PV Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với nam nghệ sĩ quê Nghệ An này.
+ Là một người thuộc thế hệ 9X, tại sao anh không chọn những dòng nhạc hiện đại mà lại theo đuổi dân ca?
Tôi được nghe mẹ, nghe bà ngoại hát ru dân ca từ thuở mới lọt lòng. Cũng chính mẹ là người dạy tôi hát dân ca. Mỗi khi mẹ đi dạy, đi diễn, tôi đều ngồi nghe mẹ hát, rồi dần dần thuộc các ca từ, làn điệu.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, từ nhỏ tôi đã được bố mẹ định hướng và đào tạo theo thiên hướng nhạc cụ phương Tây, cho học guitar, organ và piano, nhưng tôi lại thích thanh âm của nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Năm 10 tuổi, tôi đòi bố cho đi học đàn bầu, bố liền tìm đến một nghệ sĩ cải lương đã giải nghệ nhờ hướng dẫn con mình.
Tôi thực sự gắn với dân ca Ví, Giặm khi được nhà trường cử tham gia cuộc thi "Tiếng hát Hoa phượng đỏ" cấp thành phố. Trước khi thi, tôi hát cho bố nghe một số bài mình yêu thích, trong đó có bài dân ca "Thập ân phụ mẫu" và bố khuyên tôi nên chọn bài này đi thi.
Cuộc thi năm đó, hầu hết các bạn đều hát âm nhạc hiện đại, đặc biệt là nhạc Hàn Quốc. Tôi nhớ nhạc sĩ Lê Hàm, thành viên Ban giám khảo, nói: "Phần lớn tiết mục tham gia cuộc thi là những giai điệu hiện đại, ít thấy bài hát mang âm hưởng dân ca hoặc bài dân ca, duy chỉ có bạn nhỏ tên Lê Thanh Phong hát dân ca rất hay, rất truyền cảm. Các cháu hãy học tập bạn Phong nhé!".
Tôi đã giành giải Nhất cuộc thi với bài dân ca cổ. Và bố tôi, dù là một nghệ sĩ nhạc nhẹ, vẫn khuyên tôi rằng: "Từ nay con cứ theo dòng dân ca cổ nhé!".
+ Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ được đánh giá cao trong việc lan tỏa nghệ thuật Ví, Giặm không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Điều gì đã khiến anh thành lập đoàn nghệ thuật này?
Khi tôi ra Hà Nội học đại học, vì yêu dân ca và vì nỗi nhớ nhà, tôi luôn muốn có một không gian để hát dân ca. Tôi tập hợp các gương mặt trẻ từng hát dân ca xứ Nghệ có sắc vóc, có giọng hát để cùng nhau thực hiện những đêm nhạc miễn phí phục vụ khán giả.
Bản thân tôi cũng không ngờ câu lạc bộ nhanh nhóng nổi tiếng đến vậy, diễn viên được mời biểu diễn khắp nơi. Từ một nhóm nhỏ với 5-7 thành viên, câu lạc bộ đã thu hút được nhiều sinh viên thanh nhạc, ca sĩ, trở thành một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với hơn 50 nghệ sĩ, diễn viên.
Không chỉ biểu diễn trong nước, Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ đã tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa tại các nước như Uzbekistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp…
+ Nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Bản thân là một người trẻ, anh nhận định thế nào?
Tôi lại thấy những năm gần đây, các bạn trẻ quay lại với văn hóa cổ truyền rất nhiều. Trước kia, thế hệ 9X của tôi thường nhảy K-pop, hát nhạc hiện đại trong các dịp văn nghệ ở trường, nhưng giờ đây nhiều "Gen Z" có xu hướng chọn biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Quan sát kỹ trên các nền tảng số do mình quản lý như Facebook, Youtube, Tiktok…, tôi thấy các bạn trẻ có nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống rất truyền cảm. Các bạn sáng tạo rất hay, thực hiện clip trên nền dân ca hoặc sử dụng chất liệu dân ca… và được lan tỏa mạnh mẽ, thu hút tương tác lớn.
+ Xin cảm ơn anh!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn