Cách nay hơn 4 năm, Chị Lê Cao Quý Lộc tìm tòi học được nghề đan giỏ xách nhựa này từ 1 người quen ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Công việc mới giúp chị Lộc vừa có thể chăm sóc con nhỏ, quán xuyến công việc gia đình mà lại có thêm một khoản thu nhập. Chị Lộc kêu gọi chị em phụ nữ trong xã có nhu cầu đến để dạy nghề miễn phí.
Nghề tay trái này đã giúp ích cho không ít phụ nữ địa phương có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ban đầu các chị em trong ấp nhận đặt hàng và đan theo nhóm. Nhưng đến ngày 27 tháng 6 năm 2015 Hội LHPN xã Bình Đông đã ra mắt tổ hợp tác đan giỏ nhựa có 15 chị tham gia. Bình quân mỗi ngày làm là thành phẩm 03 cái/20.000 đồng cái. Trung bình thu nhập mỗi chị hơn 1.800.000 đồng/tháng.
Thành lập Tổ hợp tác |
Để quản lý tốt mô hình hàng tháng khi có thành viên mới tham gia thì tổ chức tập huấn cho thành viên về kỹ thuật đan giỏ. Ngoài ra, chi hội trưởng thường xuyên tham mưu cho Ban thường vụ Hội phụ nữ xã thông qua cuộc họp Ban chấp hành hàng tháng về hoạt động của mô hình để theo dõi chỉ đạo kịp thời. Tổ hợp tác cũng đã thường xuyên mở các lớp dạy nghề miễn phí cho hội viên.
Qua 4 năm hoạt động, hiện mô hình đan giỏ xách nhựa đã thu hút trên 40 chị em tham gia, với mức thu nhập ổn định. Theo các chị em nơi đây, việc đan giỏ này không khó lắm, có thể học nghề trong vòng 1 tuần lễ và chủ yếu là người đan giỏ phải có tính tỷ mỹ và khéo tay một chút là có thể làm ra chiếc giỏ đẹp. Hiện các chị nhận gia công với hàng chục mẫu giỏ khác nhau, bình quân mỗi chị thu nhập từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/ngày.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, ấp Năm Châu phấn khởi kể: “Tôi tham gia học nghề và rồi gắn bó 4 năm nay. Trung bình mỗi ngày làm việc 6 giờ, tôi đan được 6 chiếc giỏ kiểu thường với thu nhập ngoài 50.000 đồng.”
Nhiều chị em phụ nữ ở xã Bình Đông còn chia sẻ thêm, ngoài công việc đồng áng, hay chăn nuôi thì thời gian rãnh rỗi chiếm rất nhiều, nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của Hội LHPN xã mà chị em được trợ vốn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là có thêm được cái nghề và việc làm mới, phần nào giúp tăng thu thêm thu nhập, có điều kiện cho con đến trường không phải bỏ học giữa chừng.
Các thành viên Tổ hợp tác đan giỏ |
Chị Quý Lộc cho biết: “Phần lớn hàng nhận gia công là xuất khẩu sang các nước châu Âu theo đơn đặt hàng, một số ít tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nguồn hàng dồi dào, nhiều mẫu mã đẹp nên chị em không sợ thiếu việc làm. Chị em có thể làm việc ngay tại nhà, vừa làm vừa chăm sóc gia đình”.
Khi tham gia vào mô hình đan giỏ các chi được tập huấn nhiều kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật khác như kỹ thuật về chăn nuôi gà, vịt, trồng lúa… Từ đó giúp chị em phụ nữ nắm được kỹ thuật và biết cách lập kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh, biết tận dụng sức lao động sẵn có trong gia đình, biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp để bán sản phẩm ra thị trường đạt giá thành cao. Đồng thời qua đó tạo cơ hội chị em phụ nữ có việc làm tai chỗ tăng thời gian lao động giảm bớt thời gian nhàn rỗi, hạn chế nạn cho vay nặng lãi.
Qua tham gia mô hình các chị mở mang thêm kiến thức và tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình đầm ấm, địa vị của các chị trong gia đình và xã hội được nâng lên, từ đó các chị thích tham gia sinh hoạt hội và tham gia vào mô hình ngày càng đông.