Ngày 14/10, chương trình Người kể chuyện đời đã lên sóng HTV với sự tham gia của nghệ sĩ cải lương Kiều Mai Lý, một trong những tên tuổi nổi tiếng của cải lương thế hệ trước, cùng thời với nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội.
Tại chương trình tuần này, Kiều Mai Lý đã chia sẻ về con đường sự nghiệp của bà.
Nhà nghèo, một ly cà phê cho thầy cũng không có nhưng vẫn được học
Tôi không may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ba má tôi gốc làm nghề kinh doanh, buôn bán, không liên quan gì đến nghệ thuật. Ba tôi còn không thích tôi đi theo nghề này.
Năm tôi một tuổi, má tôi bầu đứa em kế tiếp nên gửi tôi sang nhà hàng xóm nuôi giùm. Tôi ở bên đó riết rồi không chịu về nhà nữa.
Bà ngoại tôi thấy nhà hàng xóm đó không có con, còn ba má tôi lại đang đông con nên đồng ý cho tôi ở bên nhà đó, nhận họ làm ba má nuôi.
Ba nuôi tôi hồi đó làm nghề đánh trống kèn đám ma nên cũng có máu nghệ sĩ. Bản thân tôi thì bẩm sinh đã có hơi ca rất dài. Ba nuôi tôi nhận ra năng lực đó nên nhờ thầy dạy tôi hát.
Nhà nuôi tôi nghèo lắm, đến ly cà phê cho thầy cũng không có, nhưng thầy thương nên vẫn nhận dạy tôi. Năm đó, tôi khoảng 11 tuổi. Như vậy, tôi đi học không mất đồng nào, đúng là được Tổ nghiệp thương cho cái nghề này.
Hơn nữa, thầy tôi dạy đông học trò nhưng chỉ có tôi là trội nhất nên tôi được thương dạy cho đến nơi đến chốn. Thầy bảo tôi: "Tao dạy nhiều đứa học trò mà chỉ có mày là ca tốt nhất, nên ráng mà học".
Thầy tôi đặc biệt ở chỗ không biết đàn nhưng dạy nhịp rất chuẩn, hát không sai một nhịp nào. Nghệ danh Kiều Mai Lý của tôi cũng là do ông thầy đặt cho. Tôi còn nhỏ, thấy nghệ danh này hay nên cũng chấp nhận và nó gắn liền với tôi đến tận bây giờ.
Ngày xưa, tôi mê cố nghệ sĩ cải lương Thanh Hương, hơi của chị ấy hay lắm, tôi thần tượng chị vô cùng.
Chính vì hâm mộ chị Thanh Hương quá nên tôi quyết tâm theo nghề để được ca như chị ấy. Tôi bắt đầu học cách ca cải lương theo chị Thanh Hương qua những bài học của thầy.
Thầy tôi cũng nhiệt tình với tôi, cứ chỗ nào có đám giỗ, hội hè gì đều dẫn tôi đi ca để được tiếp xúc với sân khấu từ sớm. Tôi được làm việc với những thầy đờn danh tiếng của làng cải lương nên được rèn luyện bản lĩnh sân khấu, ca hát. Nhiều lúc, các thầy đờn thử tôi bằng cách cố tình đánh rớt nhịp nhưng tôi vẫn ca bình thường, không chệch nhịp, nên các thầy rất quý.
Hành trình thế vai cho các nghệ sĩ lớn
Lớn lên, tôi bắt đầu đi theo các đoàn cải lương để được làm nghề. Khi còn ở các đoàn cải lương nhỏ, sự cạnh tranh hầu như không có. Nhưng tới lúc vào các đoàn cải lương lớn như đoàn Dạ Lý Hương, tôi mới thấy được sự cạnh tranh khốc liệt như thế nào vì toàn ngôi sao hàng đầu trong đó.
Riêng bên đào chính ở đoàn đó đã có những nghệ sĩ nổi tiếng như chị Bạch Tuyết, Hồng Nga, Phượng Liên, Kim Ngọc, Mai Lan, Trang Bích Liễu… Họ đều thuộc hàng ngôi sao lớn. Tôi vào đoàn không thể hát đào chính, phải hát đào phụ rồi tìm cách cạnh tranh mà lên.
Cạnh tranh tôi nói ở đây không phải ganh đua, đố kỵ, dìm nhau xuống, cũng không phải so đo sắc vóc, áo quần mà học hỏi nhau để cùng đi lên. Tôi phải theo sát để học các chị từng chút một để khi ra sân khấu, các chị được 9 10 thì tôi cũng phải được 6 7.
Đến khi các chị lập gia đình, nghỉ sinh con thì tôi bắt đầu được lên thế vai của các chị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn