Khóa học hè 100% tiếng Anh: Chỉ có giáo viên nói tiếng Anh!
Những năm trước, con gái chị Hoàng Thanh Nga, 14 tuổi (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) từng tham gia khóa học hè nên năm nay, từ lúc chưa nghỉ hè, con đã liên tục đề nghị với mẹ cho con đi trại hè tiếng Anh. Cũng muốn chiều con, chị Nga tìm hiểu một số trại hè, nhưng những trại hè mà chị thấy ưng ý thì giá ít nhất cũng là 9 triệu đồng.
“Số tiền để con tham gia trại hè trong 1 tháng hơn cả tháng lương của tôi. Tốn kém quá, tôi không thể trả nổi. Cũng có khóa chi phí thấp hơn, nhưng còn nhớ năm 2017, tôi đăng ký cho con tham gia khóa học hè 100% tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Khi tôi đến đột xuất thì thấy thầy giáo nói 100% bằng tiếng Anh thật, còn học sinh ở dưới thì “chửi” nhau bằng tiếng Việt, tôi thấy choáng quá!”, chị Nga chia sẻ.
Con gái chị Nga cũng phụng phịu dỗi mẹ mất mấy ngày vì biết phải ở nhà… trông em (8 tuổi). Chị giao việc hàng ngày cho các con, nếu các con hoàn thành thì có thể thoải mái xem tivi, học đánh máy tính, đọc truyện, đi bơi… Biết con thích phim và nhạc Mỹ, chị Nga đành bỏ tiền mua tài khoản nhạc và phim để con vào mạng xem, thay vì tự mày mò xem linh tinh.
Ngoài ra, chị hỏi con xem thích/cần học môn gì và dùng số tiền lẽ ra đi trại hè để đăng ký cho con tham gia một khóa học lịch sử, một khóa sinh học và một khóa khoa học. Mỗi khóa chỉ kéo dài vài ngày và trải đều trong 5 tuần, mỗi tuần 1 buổi. “Được học những thứ mình thích nên con hào hứng lắm!”.
Khuyến khích con kiếm tiền, làm từ thiện
Cũng không có điều kiện cho con tham gia trại hè, chị Bùi Lan Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) lại khuyến khích con kiếm tiền trong mùa hè để có thể tự mua những gì mình thích và làm từ thiện.
Bà ngoại từ Hà Tĩnh gửi lạc, vừng tự trồng từ Hà Tĩnh ra cho con gái. Thấy số lượng quá nhiều nên chị Phương quyết định chia sẻ đồ ăn sạch với mọi người. Chị cho hai con (11 tuổi và 9 tuổi) tự ghi đơn hàng, tự cân, đóng gói, sau đó chị chở con đi giao hàng. Con tự thu tiền của khách và ghi sổ. Những địa điểm gần nhà, chị cho tự đạp xe đi giao.
“Tôi thấy các con tự tin hơn hẳn. Bằng cách này, các con được rèn thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. Thông qua lao động, các con hiểu hơn về giá trị của đồng tiền. Tôi nghĩ không cần đến trại hè, các con của tôi vẫn học được rất nhiều điều từ cuộc sống, những điều không sách vở nào có thể dạy con”, chị Phương bày tỏ.
Không muốn biến mùa hè của con thành học kỳ 3 căng thẳng, chị Trần Hoài Anh (Minh Khai, Hà Nội) khẳng định, không lấy ý chí chủ quan của bố mẹ để ép con phải tham gia những lớp học mà con không thích. Nhưng cũng không sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Đó là lý do khiến anh chị từ chối, không đăng ký cho con tham gia trại hè quốc tế tại Singapore, với chi phí vô cùng đắt đỏ.
Bác hàng xóm nhà chị nhận xâu vòng cổ vòng tay cho một shop đồ lưu niệm nên chị đã “nhờ” bác cho con sang xâu cùng (những lúc con thích). Con sẽ được giữ lại toàn bộ số tiền con kiếm được sau mỗi ngày làm việc. Cuối tuần, chị thường cho con cùng tham gia nhóm bữa ăn từ thiện mà chị tham gia, con có thể nhặt rau hoặc giúp người lớn những việc phù hợp.
Khi phát đồ ăn cho các bệnh nhân nhỏ tuổi, con thường trò chuyện với bọn trẻ và khi về đã đưa hết số tiền con có cho mẹ với lời đề nghị: “Mẹ góp vào để mua đồ ăn ngon cho các bạn!”. Tôi xúc động muốn trào nước mắt khi thấy con gái 10 tuổi của tôi đã biết nghĩ đến những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, các phụ huynh không thể trông chờ vào một khóa học hè để biến đứa trẻ thành một người như mình mong muốn. Để trẻ có những thay đổi tích cực cần có một quá trình rèn luyện, trong đó vai trò của cha mẹ, gia đình vô cùng quan trọng.