Chia sẻ về ca khúc "Truông Bồn nhớ mãi tên em", nghệ sĩ Thanh Phong cho biết, anh luôn có tình cảm đặc biệt với địa danh cách mạng gắn liền với sự hy sinh anh dũng của 13 liệt sĩ đang tuổi thanh xuân. Trong một lần dâng hương tại Truông Bồn vào dịp Tết, nhiều du khách nhận ra chàng trai hát dân ca và đề nghị anh hát Ví Giặm mộc mạc ngay tại đây. Khi hát xong, các anh chị thuyết minh viên, cán bộ khu di tích nói, mong anh có một bài hát đậm màu sắc âm hưởng dân ca xứ Nghệ về Truông Bồn, trước là dâng lên anh linh các liệt sĩ, sau là để khán giả, du khách mọi miền được nghe.
Chàng nghệ sĩ 9X nhớ lại những năm trước, khi Nhà hát Dân ca Nghệ An ra Hà Nội biểu diễn vở diễn "Hoa lửa Truông Bồn" của tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, đêm diễn nào anh cũng có mặt. Bởi anh đang là BTV chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa xem vừa nghe để cắt trích đoạn phát sóng. Điều quan trọng hơn là anh rất thích và hạnh phúc khi được mọi người hỏi về vở diễn. Là một người con quê hương Nghệ An, nghiên cứu sâu về văn hóa và âm nhạc dân gian xứ Nghệ, anh có thể giải thích và kể lại cho những người xung quanh những đoạn nào chưa nghe rõ thoại giọng Nghệ, chỗ nào hát làn điệu gì, tại sao lúc đó diễn viên phải hát điệu đó... "Kết thúc đêm diễn nào, cả rạp cũng đều có tiếng khóc, điều đó lại làm cho tôi có động lực mạnh mẽ sẽ phải làm được điều gì tri ân các anh chị liệt sĩ Truông Bồn", Thanh Phong bày tỏ.
Nghệ sĩ Thanh Phong tên đầy đủ là Lê Thanh Phong. Anh là Thạc sĩ, Trưởng đoàn Dân ca xứ Nghệ Unesco tại Hà Nội, BTV chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh từng được trao giải Diễn viên xuất sắc tại Festival âm nhạc dân gian thế giới Uzbekitstan 2017; Bằng khen Liên hoan âm nhạc dân gian do Đài Truyền hình quốc tế Vân Nam – Trung Quốc năm 2019; các Bằng khen Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng các năm 2018, 2019, 2020…
Luôn canh cánh về tác phẩm âm nhạc cho Truông Bồn, Thanh Phong cũng đã chọn nhiều bài viết về địa danh lịch sử này để tập hát, nhưng vẫn cứ thấy lòng chưa được đúng ý và chất giọng. Tháng 10 vừa qua, anh về Nghệ An đúng lúc quê nhà chịu ảnh hưởng của mưa bão. Trong tiết trời mưa dầm, gió lạnh, chàng nghệ sĩ trẻ tình cờ đọc được những câu thơ về liệt sĩ Truông Bồn của người anh thân thiết là Trần Tiến Dũng. Đồng cảm với những dòng thơ, Thanh Phong đã chắp bút thêm thơ và nhạc, để sau đó bài hát "Truông Bồn nhớ mãi tên em" ra đời. Sau này, Thanh Phong mới biết, công ty của anh Trần Tiến Dũng chính là đơn vị xây dựng các hạng mục tại Khu di tích Truông Bồn.
Ca khúc "Truông Bồn nhớ mãi tên em" với âm hưởng dân ca xứ Nghệ là chủ đạo, khắc họa bức tranh quê Đô Lương, xứ Nghệ thanh bình hôm nay và hào hùng khí thế của những năm tháng chiến tranh với địa danh Truông Bồn.
Thông thường, các ca khúc đề tài tri ân liệt sĩ hay mang màu sắc bi hùng, linh thiêng, trầm buồn và trữ tình cách mạng. Nhưng ở "Truông Bồn nhớ mãi tên em" thì bên cạnh sự ngọt ngào, da diết có cả sự tươi vui, trẻ trung. Sự khác biệt này trước hết đến từ chất liệu âm nhạc khi Thanh Phong lựa chọn dân ca Ví, Giặm làm âm hưởng chủ đạo, được phát triển lên theo giai điệu tươi vui hơn nhưng vẫn mang tính hào sảng, thiết tha, tự hào.
Mang nhiều yếu tố trẻ trung vào ca khúc, chủ đích của Thanh Phong là để bài hát gần gũi hơn với khán giả thế hệ genZ. "Thông qua ca khúc, tôi cũng muốn gửi gắm đến các bạn trẻ hôm nay thông điệp yêu hòa bình và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước", anh nói.
Sau khi hoàn thành "Truông Bồn nhớ mãi tên em", Thanh Phong lập tức gọi điện cho ca sĩ Phương Thanh – Á quân Sao Mai 2011 dòng dân gian để mời đàn chị cùng thực hiện MV.
"Chị Phương Thanh là người con Đô Lương, tuổi thơ của chị gắn với mảnh đất này và thường đạp xe đi học qua Truông Bồn từ bé nên cảm xúc chị sẽ rất nhiều. Và điều quan trọng là chị Phương Thanh đã có sự chín chắn và trưởng thành trong nghề. Tôi cũng mới sáng tác 2 năm gần đây, khi được chị Phương Thanh hát tác phẩm mới của mình thì tôi rất yên tâm. Tôi tin sự xử lý tinh tế, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, điều tiết cảm xúc tốt của chị sẽ nâng tầm tác phẩm mới lên", Thanh Phong lý giải.
Vào giữa tháng 10, khi ê-kíp đang quay hình MV thì được gặp đoàn các cô, bác cựu TNXP phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An lên thăm lại Truông Bồn. "Các cô, bác một thời là đồng đội với các liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, tuổi trẻ đã sống và chiến đấu trên cung đường này. Ý nghĩa hơn khi trong đoàn có bà Nguyễn Thị Lân - người được vinh dự 2 lần gặp Bác Hồ năm xưa. Bà đã cảm động nắm tay tôi và chị Phương Thanh kể chuyện xưa. Theo yêu cầu, chị em tôi đã hát mộc mấy bài dân ca xứ Nghệ trên đồi nghỉ chân của các cô bác. Vừa hát mà cả các cô, bác và các cháu đều khóc giữa trưa nắng Truông Bồn", Thanh Phong xúc động.
Trong MV "Truông Bồn nhớ mãi tên em" còn có sự xuất hiện của các bạn Đoàn viên thanh niên các xã ở khắp huyện Đô Lương. Khi nghe tin Thanh Phong về quay MV, các bạn trẻ đã tình nguyện đến làm lễ dâng hoa, thắp nến và hỗ trợ đoàn làm phim. "Khi quay hình và hát mộc tại đồi nghỉ chân bên hố bom Truông Bồn, các bạn trẻ đoàn viên thanh niên có mặt ở đó rất hào hứng, và các cô bác cựu TNXP cũng đều thích thú và vỗ tay theo nhịp bài hát. Mọi người không còn khoảng cách thế hệ, tất cả vẫn nụ cười tuổi 20", nam nghệ sĩ 9X cho biết.
MV "Truông Bồn nhớ mãi tên em"
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn