Nghệ sĩ Minh Ngọc: Người thầy của Diva

05:14 | 08/08/2015;
Xưởng nghệ thuật Pallet của cặp vợ chồng nghệ sĩ Minh Ngọc - Thẩm Đức Tụ nằm trong con ngõ nhỏ phố Trương Định, Hà Nội. Chẳng biết bắt đầu từ đâu để nói về họ, nhất là về Minh Ngọc - cô giáo của Hồng Nhung, Thanh Lam.

“Mở đường” đào tạo thanh nhạc trẻ em chính quy

Minh Ngọc về Cung Thiếu nhi Hà Nội công tác năm 1972. Bà được nhạc sĩ Hoàng Vân phân công phụ trách bộ môn ký xướng âm. Một ngày, nhạc sĩ Hoàng Vân nói với Minh Ngọc: “Ta xây dựng hợp xướng thiếu nhi đi”. Lúc đó, cả nước chỉ có duy nhất một hợp xướng của Trung ương bao gồm các ca sĩ chuyên nghiệp. Kỹ thuật thanh nhạc không được áp dụng cho trẻ em. Nhạc viện Hà Nội cũng chỉ tuyển người đã qua thời kỳ vỡ giọng. Nhưng Minh Ngọc không lo lắng, thậm chí còn rất hào hứng với kế hoạch này. Bà nhớ lại: “Khi kế hoạch vừa đưa ra, rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình, như nhạc sĩ Minh Cầm, Vũ Tự Lân, Đặng Hùng, các ca sĩ Tân Nhân, Lệ Chi, Mai Khanh, Kim Ngọc, Tống Kỳ, Ngọc Diệp… Tôi nói tôi xin làm học trò của các nghệ sĩ, vừa học vừa tìm tòi để dần dần đúc kết ra một phương pháp chuẩn”.

Năm 1976, hợp xướng thiếu nhi được xây dựng. Năm 1979 thì thành công. Phương pháp đưa thanh nhạc vào trẻ em của Minh Ngọc đã mang lại hiệu quả khác biệt, dễ dàng phát hiện và bồi dưỡng tài năng ca hát đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo so với trước đây. Hồng Nhung, Thanh Lam nằm trong lứa đầu tiên của đội hợp xướng thiếu nhi ấy. Riêng Thanh Lam được nhạc sĩ Thuận Yến dắt đến gặp riêng cô. “Lúc đó Thanh Lam bé xíu, giọng hát như vịt Donald nhưng cô bé rất mê hát. Giọng khàn của Thanh Lam là một âm sắc lạ nhưng nếu không có thanh nhạc thì sẽ khó trở thành âm sắc đẹp”, Minh Ngọc nói. Bà đã áp dụng các kỹ thuật của mình để rèn giọng cho cô học trò bé bỏng, biến giọng hát của Thanh Lam trở thành giọng đơn ca nổi trội. Giống như cách bà đã áp dụng với Hồng Nhung và sau này là hàng loạt các ca sĩ nổi tiếng khác. Phương pháp của bà được áp dụng tại các nhà văn hóa thiếu nhi trên toàn quốc và là tiền đề cho sự ra đời của lớp sơ cấp tại Nhạc viện các tỉnh thành, chính thức đào tạo chính quy về thanh nhạc cho trẻ em. “Chưa bao giờ phong trào âm nhạc cho thiếu nhi lại phát triển mạnh mẽ và rầm rộ như thời kỳ đó. Các nhạc sĩ tới tấp gửi bài đến, không bao giờ lo thiếu bài. Các nghệ sĩ thân thiết đi đâu mà nghe được băng đĩa thiếu nhi hay cũng chuyển về cho tôi. Trịnh Công Sơn cũng gửi ca khúc đến. Một lần ra Hà Nội, anh hỏi bạn bè ai đã dựng ca khúc của anh, họ bảo tôi. Thế là anh tìm đến nhà tôi chơi. Đi nửa đường thì bị công an bắt vì vi phạm luật giao thông” – bà hồi tưởng kỷ niệm ấm áp một thời.

Năm 1999, Hiệp hội hợp xướng thiếu nhi quốc tế vô tình xem được một tiết mục của đội Họa Mi (Cung Thiếu nhi Hà Nội) liền gửi thư mời dự Liên hoan Hợp xướng thiếu nhi quốc tế lần thứ 6 tại Trung Quốc. Minh Ngọc vét tiền túi của mình lẫn tiền kinh phí cho phép của Cung mới làm được hai cái đĩa chuyển sang cho họ sơ khảo. Lúc lên đường, vì không có tiền, đội Việt Nam chỉ vẻn vẹn 3 em, trong khi 35 đoàn quốc tế còn lại hoành tráng bề thế đến mấy chục người. Tâm lý của Minh Ngọc khi ấy là chỉ mong học hỏi chứ không kỳ vọng giành được thành tích nào. Nhưng sau 20 phút trình diễn của 3 thiếu niên đội Việt Nam, cả hội trường hàng ngàn người như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo không ngớt. Việt Nam trở thành 1 trong 3 đội được kết nạp chính thức vào Hiệp hội và giữ vị trí vững chắc cho đến tận hôm nay.

 Rút ruột gan cho những tài năng nhí

Bao nhiêu vinh quang của nghề đào tạo nhân tài âm nhạc cũng là chừng ấy những cay đắng mà Minh Ngọc phải nếm trải. Áp lực của một người đi đầu chưa bao giờ nhẹ nhàng với bất kỳ ai. Những biến cố đã xảy ra khiến bà chấp nhận “hèn”, xin về hưu sớm, từ bỏ bao nhiêu tâm huyết, công sức, mồ hôi, nước mắt của 30 năm. “Làm việc tốt cho đời không dễ đâu” – Minh Ngọc thấm thía. Nhưng với một nghệ sĩ mà niềm đam mê và sức cống hiến không chịu già như Minh Ngọc, lúc nào bà cũng tìm ra cái cớ để làm việc. Cặp vợ chồng nghệ sĩ ở tuổi xế chiều làm việc như một thói quen. Họa sĩ Thẩm Đức Tụ - người bạn đời của bà – cũng từng là một thầy giáo cộng tác tại Cung Thiếu nhi, dạy vẽ cho Thành Chương, Lê Thiết Cương. Dù làm “quan chức” ở Hội Mỹ thuật Hà Nội và Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội, ông vẫn say đắm với công việc giảng dạy như bà. Ông chính là người sáng tạo ra phương pháp dạy vẽ cho trẻ em được áp dụng tại các trường phổ thông hiện nay. Ông còn vào trường Nguyễn Đình Chiểu, mày mò nghĩ ra chất liệu và phương pháp dạy vẽ cho trẻ em mù, mang phương pháp đó sang tận Thụy Điển, rồi vận động các chương trình ủng hộ thiện nguyện cho học sinh khiếm thị Việt Nam. Minh Ngọc ngoài giờ giảng dạy cũng lặn lội với các chuyến thiện nguyện không mệt mỏi cùng chồng và con gái – cũng là một họa sĩ trẻ đam mê với đào tạo tài năng nhỏ tuổi như cha mẹ mình.

Xưởng nghệ thuật Pallet này cũng là một trong những cái cớ làm việc của Minh Ngọc. Nơi bà và chồng có thể rút ruột gan và tất cả những kinh nghiệm tinh túy nhất trong nửa thế kỷ làm nghề để truyền lại cho học trò, phát hiện và ươm mầm những tài năng nhí về âm nhạc và hội họa. “Nhưng không phải là bắt tài năng chín ép đâu nhé. Trẻ con phải là trẻ con. Dù trên sân khấu chuyên nghiệp, trẻ con mà thành văn công, thành thục quá, nhuần nhuyễn quá là hỏng hết”. Những người thầy trẻ khác đến đây cộng tác với Minh Ngọc phải đảm bảo yêu cầu của bà: Bớt vui chơi và bớt kiếm tiền. “Nếu yêu học trò như con mình thì họ sẽ làm được hai điều đó” – Minh Ngọc lý giải.

Để chăm chút cho Pallet, cả hai ông bà chuyển nhà từ Hàng Đào về Trương Định, dành tất cả thời gian cho nơi này, đúng như tiêu chí mà bà yêu cầu ở các giáo viên khác. Nhưng dường như, với cả bà hay họa sĩ Thẩm Đức Tụ, đó không phải sư hy sinh cũng chẳng phải sự nhọc nhằn. Đó là thói quen, là tình yêu, hay nói theo cách của bà là “vui chơi có thưởng”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn