Mấy quyển sách self-help (sách tự lực, được quảng cáo đọc vào sẽ khôn lên) hầu như đều bảo "tiền bạc không phải thứ quý giá nhất, mà phải là abc xyz hoặc (a b)2 = a2 2ab b2 = (a - b)2 4ab".
Xin lỗi ạ, bảo tiền không quan trọng chắc chắn chỉ là nói dối! Bên cạnh vai trò là vật ngang giá để trao đổi hàng hóa, dịch vụ - tiền còn liên quan mật thiết đến tâm sinh lý con người nữa đấy.
Theo tờ Independent uy tín thế giới, một nghiên cứu khoa học của Đại học Miami (Mỹ) đã thu thập thông tin từ 3400 người, độ tuổi 18 - 30 trong 20 năm. Trong khoảng thời gian này, những ai tham gia nghiên cứu sẽ báo cáo chi tiết về thu nhập và thường xuyên thực hiện các bài kiểm tra nhận thức.
Kết quả cho thấy:
Những ai liên tục gặp khó khăn về tài chính sẽ có điểm số kiểm tra nhận thức kém người không thiếu thốn tiền bạc. Cụ thể thì, bài kiểm tra nhận thức bao gồm khả năng ghi nhớ, tốc độ phản ứng, tốc độ não bộ xử lý thông tin.
Giáo sư Adina Zeki Al Hazzouri, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Miami cho hay: Tình trạng này đúng với cả nhóm người trí thức, có trình độ, lương lậu cao nhưng vì lý do gì đó mà vẫn túng thiếu - khiến họ căng thẳng.
"Ngoài ra, đánh giá tổng thể cho thấy tình trạng khó khăn về kinh tế khi còn thanh niên, là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức khi vào tuổi trung niên".
Tóm lại, các nhà khoa học khuyến cáo rằng: Túng thiếu tiền nong gây ra "lão hóa nhận thức", còn trẻ mà đầu óc bị già. Bên cạnh đó, lão hóa nhận thức có thể xảy đến nếu chúng ta có lối sống kém lành mạnh, ở bẩn, nghiện thuốc lá, rượu bia...
Có lẽ đây cũng có thể là lý do khiến nhiều con nợ bị lú lẫn, sắp Tết đến nơi mà quên mất việc phải trả tiền người ta hay sao ấy.
Tham khảo Independent
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn