“Con tôi vẫn khủng hoảng!”
Chị N.TT – người mẹ dũng cảm đưa vụ việc về GV xử phạt con mình lên mạng xã hội mà chị cho là thiếu tình thương, trách nhiệm, mới đây đã có những trải lòng với Báo PNVN sau tất cả mọi chuyện. Nữ phụ huynh không ngại che giấu việc mình nhận được nhiều ý kiến ác ý, chỉ trích chị theo lối chiều con và làm to chuyện.
“Tôi không bênh con, không dung túng cho con nhưng có vẻ nhiều người vẫn chưa nhìn nhận rõ bản chất của vấn đề. Tôi có lý do quá rõ ràng để đưa chuyện của mình lên mạng xã hội!”– chị T. nói.
Theo chị, điều khiến một phụ huynh có con học lớp 2 như chị bức xúc nhất là GV đã không trao đổi kịp thời với chị khi con phạm lỗi, âm thầm dồn tội cho con. Hơn nữa, cô giáo còn dùng từ “hư” để đánh giá một HS có học lực tốt, chưa từng đánh nhau, chưa từng đi học muộn, chưa từng mặc sai quy định đồng phục, chưa từng vô lễ với thầy cô giáo, chưa từng ăn trộm ăn cắp đồ của bạn... “Chỉ vì một lỗi “nói chuyện” trong lớp mà bị mang tiếng “hư”, bị phạt đứng cả tiết viết bài, bị bêu rếu trước toàn lớp. Cô còn phạt con tôi đứng suốt cả tiết học để làm bài, làm như vậy hỏng chữ của con. Cách phạt “dọa”đuổi học thì cũng là quá nặng nề vì trẻ con sẽ nghĩ đó là thật!”- chị N.T.T phân tích.
Tất cả những sự trừng phạt này của GV đã khiến con chị T. suốt mấy hôm từ sau vụ việc, đi học vẫn bị bạn bè trên lớp trêu và khóc cả buổi ở lớp vì khủng hoảng.
“Vấn đề ở đây là cách xử phạt với một đứa trẻ 7 tuổi, là cả tuổi thơ của con, những năm đầu đời đến trường mà đã bị ám ảnh như vậy thì sau này lớn có phát triển được không? Tôi cũng là GV, đã học qua môn tâm lý sư phạm lứa tuổi, thì khi đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cũng phải hiểu tâm lý từng lứa tuổi và có phương pháp giáo dục phù hợp! Ở đây, chính con tôi đã bị tổn thương từ cách hành xử của cô giáo”- chị trải lòng.
Giáo viên quá quan liêu
Theo dõi câu chuyện của chị N.T.T thông qua báo chí, cô Nguyễn Thị Hiền (GV tiểu học ở TP.Vinh, Nghệ An) cho biết, bản thân cô cảm thấy buồn khi ngày càng có nhiều câu chuyện đầy bất nhẫn giữa GV - HS, hay GV - phụ huynh. Dẫu biết không tránh khỏi va chạm, nhưng nếu GV là người biết điều khiển tốt mọi nguồn cơn của hành vi trẻ, có lẽ đã không gây ra bất đồng đáng tiếc này.
“Trong chuyện của chị T, tôi không bênh chị, nhưng rõ ràng xét một cách khách quan, chỉ vì những lỗi của em HS này mà khiến GV phạt em như vậy là quá cứng nhắc, thiếu trách nhiệm và sự mềm mỏng tối thiểu cần có trong nghiệp vụ sư phạm”, cô Hiền cho biết.
Theo cô Hiền, nhiều năm là GV tiểu học, bất cứ hành vi được xem là hư hỏng của HS đều được cô chủ động liên hệ với gia đình, nếu sau nhiều lần nhắc nhở nhưng HS không sửa chữa, như nói chuyện riêng, làm việc riêng, không nghe lời, trêu bạn gây ảnh hưởng trật tự lớp…
“Trừ khi con có biểu hiện chống đối, cố tình không nghe lời cô thì lúc đó tôi sẽ chủ động trao đổi với phụ huynh. Đây là việc hoàn toàn bình thường, tùy mức độ phạm lỗi của con mà có cách tương tác phù hợp như lỗi nhẹ thì gọi điện trao đổi, lỗi nặng thì phải gặp trực tiếp để cùng tìm cách giải quyết… Chứ nếu thông qua HS để buộc phụ huynh phải gọi lại cho mình thì quá quan liêu, làm như vậy là vì cái tôi của GV hơn là vì chính đứa trẻ đó!” - nữ GV phân tích.
Gần 20 năm trong nghề “gõ đầu trẻ”, cô Hiền cho biết, với những HS lớp 1, lớp 2, các em đang thay đổi lớn về môi trường học nên bản thân cô luôn cố gắng đặt mình ở vị trí của các em để hiểu, cảm thông và tìm cách xử lý phù hợp.
“Lỗi nói chuyện là lỗi tôi gặp quá thường xuyên, đôi khi tôi phạt các em bằng cách đứng ở góc lớp khoanh tay, nhưng đôi khi tôi cũng giật mình rằng, phải chăng giờ dạy của mình kém hấp dẫn khiến các em không muốn nghe? Thay đổi cách dạy để thu hút HS cũng là cách tôi đã giảm được tình trạng HS nói chuyện riêng trong lớp” - chị nói.
Đồng tình với nữ GV này, theo thầy Bùi Hoàng – Nguyên Hiệu trưởng THPT Dân lập Hà Đông (Hà Nội), phạt HS không nên quá cứng nhắc mà cần nhìn tổng quát và thật khách quan.
Giáo dục trong nhà trường phải có hiệu quả lâu dài
“Mục tiêu của giáo dục là thay đổi nhận thức, thói quen của HS, nhưng không được để các em quá sợ. Các em vẫn làm theo, nhưng không thấy thuyết phục thì không ổn. Giáo dục trong trường nhưng phải có hiệu quả lâu dài về sau, đấy mới là gốc rễ của giáo dục. Nếu HS thấy nghẹt thở quá thì rõ ràng hiệu quả giáo dục trong trường học là thất bại, thiếu sâu sắc. Nhận thức của HS sẽ phụ thuộc vào ứng xử của chính GV và nhà trường”- thầy Bùi Hoàng nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định rằng, GV nếu nghĩ đến việc đuổi HS là thất bại của chính họ và chính nhà trường. “Liều thuốc” cho HS nghỉ học cần được tính toán thật kỹ chứ không phải ngẫu hứng, đặc biệt mới lỗi nhẹ mà đã vội cho HS nghỉ học thì thật nguy hiểm.
“Nếu thật sự vì quyền lợi của HS, GV cần thiết phải có sự đối thoại với phụ huynh, thậm chí điều này rất quan trọng. Đối thoại với phụ huynh thì mới hiểu được sâu xa của vấn đề, từ đó ra quyết định có lý, có tình, sao cho quyết định của mình được đồng tình tối đa. Nhiều năm giảng dạy, quản lý, nguyên tắc của tôi là luôn sẵn sàng đối thoại riêng với cha mẹ HS nếu thấy cần thiết và dựa trên nhu cầu chính đáng của cả hai phía” - ông nhấn mạnh.