cành hoa vừa hoàn thiện cắm lên một chiếc trụ lớn đặt giữa nhà, nghệ nhân Kim Cúc nói: “Khoảng chục năm về trước, nếu ai đó đến Thanh Tiên vào đúng dịp này, họ sẽ có cảm giác như đang đứng trước một công xưởng chế tác hoa khổng lồ. Trong mỗi gia đình, từ trong nhà ra tới ngoài sân, tất cả những dụng cụ để làm hoa giấy đều được bày biện. Bởi vậy, những tháng chuẩn bị tết, làng vui như mở hội vậy. Bây giờ, số hộ bám trụ với nghề trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những người lớn tuổi, làm để giữ nghề. Số đông khác, họ ra đổ xô ra thành phố làm thuê, buôn bán để hy vọng có thể mang về những cái Tết no đủ”.

Dẫn chúng tôi đến phòng trưng bày hoa giấy của làng và lấy cho tôi xem tờ giấy công nhận Hoa Tiên là làng nghề truyền thống vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng hồi tháng 8, đôi mắt người phụ nữ này rưng rưng: “Những hoa sen, hoa hồng, mặt trời... nếu bán sỉ thì chỉ có 5.000 đồng/cành (10 bông), còn bán lẻ thì được giá hơn một chút. Mỗi mùa làm hoa kéo dài khoảng hai tháng, cả gia đình 6 người làm, tổng thu nhập cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Nhưng không vì thế mà bỏ nghề, bởi hoa giấy nhắc nhớ tôi về cội nguồn của mình. Dịp Festival Huế, rất nhiều người thích hoa giấy Thanh Tiên, thậm chí cả nhà thiết kế Minh Hạnh cũng về để tìm hiểu, vì vậy chúng tôi càng phải có trách nhiệm giữ, không để cho “hoa tàn”. Bên cạnh việc truyền nghề cho những thế hệ trẻ, tôi cùng một số người trong làng đi vận động từng hộ để họ quay lại với nghề. Khó khăn mấy chúng tôi vẫn sẽ “bám”, thậm chí cho dù không còn ai mua, chúng tôi vẫn sẽ làm...”, nghệ nhân Kim Cúc quả quyết.

Rời vùng quê yên ả với những tiếng đục, tiếng chẻ tre, vót cành cứ vang vọng mãi. Chúng tôi biết, trong những ngôi nhà nhỏ bé, những người như nghệ nhân Kim Cúc vẫn luôn mang trong mình niềm tự hào khi được kế thừa và thổi dòng chảy đam mê của nghề vào những thế hệ sau. Để khi Tết về, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình Huế, hương sắc hoa giấy Thanh Tiên lại tỏa hương để hòa vào đời sống tâm linh và nhắc nhớ về những ký ức tươi đẹp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn