Nghẹn lòng ‘Giấc mơ gia đình’ của những đứa trẻ thiếu tình thương

09:56 | 08/10/2019;
20 đứa trẻ là nhân vật chính trong triển lãm ‘Giấc mơ gia đình’ đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là thiếu vắng tình yêu thương của mẹ, cha…

Chiều 7/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai mạc triển lãm Giấc mơ gia đình. Triển lãm được thực hiện nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” của Hội LHPN Việt Nam. Tới dự chương trình có Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương.

Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa và Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương dự khai mạc triển lãm 
 

Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và đôi khi những tổn thương ấy lại đến chính từ nơi gọi là “gia đình” do hệ quả đáng tiếc của nhiều vấn đề xã hội như bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, thiếu thốn kinh tế, bạo lực, ly hôn… 20 đứa trẻ - những nhân vật chính trong triển lãm Giấc mơ gia đình là những người đã phải chịu những tổn thương ấy. Dù ở các độ tuổi khác nhau, đến từ rất nhiều nơi như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa... nhưng các em đều có một điểm chung đó là cuộc sống thiếu vắng tình yêu thương của mẹ, cha. Có em tuổi thơ sống cùng với ông bà, cô chú; có em lại ở trong những trung tâm bảo trợ, trong sự bao bọc của những nhà hảo tâm…

Với 3 chủ đề: Cuộc sống không bình yên, Khi con tìm thấy nụ cười, Những ước mơ nhỏ bé, triển lãm là tiếng lòng của những đứa trẻ sớm phải chịu thiệt thòi thông qua những hình ảnh và tư liệu được sắp xếp khéo léo. Bà Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Bảo tàng cho biết, Triển lãm được thực hiện theo phương pháp tiếp cận nhân học. Các cán bộ, nhân viên bảo tàng đã dành rất nhiều thời gian để tiếp xúc, khơi gợi tình cảm, lòng tin ở nhân vật để các em có thể nói lên những câu chuyện mà ít khi chia sẻ cùng ai.

Hình ảnh em Giàng A Thọ tại triển lãm 
 

Em Giàng A Thọ, sinh năm 1999 ở Sơn La, kể: “Bố mất từ khi con chưa sinh ra, mẹ bỏ 6 anh em chúng con đi lấy chồng. Vì vậy con không biết mặt bố và cũng không có nhiều ký ức về mẹ. Con chỉ nhớ cũng có lần mẹ đến thăm và mẹ khóc, mẹ nói thương chúng con”. Em Lương Văn Thuận, sinh năm 2000 ở Sơn La: “Năm con đang học lớp 1 thì bố mất vì bị HIV. Một năm sau mẹ cũng mất vì lây bệnh từ bố. Em gái con cũng mất vì căn bệnh đó khi lên 9 tuổi. Nhà giờ còn một mình con”.

Em Thào A Lềnh, sinh năm 2000 ở Yên Bái: “Lên 2 tuổi bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, con ở với ông bà nội. Đến tuổi con không được đi học, hàng ngày phải đi chăn trâu, lấy củi. Có lần con ốm nặng, ông bà cho đi khám, bác sĩ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc đó con thèm có mẹ ở bên”. Em Hà Tố Uyên, sinh năm 2004 ở Lào Cai: “Con lên lớp 5 thì mẹ bệnh mất. Bố thường xuyên đánh đập con và em. Ông bà ngoại thương 2 chị em mang về nuôi, nhưng không nuôi nổi 2 đứa nên đưa con vào Trung tâm bảo trợ Lào Cai”. Em Trần Hữu Hùng, sinh năm 2007 ở Hưng Yên: “Bố con bị bệnh tâm thần ở trong viện quanh năm, giờ vẫn ở. Hồi con 2 tuổi, bố ở viện về thăm nhà, bị lên cơn tâm thần nên giết chết mẹ. Sau đó con ở với bác gái”…

Các em học sinh trường Hoa Sữa tham quan triển lãm
 

Cuộc sống không bình yên ấy đã khiến các em ấp ủ trong mình những giấc mơ nhiều khi vô cùng nhỏ bé và đầy xót xa. Em Phan Trần Kim Hồng, sinh năm 2004 ở Nha Trang, chia sẻ: “Có lần con đi ra biển, nhìn thấy những gia đình đi du lịch, các bạn tầm tuổi con được bố mẹ ôm vào lòng. Các bạn ấy có đầy đủ bố mẹ, con thì không. Khi đi học, giờ ra chơi, con ngồi một mình trong lớp vì không ai muốn chơi với con. Những lúc ấy con đành lấy sách vở ra ngồi chép chép cho quên đi”. Em Giàng A Súa, sinh năm 2000 ở Yên Bái: “Mong ước của con là sau này ra trường có công việc ổn định nuôi sống bản thân và hai đứa em ở quê nhà”. Em Trần Hữu Hùng, cậu bé bất hạnh mất mẹ dưới bàn tay vô thức của người cha tâm thần mơ rằng: “Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ. Con chưa bao giờ được ôm mẹ cả”.

Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam trao tặng học bổng "Thắp sáng những ước mơ" cho em Ma Khánh Lực, 14 tuổi ở Định Hóa, Thái Nguyên để em tiếp tục được đến trường. Lực bị bệnh tim bẩm sinh, mẹ bỏ đi khi em còn nhỏ, bố đi làm ăn xa, hiện em ở cùng ông bà nội tuổi đã cao, sức yếu

Cùng với việc kể cho công chúng về hoàn cảnh và ước mơ của những mảnh đời thiệt thòi, triển lãm Giấc mơ gia đình cũng cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc đồng hành, giúp đỡ, mang lại một tương lai tươi sáng và một cuộc sống an toàn cho trẻ. Đó là Gia đình trẻ em mồ côi “Xa mẹ” của ông Tiến, bà Oanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã nuôi dạy hơn 600 đứa trẻ mồ côi trong suốt 30 năm qua; là trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa với nhiệm vụ giúp thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật có cơ hội học nghề, tạo dựng cuộc sống độc lập, bình đẳng và được coi trọng trong xã hội; là Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam với chương trình Thắp sáng ước mơ, hỗ trợ và tặng nhiều suất học bổng tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục được đi học.

Đặc biệt, đó là vai trò của Hội LHPN Việt Nam với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Năm 2019 này được Hội LHPN Việt Nam chọn là Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em nhằm thúc đẩy các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng bằng những việc làm phù hợp, đồng thời huy động các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện và phát huy hết tiềm năng của mình.

“Hãy bảo vệ trẻ em, trao cho các em một cuộc sống có tình yêu thương và một tương lai bền vững – Đó là thông điệp và triển lãm Giấc mơ gia đình muốn hướng tới, và đó cũng là điều mà Hội LHPN Việt Nam đã và đang thực hiện”, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn