Một ngày bình thường của Trần Lê Bảo Quyên tại Đức bao gồm những sinh hoạt cơ bản nhất và… tập đàn. Giai đoạn này, nếu không đi biểu diễn và nếu không dạy học, cô gần như không có những mối giao lưu trực tiếp nào. Cuộc sống có phần đơn điệu và buồn tẻ ấy, với Bảo Quyên, là một sự tự do tuyệt đối. Bởi cô được thảnh thơi hoàn toàn cho âm nhạc.
Bảo Quyên có một cô học trò nhỏ người Việt. Cô bé theo đuổi Toán học ở trường phổ thông nhưng đặc biệt yêu thích chơi dương cầm. Dù trời nắng hay mưa, hay đang sụt sịt vì cảm lạnh, em vẫn đến nhà Bảo Quyên học đàn, không nghỉ buổi nào. Cô học trò là niềm vui nhỏ bé âm ỉ và là những khoảnh khắc sôi nổi ít ỏi trong nhịp sống thường ngày của Bảo Quyên.
Nhiều năm ở Đức, Bảo Quyên cũng nhiễm lối sống của con người xứ này, ngày càng hướng vào trong. Cái thói ráo riết, đòi hỏi, dằn vặt bản thân trước đây giờ lắng lại thành tính tỉ mẩn, kỷ luật. Như cách cô có thể đứng tráng vài chục lượt những "mảnh lụa" trứng mỏng tang cho món bún thang mà vẫn chuyên chú, say sưa.
Bảo Quyên nói, âm nhạc "sửa" con người cô mười mấy năm qua. Việc chơi đàn, tập đàn giống như tu thiền. Bàn tay, cơ thể không ngừng chuyển động theo từng nốt nhạc, tiết tấu nhưng tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng. Từ một đứa trẻ không bao giờ chơi đủ lâu với một món đồ chơi, không thể ngồi yên tập trung làm việc gì, cảm xúc ít khi ở trạng thái cân bằng mà thường trực tình trạng quá độ, dễ dàng bùng nổ với một bén lửa xa, Bảo Quyên của những năm gần đây ngày càng "lắng". Nỗi buồn, niềm vui được chế ngự trong sự nắn nót, chỉn chu của những ngón đàn.
Một phần nào đó, Bảo Quyên chịu ảnh hưởng từ sự nhẫn nại hiếm thấy của người thầy Đức - nữ nghệ sĩ, Giáo sư Sabine Simon. Cô bảo chưa bao giờ thấy bà giáo của mình nổi cáu hay sốt ruột với học trò. Bà dạy những đứa trẻ 4-5 tuổi mới bắt đầu tập đàn bằng sự tỉ mỉ, tận tâm như khi dạy những nghệ sĩ trẻ đi thi quốc tế. Thế nên, khi dạy những học trò nhỏ, Bảo Quyên cũng tự ngạc nhiên với sự nhẫn nại của chính mình. "Âm nhạc có thể đưa tôi đến đâu? Tôi nghĩ là nó đưa tôi đến nơi xa nhất trên thế giới là tàng thức của chính tôi và sửa chữa, thay thế những hạt giống xấu để tái lập nên một cái tôi khác hoàn thiện hơn", Bảo Quyên tâm sự.
Mỗi năm một lần, kể từ 2019, Bảo Quyên và em trai - nghệ sĩ violon Trần Lê Quang Tiến - lại về Việt Nam thực hiện chuỗi hòa nhạc thường niên mang tên "Sưởi ấm" (Le Chauffage). "Sưởi ấm" mùa thứ tư nối tiếp hành trình nhân ái mà hai chị em cô đã lựa chọn gắn kết ngay từ mùa đầu tiên.
"Sưởi ấm" là một thông điệp, cũng là một cách kết nối hai nghệ sĩ trẻ với công chúng trong nước. Qua các kỳ tổ chức, Bảo Quyên - Quang Tiến kiên định với những gì mực thước, trang nhã, sang trọng nhưng vẫn gần gũi, ấm áp và giản dị của nhạc cổ điển. Không khoa trương, không ồn ã, không tô vẽ bắt mắt, bắt tai. Tất cả vì sự tôn trọng cao nhất với những khán giả đã dành tình yêu, niềm thích thú hoặc sự tò mò, hứng khởi với âm nhạc cổ điển.
Bảo Quyên thừa nhận, nhiều khi cô bị trách là cố chấp bởi cứ chọn chơi những bản nhạc khó chơi và khó nghe với số đông. Tuy nhiên, dù lắng nghe để điều chỉnh dần nhạc mục sao cho hài hòa, cô vẫn giữ cho mình những bản nhạc mà cô tin rằng khán giả xứng đáng được biết đến. Và một khi họ cảm được, họ sẽ mê đắm với nó.
Nhạc cổ điển vốn không gần gũi với phần đông người Việt. Bất kỳ nghệ sĩ nào khi theo đuổi nhạc cổ điển đều hiểu không gian nghệ thuật nhỏ bé của mình nếu làm nghề ở Việt Nam. Nhưng Bảo Quyên đã lựa chọn Việt Nam là nơi cô chơi đàn. Lựa chọn đó chưa bao giờ lung lay. Nữ nghệ sĩ không mang tham vọng to lớn. Cô chọn chuyên chú vào chuyên môn, ngay ngắn đi con đường mình đang đi, tỉ mẩn gieo tình yêu với nhạc cổ điển qua những học trò nhỏ hay những vị khán giả có duyên hội ngộ.
Chỉ cần như thế, âm nhạc với cô đã là một món quà quý giá.
* Hòa nhạc "Sưởi ấm" (Le Chauffage) 2024 sẽ diễn ra lúc 20h tối 13/1/2024 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Đây là chương trình hòa nhạc cổ điển thường niên được tổ chức từ năm 2019 của nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên và nghệ sĩ violon Trần Lê Quang Tiến. Như thông lệ, toàn bộ lợi nhuận của chương trình được dành cho mục đích nhân ái. Năm nay, chương trình đồng hành với hai quỹ từ thiện là Heartbeat Việt Nam và Khát Vọng hỗ trợ hơn 400 trẻ mồ côi theo đuổi con đường giáo dục lâu dài.
+ Nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên tốt nghiệp hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của GS. Đào Trọng Tuyên năm 2012. Năm 2017, cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành biểu diễn piano tại Viện Hàn lâm nghệ thuật Darmstadt, Cộng hòa Liên bang Đức, dưới sự hướng dẫn của GS.Sabine Simon. Năm 2020, cô lấy bằng master biểu diễn piano tại Đại học âm nhạc và nghệ thuật Frankfurt dưới sự hướng dẫn của GS. Florian Hoelscher. Hiện tại, cô đang theo học khóa sau đại học về biểu diễn với GS. Sabine Simon và GS. Henri Sigfridsson.
+ Nghệ sĩ violon Trần Lê Quang Tiến sinh năm 2002, học violon từ nhỏ dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Bùi Công Duy. Hiện anh học năm thứ 4 chuyên ngành violon tại Đại học âm nhạc và nghệ thuật Frankfurt dưới sự hướng dẫn của GS. Erik Schumann. Quang Tiến sớm đạt nhiều giải thưởng quốc tế như giải Nhất cuộc thi đàn dây quốc tế tại Thái Lan 2014, giải Nhất violin quốc tế tại Kazakhstan 2016, giải Đặc biệt cho nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho các nghệ sĩ trẻ năm 2017.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn