Gặp gỡ nghệ nhân Ánh Tuyết
Nghệ nhân Ánh Tuyết (tên đầy đủ là Phạm Thị Tuyết) - một trong những nghệ nhân ẩm thực Hà thành nổi tiếng cũng là người đã đưa ra công thức nấu món phở khiến BLACKPINK trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam có dịp thưởng thức phải miêu tả bằng động tác "húp đến giọt nước cuối cùng".
Không chỉ là người làm ra công thức món phở cho BLACKPINK, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết được biết tới như một "đại sứ" ẩm thực luôn miệt mài mang ẩm thực truyền thống Việt ra quốc tế. Bà từng nấu ăn cho 21 Nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng 2017. Điều đó đã thể hiện được cái "tầm" của người phụ nữ này với lĩnh vực ẩm thực của nước nhà.
Với những cống hiến của mình, nghệ nhân Ánh Tuyết đã được nhà nước công nhận là nghệ nhân về ẩm thực tri thức. Dù đã 70 tuổi nhưng bà vẫn rất minh mẫn, tâm huyết với nền ẩm thực nước nhà.
"Vì tôi là người gốc Hà Nội, người con gái Hà Nội ngày xưa lại phải cực kì chú trọng đến nữ công gia chánh. Hơn hết, tiêu chuẩn về nữ công gia chánh ngày xưa đối với các cô con gái vô cùng khắt khe. Đó còn là thước đo để người khác đánh giá về cách giáo dục của gia đình. Chính vì điều này, tôi đã quán xuyến bếp núc một cách thành thạo từ năm lên 9 tuổi. Đó có thể gọi là cái cốt lõi, nền tảng về kiến thức ẩm thực của tôi sau này". - nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.
Với tình yêu và lòng nhiệt huyết mãi dành cho ẩm thực truyền thống Việt Nam, nghệ nhân Ánh Tuyết cũng có chia sẻ vô cùng tâm huyết đối với mâm cơm ngày Tết - những mâm cơm đặc biệt được người Việt coi trọng nhất trong năm. Bởi đây không chỉ là dịp đoàn viên mà còn là thời điểm người Việt thông qua những món ăn ngon, mâm cỗ đầy bày tỏ lòng biết ơn với ông bà tổ tiên cũng như cầu chúc cho năm mới bình an, hạnh phúc.
Đối với nghệ nhân Ánh Tuyết, bữa cơm ngày mùng 1 Tết - bữa ăn đầu tiên trong năm đóng vai trò rất đặc biệt. Không đơn giản chỉ là ăn no, ăn ngon mà còn mang ý nghĩa về phong thủy rất lớn:
"Tết xưa, bao giờ các cụ cũng quan niệm bữa đầu năm mới phải dư dả.
Mẹ tôi ngày xưa từng nói: "Này con ơi, con làm cho dư dả ra một chút để cả năm đó no đủ, không bị thiếu thốn. Nếu sáng mùng 1 mình làm cơm, ai ăn cũng đói thì người ăn sẽ cảm thấy: "Thôi chết rồi, năm nay chắc đói kém, không được buôn may bán đắt".
Các cụ quan niệm như vậy nên đến giờ tôi vẫn làm thế. Ví dụ, tôi chỉ ăn hết 8 thôi nhưng tôi làm 10, làm có có cho phong thủy dư dả một chút."
Không chỉ cần làm đầy đặn với ý nghĩa phong thủy mà theo nghệ nhân Ánh Tuyết, bữa cơm đầu tiên của năm mới cũng là dịp hiếm có để mọi thành viên trong gia đình có thể đoàn tụ:
"Mâm cơm ngày mùng 1 của người Việt Nam có một ý nghĩa đó là Tết đoàn viên, sự đoàn tụ. Đi làm 365 ngày, người ở gia đình luôn ngóng người vắng mặt ở xa chưa về. Bữa ăn chiều 30 vẫn có thể có thành viên chưa về kịp, có người về cách giao thừa chỉ vài chục phút. Cho nên, sáng mùng 1 mới là bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình nhất nên nó cũng quan trọng nhất."
Đây cũng là "chất keo" kết nối các thành viên trong gia đình giữa cuộc sống bộn bề hiện đại.
Ngoài việc chia sẻ về ý nghĩa bữa cơm, nghệ nhân Ánh Tuyết cũng chia sẻ cách thưởng thức bánh chưng truyền thống khá ít người biết đến: "Cách thưởng thức cổ ngày xưa của các cụ là bao giờ cũng ăn bánh chưng với chè, cá kho hoặc bánh chưng với giò mỡ. Đấy là cách thưởng thức bánh chưng của các cụ ngày xưa".
Hiện nay, cá kho là một món khá ít xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết, tuy nhiên, theo nghệ nhân, trước kia gia đình nào cũng bắt buộc phải có một nồi trong nhà:
"Gia đình nào cũng có một nồi cá kho, không nhất thiết là phải loại cá nào mới đúng. Miễn sao có nồi cá kho. Nhà nào cũng phải có món bóng, món măng và bánh chưng thì không thể thiếu được."
Không chỉ vậy, sự cân bằng trong mâm cỗ Tết cũng rất quan trọng: "Gia đình chúng tôi bao giờ cũng phải gắp nộm ăn đầu tiên, tránh cảm giác ngay đầu bữa đã bị ngấy. Bao giờ cũng ăn nộm rồi mới đến các món mỡ một chút để có độ cân bằng."
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn