Chẳng bao lâu nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ chính thức diễn ra. Vào giai đoạn nước rút này, nhiều sĩ tử cảm thấy lo lắng, hoang mang. Hàng loạt những suy nghĩ như: không biết đề thi có khó, có đúng vào những kiến thức bản thân đã học từ trước không... bủa vây họ.
Đánh vào tâm lý này, một bộ phận những nhà sáng tạo nội dung (content creator) đã "thừa nước đục thả câu", đăng tải hàng loạt video TikTok với những content "độc hại" như: cách khoanh lụi trúng 100%, không cần học vẫn đạt điểm cao, những kiến thức chắc chắn sẽ ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023... nhằm câu like, câu view. Chưa bao giờ cơ hội trở thành những "thánh đoán đề", "thánh khoanh lụi", "thánh thi cử" lại dễ dàng như thế đối với những người tự xưng mình là nhà sáng tạo nội dung về chủ đề "giáo dục".
Trên TikTok hiện nay xuất hiện vô vàn clip hướng dẫn học sinh cách khoanh lụi
Thậm chí có người có người còn chắc chắn cách khoanh lụi đúng 100%, hay không cần học vẫn đạt điểm cao
Đáng buồn thay, những content như này lại nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bạn học sinh, có những video hướng dẫn khoanh lụi nhận về hàng trăm nghìn lượt yêu thích, hàng ngàn lượt bình luận. Thậm chí, dưới mỗi video hướng dẫn "khoanh lụi" đáp án, các sĩ tử còn để lại suy nghĩ: "Video hữu ích quá"; "Như thế này thì khỏi cần học"; "Làm thêm nhiều môn nữa đi"; "Nhả vía không học gì vẫn đạt điểm cao"...
Chuyện gì đã xảy ra?
"Như thế này thì khỏi cần học" - là bình luận của một sĩ tử dưới clip "dạy cách khoanh lụi bách phát bách trúng" trên nền tảng TikTok. Vậy thì chuyện gì đã xảy ra mà khiến những nội dung như vậy lại được một bộ phận học sinh "thần thánh hóa" và coi là "thần dược" trong kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời này?
Dưới tư cách là một vị phụ huynh, đồng thời cũng là người từng sát cánh cùng 2 con tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Kim Anh (Dược sĩ, ở Sơn La) chia sẻ nguyên nhân khiến những clip có nội dung "độc hại" như vậy trên nền tảng TikTok lại thịnh hành.
Đầu tiên là về các nhà sáng tạo nội dung, có nhiều động cơ để họ tạo dựng những clip như vậy, có thể là "câu like", "câu view", "câu tương tác". Cũng có thể họ thực sự muốn giúp đỡ các sĩ tử - những người đang phải trầy trật với kiến thức hay muốn tối ưu hóa điểm số ở những câu hỏi khó, có một công cụ để đạt điểm cao hơn. Nhưng cô Kim Anh nghĩ đa phần nguyên do sẽ ở vế đầu tiên - câu like, câu view.
Nhưng nhìn theo hướng khác, "có cung thì ắt có cầu", không ngẫu nhiên mà những content như vậy lại xuất hiện và nhận được sự hưởng ứng. Điều này không thể thoát khỏi việc nội dung này nhận được sự quan tâm của quá nhiều người, nên nhân đây một bộ phận người làm sáng tạo nội dung trên nền tạng TikTok mới "thừa nước đục thả câu".
Tiếp lời, cô Hải Yến (giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân tại Sơn La) bày tỏ: "Những content kiểu này trước hết là đánh trúng tâm lý của một số học sinh, nhất là những em không nắm chắc kiến thức, không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho kì thi, quyết tâm không cao và có tâm lý chủ quan, phó mặc cho sự may rủi của cách khoanh lụi".
Đó là quan điểm của giáo viên và phụ huynh, còn đối với Dương Hải Phong (trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên) - sĩ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhận định cái gì cũng có hai mặt của nó và việc các bạn học sinh xem những "bí quyết" giúp khoanh lụi để đạt điểm cao cũng vậy. Trường hợp cậu bạn này coi là "có lợi" khi ở những câu hỏi ở mức vận dụng cao quá khó, các bạn không thể làm làm được thì có thể tham khảo một phần để tối ưu hóa điểm số - dù không biết xác suất thành công là bao nhiêu phần trăm. Còn nếu như bạn là một tờ giấy trắng mà muốn khoanh lụi "bách phát bách trúng" thì dường như là không thể.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc những quan điểm độc hại như vậy trong một thời gian dài sẽ khiến các bạn học sinh hình thành tư duy ỷ lại với hy vọng "không làm mà vẫn có ăn". Thay vì ôn luyện kỹ và cố gắng tìm ra câu trả lời, họ lại chọn giải pháp "mì ăn liền" ngay từ đầu.
Hậu quả khôn lường
Kết quả nhận lại từ việc tiếp nhận những phương pháp "thần thánh" đó là gì? Với những người may mắn khoanh trúng đáp án trong đề thi dựa theo hướng dẫn được đưa ra trên mạng, họ sẽ cảm thấy vui mừng. Nhưng xác suất bao nhiêu phần trăm? - Chắc chẳng nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay vì mọi thứ là may mắn tức thời mà thôi.
Phần đông chắc chắn sẽ là những người áp dụng nhưng kết quả thu được không được như lời hứa hẹn. Đến lúc đó rồi, sẽ chẳng có ai quay trở lại mà "dằn mặt" những nhà sáng tạo nội dung rằng, vì bạn truyền đạt phương pháp sai trái như vậy mà tôi đã tin tưởng và nghe theo. Ngay kể cả trường hợp đó xảy ra đi chăng nữa, chúng ta sẽ chẳng biết người lan truyền những phương pháp khoanh bừa độc hại đó ở đâu mà "bắt đền". Cuối cùng, hậu quả của việc vì không học nên trượt tốt nghiệp, trượt trường đại học yêu thích, lại chỉ có chính chúng ta tự gánh chịu lấy.
Là một "nạn nhân" của những dạng content "câu like", "câu view" kiểu này, Vân Anh (Hà Nội) - học sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021 - chia sẻ: "Mình là một người có học lực khá, nhưng đến giai đoạn gần cuối, mình đã quyết định đổi khối từ D01 (Toán, Văn, Anh) sang A01 (Toán, Lý, Anh) vì cân nhắc giữa Văn và Lý, có vẻ Lý của mình trội hơn. Vì lúc đó khá gấp rồi, mình gần như không có nhiều thời gian để ôn luyện Vật lý nữa, nên lúc đó mình cũng lên mạng xem mấy tip khoanh lụi, trong đó có một câu của thầy giáo khá nổi tiếng rằng: 'Không biết làm thì cứ khoanh full C'.
Lúc thi thật, 10 câu cuối môn Lý mình không thể làm nổi nữa, do đó đã nghe theo lời thầy giáo đó là khoanh full A. Kết quả là trúng rất ít, hình như 1-2 câu gì đấy thôi. Kết quả là mình đã trượt nguyện vọng 1 vào trường kinh tế top đầu".
Thầy Nguyễn Văn Diệp - Hiệu trưởng trường THPT Chúc Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - bày tỏ: "Việc các học sinh áp dụng những video với nội dung như vậy sẽ gây ra nhiều hệ quả khôn lường như: làm nảy sinh tâm lí đối phó, may rủi trong học sinh, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ngoài ra, theo chia sẻ của một số đồng nghiệp, năm ngoái, trường có ghi nhận trường hợp 2 học sinh vì xem và nghe theo những cách khoanh lụi trên TikTok, Facebook mà các em đã bị trượt tốt nghiệp do không qua khỏi điểm liệt".
Tương tự, Hải Phong chia sẻ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tại trường cấp 3 mà cậu theo học, vì có nghe theo cách khoanh lụi trên mạng nên một thí sinh đã bị điểm liệt môn Sinh học, mặc dù điểm các môn khác tương đối cao.
Không có "thần dược" nào ngoài việc học
Đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm ngoái, Đặng Quang Huy (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) đưa lời khuyên cho các sĩ tử: "Mình nghĩ giai đoạn này tâm lý của các sĩ tử khá căng thẳng, vậy rất dễ bị kích động hay ảnh hưởng bởi những thông tin không chính thống trên mạng xã hội. Mình muốn nói với các bạn rằng chỉ có học thì mới có thể đạt điểm cao mà thôi. Giai đoạn cuối này, các bạn không nên học quá nhồi nhét, thay vào đó thêm cả thời gian nghỉ ngơi trong thời gian biểu của mình nữa nhé".
Tương tự, Đỗ Ánh Tuyết (sinh viên Học viện Tài chính) chia sẻ: "Mình nghĩ rằng thay vì tin theo những lời chào mời kiểu: cách khoanh lụi đạt điểm cao, hay những kiến thức chắc chắn sẽ ra trong đề thi như vậy, các bạn học sinh nên tập trung ôn luyện thật tốt. Đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới khó, chứ để qua điểm liệt thì đơn giản mà, các bạn chỉ cần để ý một chút là có thể làm được những câu hỏi ở mức độ nhận biết".
Về phần mình, cô Hải Yến bày tỏ những content này sẽ làm học sinh chủ quan. Vậy nên, học sinh không nên làm theo, không thể đặt cược công sức 12 năm học của mình cho một phương pháp chỉ dựa trên sự may mắn như vậy. Điều học sinh cần làm là chuẩn bị kĩ lưỡng, nắm chắc kiến thức cơ bản để vượt qua kì thi.
Hiển nhiên một điều là sẽ chẳng có cách nào gọi là "thần dược" để không học vẫn đạt điểm cao cả, để chỉ cần áp dụng phương pháp khoanh lụi là 8-9 điểm như thường. "Trái ngọt" của kỳ thi sắp tới chỉ có thể đạt được khi chúng ta dành sự cố gắng, quyết tâm để học tập và trau dồi kiến thức. Học tập là cả một quá trình dài, vậy nên vào giai đoạn nước rút này, thay vì kiếm tìm những "bí quyết" phi thực tế, các bạn hãy tập trung ôn luyện thật tốt nhé!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn