Chất hài trong từng tế bào
Quốc Thuận trong suy nghĩ của tôi, luôn là chàng trai vui tánh. Bởi vậy mà các sân khấu ở Sài Gòn đã được Thuận ‘cày nát’, bằng các tiểu phẩm hài. Người ta vừa coi, vừa cười ngặt nghẽo và khi vở kịch chấm dứt rồi thì quên béng ngay cốt truyện. Nhớ làm chi cho nặng óc, đơn thuần là giải trí thôi mà.
Nhìn Quốc Thuận là đã thấy hài từ trong từng tế bào. Khuôn mặt ngơ ngáo, đôi mắt xoe tròn kiểu trẻ nít, tưởng như không bao giờ biết đến nỗi buồn. Vậy mà, đúng kiểu ‘diễn viên hài cũng khóc’, càng chơi với Thuận, càng nghe chuyện của Thuận, thì càng lậm vào những khúc mắc rối ren trong cuộc sống đời thường. Tất nhiên, ngã trầy xước gối rồi, thì mới biết tuyệt giao với sai lầm.
Chuyện xảy ra khi Quốc Thuận đang là sinh viên năm 3 của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM, bắt đầu đi diễn tấu hài trong nhóm do 1 diễn viên đàn anh làm chủ xị. Nhờ duyên trời cho, nhóm tấu hài này đắt khách vô cùng. Tiền bạc rủng rỉnh, tên tuổi được biết tới, Quốc Thuận vui sướng đi trên chiếc thảm đỏ tuyệt đẹp. ‘Ấy nhưng tôi vẫn cứ dại dột ‘đứng núi này trông núi nọ’, tham lam nhận show bên ngoài. Bữa ấy, tôi đã nhận thêm show cho nhóm khác, mà oái oăm ở chỗ, cùng 1 địa điểm với nhóm của mình, chỉ khác diễn trước mà thôi’, Quốc Thuận kể. Khuôn mặt và lòng dạ héo queo héo quắt. Anh bảo, cả đời này sẽ không bao giờ quên được chiều thứ 5 định mệnh ấy, tại Nhà hát Bến Thành. Khi đang diễn, nhìn xuống khán giả, bỗng dưng Thuận thấy người đàn anh trưởng nhóm của mình đứng phía dưới chăm chú hướng lên sân khấu. Chân Quốc Thuận muốn khụyu xuống.
Những lời thoại cuối cùng vừa dứt, Thuận nhanh chóng chạy xuống dưới gặp người anh em, thiếu điều muốn sụp xuống để lạy. Bởi Thuận biết mình đã sai quấy quá rồi. Nhìn khuôn mặt lạnh te của người trưởng nhóm, Quốc Thuận vớt vát: ‘Ủa, bữa nay nhóm mình không diễn hả anh?’. ‘Ừ, thôi em cứ về đi’. Ra đến sân lấy xe thì Thuận thấy cậu bạn đồng nghiệp rà rà chạy tới. ‘Đi đâu đó?’. ‘À, anh X. kêu tới để diễn mà. Thôi vô nha, còn hóa trang nữa’. Trời đất ơi, đó chính là vai và suất diễn của Quốc Thuận. Trong nỗi ân hận tột cùng, trách mình nông nổi cạn nghĩ, Thuận chạy xe ngoài đường mà khóc như mưa như gió. Đồng nghiệp biết chuyện đã khuyên, chắc trưởng nhóm sẽ tha thứ thôi. 1 tuần sau, chờ mãi mà không thấy được kêu đi diễn như thường lệ, Quốc Thuận chạy xe qua các tụ điểm vẫn thấy tên nhóm của mình nhưng anh không có cơ hội để đặt chân vào nữa.
Thời gian như con tạo xoay vần, Quốc Thuận sau đó gặp diễn viên hài Thúy Nga và cả 2 tụ lại trong các vở diễn ‘ăn khách’. Với tiểu phẩm Bà già lên chùa khuấy động các sân khấu và Gala cười nhiều năm trời, tên tuổi Quốc Thuận đã chạm tới sự nổi tiếng. Cơ hội cũ mất đi, cơ hội khác mở ra, đời bao giờ cũng diễn tuồng ‘tái ông thất mã’. Vậy nhưng, Quốc Thuận luôn dằn vặt về chuyện đã qua và hiểu sâu sắc giá trị của lòng tha thứ. Đến giờ, khi đã có trong tay công ty riêng và tổ chức sản xuất phim mang dấu ấn cá nhân, anh luôn mở lòng để cho đàn em có cơ hội sửa sai. Cảm giác bị bỏ rơi trước đây đã khiến Quốc Thuận không thể lặp lại điều ấy đối với người khác, đặc biệt là đệ tử của mình.
Chỉ là sặc sỡ bề ngoài
Trên sân khấu, Thuận đa diện bao nhiêu thì ở ngoài đời, anh giản đơn bấy nhiêu. Anh không thích sự màu mè, se sua và nổi bật, dù đang làm trong nghề lấy danh tiếng để đem bán lấy tiền. ‘Nhìn quần áo sặc sỡ vầy thôi, nhưng bên trong thì chỉ có 1 màu duy nhất à’, Quốc Thuận trở lại câu chuyện với chất hài quen thuộc.
Mái tóc cắt ngắn tới mức không thể ngắn hơn, lộ ra chiếc trán bướng bỉnh, đó chính là tính cách của Quốc Thuận được duy trì từ ngày còn bé xíu. Thuận có tên khác nữa là Sủn. Sủn thuở nhỏ mê chơi thành thần, đặc biệt là các game xếp gạch. Bà má cứ nhìn thấy chơi ở đâu là mang cây chổi lông gà uýnh cho vài nhát vào mông. Cả tuổi thơ của Sủn gắn bó với cây chổi ấy. Gần nhà Sủn có tiệm máy tính. Lạ ở chỗ là vừa ngồi xuống chưa ấm ghế đã thấy má chạy tới xách tai lôi về. Mãi sau này dò hỏi, Sủn mới biết má đã mướn ‘gián điệp’ theo dõi. Hèn chi má nắm thông tin còn hơn điệp viên 007! Nhưng mặc kệ chổi lông gà và xách tai, Sủn đi học về là lén ra tiệm máy tính, cho tới khi lớn lên chút xíu nữa thì hiểu chuyện, không còn lê la chơi bời nữa.
Từ tính cách bướng bỉnh từ nhỏ mà sau này, trong mọi công việc lẫn tình yêu, Quốc Thuận cứ muốn là phải làm bằng được, chinh phục bằng được.
Đừng “over”
Thời điểm Quốc Thuận thi đậu vào trường ĐH Sân khấu Điện ảnh thì cũng là lúc sự tự ti ập tới. Nguyên cả lớp mấy chục người, nhìn quanh, ai cũng trai thanh gái lịch, chỉ riêng Quốc Thuận cảm thấy mất tự tin với nhan sắc. ‘Nếu theo được nghề, chắc tôi chỉ được chọn đóng vai quần chúng mà thôi’, Thuận kể. May thay thầy Minh Nhí đã ‘truyền lửa’ thành công đến cho anh chàng này. Trong lớp có 10 bài diễn thì Quốc Thuận cùng Quốc Khánh đã chiếm tới 7 bài. Mà bài nào cũng vậy, cứ bước ra là cả đám bên dưới cười rần rần, bởi cái mặt Thuận quá hề. Nhớ có lần Quốc Thuận diễn vai ông vua độc tài của Hy Lạp cổ đại, đang hùng hổ đập thanh trượng cái bốp xuống đất theo kịch bản, thì đầu trượng bằng mouse tự nhiên rớt xuống. Cả lớp rú lên trận cười nghiêng ngả. Bữa khác, trong vở thi tốt nghiệp, thầy Công Ninh chọn Thuận vào vai cha xứ của vở Romeo và Juliet. Vừa thò mặt ra, cả lớp nhao nhao: ‘Cha xứ gì mà sao giống bà xơ đi hái nấm quá vậy?’.
Vì diễn kịch quen rồi, tấu hài quen rồi, mà khi đi phim, Quốc Thuận mắc chứng ‘over’. 2 bộ phim đầu tiên mà Thuận tham gia là Ngõ vắng (đạo diễn Nguyễn Dương) và Tình yêu còn lại (đạo diễn Quang Đại). Khi Ngõ vắng quay được vài cảnh thì Nguyễn Dương ngoắc ngoắc Thuận ra nhắc: ‘Em diễn bị kịch quá Thuận ơi!’. ‘Là sao?’. ‘Là bị over quá chứ sao!’. Tối ấy, Quốc Thuận mở coi các bộ phim của TVB Hồng Kông và rút ra kết luận: Phim khác kịch ở chỗ phải giảm và tiết chế từng hành động, cử chỉ và lời thoại. Sân khấu là cảnh toàn trong khi màn ảnh thì khán giả quan sát cả toàn, trung và cận cảnh. Chỉ cần diễn ‘over’ một chút thôi là người coi đã thấy khó chịu rồi. Sân khấu được phép mô phỏng và cường điệu hóa cuộc sống, trong khi phim là đời. Mà đời thì ai cũng rành rồi đó, phải chân thực và gần gũi. Vậy là Thuận tới gặp lại đạo diễn: ‘Anh ơi, em còn non quá, anh giúp em, làm cái thắng dùm cho em nha!’. Từ đó đến nay, Quốc Thuận đã ‘bỏ túi’ tới hơn 30 bộ phim truyền hình. Sự ‘over’ dần được xóa bỏ.
Ba Quốc Thuận mất khá sớm, giờ Thuận chỉ còn má. Bà sống tại Núi Sập, An Giang, dù ít lên Sài Gòn nhưng vẫn dõi theo thành công của thằng bé Sủn ham chơi ngày nào. Quốc Thuận tâm sự: ‘Cách đây 8 năm, tôi còn thiếu trước hụt sau. Thế nhưng cứ chăm chỉ gom góp tiền đi show và kinh nghiệm nên hiện đã mở được công ty để làm đạo diễn phim và tổ chức sản xuất. Nếu các sự kiện trong đời tạm ví như những lát cắt thì tôi chọn những miếng tử tế để làm khoen đeo trên tay. Mỗi khi nhìn vô, thấy tâm hồn được thanh lọc rất nhiều’.
Ờ, vậy đi anh. Thiệt thà là cha mách qué mà!
Quốc Thuận, Hồng Vân diễn cặp khá ưng ý, đặc biệt là trong vai trò người dẫn chương trình "Vợ chồng son"