Nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương học chữ nhờ cách dạy độc đáo của mẹ

06:17 | 16/02/2020;
Là một người khiếm thị, việc học chữ đối với một đứa trẻ 6 tuổi vào những năm 1980 như Hà Chương vô cùng khó khăn và mẹ anh đã nghĩ ra cách dạy con độc đáo bằng món đồ chơi trẻ con từ mấy cây nhang trên bàn thờ.

Năm 1988, khi Hà Chương được 6 tuổi, thấy bạn bè ríu rít đến trường, anh thèm đi học lắm. Điều đó khiến mẹ anh quyết tâm tìm cách dạy chữ cho anh. Anh kể: "Việc tìm ra phương thức giúp đứa con khiếm thị có thể nhận diện được các chữ cái và ô li vở luôn ngốn của mẹ rất nhiều thời gian. Nhưng ánh sáng phải lóe lên ở đâu đó cho người ta ra khỏi đường hầm.

Mẹ mua hai mươi bốn chữ cái bằng nhựa. Mẹ lấy chân nhang in mạnh xuống vở tạo ô li. Tôi vẽ chữ theo đường nét của đồ chơi. Nắm được mặt chữ, tôi sờ vết hằn chân nhang làm ô li trên giấy, rồi thu nhỏ kích cỡ con chữ mà vẽ. Vậy là mấy ngon tay tôi cũng viết được chữ như các bạn. Từ mấy con chữ đồ chơi, tôi hình thành trường liên tưởng và trí tưởng tượng về sau. Ví dụ như chữ C đối với tôi là nửa hình tròn, chữ V là cùng duỗi ngón trỏ và ngón giữa mà tạo thành, chữ O là nguyên vòng tròn, hình chữ nhật là cái bàn… Sau này, cũng nhờ trí tưởng tượng và trường liên tưởng đó mà tôi trở thành một trong số ít học sinh khiếm thị học giỏi hình học không gian".

Câu chuyện học chữ nhờ sáng kiến độc đáo của chính mẹ mình đã được nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương kể lại trong cuốn tự truyện Nhắm mắt nhìn sao. Cũng từ những dòng chữ đầu tiên đó, Hà Chương bắt đầu hòa nhập với cuộc sống…

Hà Chương không nhìn thấy ánh sáng. Thế nhưng bóng tối không làm anh lùi bước, giống như anh nói: "Nếu phải ở trong bóng tối suốt đời và chẳng thể thay đổi được nó, tôi chọn bóng tối là bầu bạn. Vì chỉ khi đó, trí tưởng tượng của tôi bay lên, thăng hoa và rực rỡ".

Nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương trên sân khấu

Nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương trên sân khấu

Với ý chí và nghị lực của mình, vượt qua những khó khăn, thử thách, Hà Chương không chỉ khiến trí tưởng tượng của mình trở nên rực rỡ, những cống hiến của anh trong âm nhạc và hoạt động cộng đồng còn điểm tô cho cuộc sống này có thêm muôn màu vạn sắc.

Là một người khiếm thị, nhưng Hà Chương có khả năng trình diễn hơn 10 loại nhạc cụ. Anh đã sáng tác hàng trăm bài hát, lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Trong suốt 3 năm (2017-2019), cùng với âm nhạc và câu chuyện của mình, Hà Chương còn là diễn giả thắp lửa đam mê, truyền cảm hứng cho hàng chục ngàn học sinh, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng trong cả nước qua các chương trình "Đánh thức khát vọng", "Bứt phá để thành công"…

 Tự truyện Nhắm mắt nhìn sao là những lát cắt xúc động, đặc biệt, toàn diện về cuộc đời Hà Chương với những thăng trầm, khó khăn, thử thách, những bước ngoặt - khi anh còn là một đứa trẻ khiếm thị ở một vùng quê Thanh Trà - Quảng Ngãi đến khi trở thành nhạc sĩ, được yêu mến.

Trong cuốn sách này, những kỷ niệm mộc mạc, ký ức chân thật, những giọt nước mắt, mồ hôi, cả giấc chiêm bao, phút mủi lòng và cả những phút giây thăng hoa trong cuộc sống của Hà Chương được ghi chép lại chân thật và sinh động.

Đó là một cậu bé Hà Chương mới 2 tuổi, mất đi hoàn toàn ánh sáng, rong ruổi theo cha mẹ trên những chuyến tàu vào Nam ra Bắc, nhen nhóm hy vọng đi tìm ánh sáng ở những bệnh viện nơi phố thị. Cũng là cậu bé Hà Chương lớn lên với những làn điệu dân ca, khúc ca bài chòi nơi quê Hương xứ Quảng. Một bên, anh lớn lên giữa tình yêu thương của bố mẹ, sự chân tình của những người họ hàng yêu âm nhạc; một bên đối mặt những những kỳ thị, định kiến người khuyết tật của những người xung quanh, hàng xóm láng giềng tại vùng quê nhỏ hẻo lánh.

Trong Nhắm mắt nhìn sao, Hà Chương kể rõ ràng về những ký ức của mình từ thơ ấu đến thiếu niên qua góc nhìn đặc biệt nhạy cảm của mình. Cùng với việc tập học viết chữ nhờ vào sáng kiến của mẹ là sự giúp đỡ ân tình của những người cha nuôi, mẹ nuôi; những mối tình vụng dại của những học sinh khiếm thị trường Mù Nguyễn Đình Chiểu, những thầy cô nghiêm khắc và những bước chân đầu đời bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Tự truyện của Hà Chương cũng nhắc lại những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời anh. Về mối tình của anh với người vợ hoàn toàn "bình thường", khoảnh khắc anh tham gia Vietnam Got Talent, làm xúc động công chúng với bài hát Cõng mẹ đi chơi và những khoảnh khắc đặc biệt khác, khi anh "lưu dấu trên đời và lưu dấu trong trái tim người khác".

 Nhắm mắt nhìn sao được chắp bút bởi nhà báo Thanh Nhã – một cây bút không xa lạ trong làng văn Việt Nam, người từng chấp bút cho tự truyện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Bằng ngòi bút và sự đồng cảm sâu sắc, Thanh Nhã đã đi sâu vào thế giới nội tâm, ghi lại những cung bậc cảm xúc, những biến chuyển trong tâm lý như một người tham dự trong từng giai đoạn trong cuộc đời Hà Chương.

Qua từng chương sách, những thông điệp truyền cảm hứng, những suy ngẫm về cuộc đời – thứ giúp Hà Chương vượt qua mọi nghịch cảnh được ghi chép, đút kết lại.

Tự truyện Nhắm mắt nhìn sao của nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương

Tự truyện "Nhắm mắt nhìn sao" của nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương

Nghệ sĩ Hà Chương tên thật là Hà Văn Chương, sinh năm 1982, tại Quảng Ngãi. Từ năm 1995 - 2003, anh đạt 9 Huy chương Vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu tài năng trẻ Đà Nẵng và toàn quốc, nhận bằng khen của Thủ tướng.

Năm 2004, Hà Chương thi đỗ thủ khoa vào hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chuyên ngành đàn bầu. Năm 2006, anh thi vượt rào thành công lên hệ đại học của Học viện. Năm 2008, anh đạt giải Ba độc tấu đàn bầu cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc, giải B sáng tác ca khúc (không có giải A) của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với bài hát Vì sao em không thể.

Năm 2010, anh tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành đàn bầu, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cũng năm này,  ca khúc Nắng hát của anh lọt vào chung kết Bài hát Việt. Năm 2014, anh lọt vào Top 3 chung kết cuộc thi Vietnam's Got Talent.

Trong sự nghiệp của mình, Hà Chương đã phát hành hơn 10 album - single và MV tại Việt Nam, 2 album tại Mỹ, thực hiện nhiều live show, chương trình lưu diễn tại Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar... Anh là diễn giả của chuỗi chương trình truyền cảm hứng "Đánh thức khát vọng", "Bứt phá để thành công"… tiếp cận  300.000 học sinh, sinh viên của gần 300 trường THPT, cao đẳng, đại học trên cả nước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn