Trong khoảng thời gian nhiều người lao đao vì bão sa thải, thì vẫn có những người cặm cụi xây dựng kế hoạch tự do tài chính và nghỉ hưu sớm của họ. Chỉ bởi vì họ quan niệm: “Bão giá, bão sa thải chỉ trong khoảng thời gian nhất định. Còn tự do tài chính và nghỉ hưu sớm là mục tiêu phấn đấu cả đời!”
“Mình khởi đầu với mức lương rất bèo, chỉ đủ ăn. Tháng nào làm nhiều thì dư ra được 1 ít. Dù vậy, mình vẫn chăm chỉ lập ra kế hoạch tài chính của riêng mình: 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm,... tính cả đến khi về hưu, chẳng làm gì nữa. Không chỉ chuẩn bị tiền bạc, mình còn bổ sung thêm các mục tiêu khác trong cuộc đời như gia đình, sức khỏe, các mối quan hệ, phát triển bản thân,...” - Chia sẻ đến từ Phạm Châu (27 tuổi, TP.HCM), khởi điểm mức lương mới đi làm chỉ vỏn vẹn vài triệu bạc. Nhưng không lúc nào Châu ngưng nghĩ về tự chủ tài chính, và cả kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình. Ngay cả trong thời gian bão giá, rồi làn sóng sa thải ập đến, công việc và thu nhập của cô cũng bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, Châu cho biết: "Càng trong những hoàn cảnh như thế, mình càng thấy tầm quan trọng của 1 kế hoạch tài chính lâu dài. Cuộc sống khi không cần chạy theo tiền bạc nữa, thì cũng chẳng lo ngày mai có bão gì!"
Với Châu, từ khoản thu nhập chỉ vài triệu/tháng, kế hoạch nghỉ hưu sớm của cô cũng đã đi được nửa chặng đường. Châu nói: "Không có gì là không thể. Chỉ cần đặt mục tiêu phù hợp và phấn đấu hết mình vì nó." Nguyên tắc của cô nàng, là không ngừng lấp đầy những mục tiêu tài chính trong cuộc đời: Từ mức lương vài triệu đến vài chục triệu, xây dựng quỹ khẩn cấp, quỹ hưu trí, quỹ sức khỏe,... rồi đến mua nhà mua xe, đầu tư. Thực hiện từng bước 1 cho đến khi hoàn thành được bức tranh tổng thể.
Cùng chung lập trường về tài chính cá nhân, Quỳnh Như hiện đang làm nhân viên thiết kế nội thất chia sẻ: "Mình năm nay 25 tuổi, thuê nhà sống 1 mình, đi làm tại trung tâm TPHCM, cuộc sống từ lúc mới ra trường đến giờ trộm vía đều rất suôn sẻ. Không chỉ được làm việc trong môi trường thuận lợi để phát triển bản thân, mình còn nhận được mức lương ổn so với bạn bè đồng trang lứa. Tiền tiết kiệm hàng tháng sẽ được gom lại thành 1 khoản, cuối năm sẽ quyết định làm gì đó có ích. Tháng nào phải chi tiêu nhiều, mình cũng cố gắng tiết kiệm ít nhất 15% thu nhập. Với dân văn phòng làm công ăn lương như mình, chẳng biết lúc nào sẽ bị thất nghiệp. Vậy nên tiền tích lũy là khoản cực kỳ quan trọng. Sau đó là xây dựng các nguồn thu phụ để phòng trừ rủi ro."
Quỹ tài chính của Quỳnh Như cũng đi lên từ những điều nhỏ nhoi: Tiết kiệm trong cuộc sống nhưng cũng biết cách hưởng thụ tuổi trẻ. Thay vì ăn những bữa cơm 30-60k vừa tốn kém vừa không đảm bảo dinh dưỡng, cô nàng chọn cách nấu ăn ở nhà và tập tành làm những món mới lạ. Vừa nuông chiều bản thân đúng cách, lại kiểm soát được ngân sách chi tiêu. Quỳnh Như cũng áp dụng chính sách tiết kiệm tối đa trong mua sắm: Không mua quần áo mới, giày mới khi chưa cần thiết; Chọn lọc sản phẩm giá phải chăng mà dùng được lâu; Lễ, tết thì mua bánh trái cúng gia tiên chứ không bày vẽ nhiều; Ăn chơi tụ tập cũng hạn chế để không tiêu tiền hoang phí.
Cô còn cho biết thêm, trong quá trình yêu đương người khác thường tốn kém chuyện quà cáp, "Mình lựa chọn những món đồ tự làm, vừa ý nghĩa lại tiết kiệm". Với Như, những chi tiết nhỏ quyết định đến phần lớn cách quản lý tài chính cá nhân. Không quan trọng bạn làm ra bao nhiêu tiền, mà hơn hết là "biết đủ" và có kế hoạch rõ ràng.
Cả Châu và Quỳnh đều có những nét tương đồng trong cách quản lý tài chính. Ví dụ như: Tiết kiệm không thể thiếu - Chi tiêu không vượt ngân sách - Thu nhập phải không ngừng tăng. Để có thể nghỉ hưu sớm, ngay từ lúc còn trẻ, bạn phải bắt đầu học về tài chính.
Đa số chúng ta đều khởi đầu với một mức lương bèo. Hãy cứ nghĩ ai cũng vậy thôi, để có 1 vạch xuất phát cho chính mình. Dù làm được bao nhiêu tiền, hãy luôn nghĩ đến việc tiết kiệm. Và lập nên 1 lộ trình tăng lương nếu quyết định làm thuê lâu dài. Để từ đó, đánh dấu cuộc đời bạn theo từng giai đoạn, nỗ lực không ngừng, làm việc với cái tâm, để đạt được từng cột mốc. Từ thực tập sinh, đến nhân viên chính thức, rồi đến những người cắm rễ sâu trong nghề. Để từ đó số tiền kiếm được từ kinh nghiệm ngày càng tăng lên.
Hãy bỏ công sức tìm hiểu quá trình thăng tiến của 1 nhân viên: Mất bao nhiêu năm, cần những kỹ năng, kinh nghiệm gì? Thiếu thì bắt đầu học, có rồi thì bổ sung. Trong quá trình làm việc, đừng nhìn ngó vào số lương mà hãy nhìn vào giá trị bạn có thể đem lại. Chỉ khi tăng được giá trị, bạn mới nhận lại được mức lương mong muốn. Đây cũng là kỹ năng giúp bạn đứng vững trong cơn bão sa thải.
Chỉ khi xác định được mục tiêu kiếm tiền, tiết kiệm tiền để làm gì? Bạn mới phấn đấu để đạt được điều đó. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất: Tiết kiệm trong chi tiêu, học cách tích lũy và tìm hiểu về tài chính cá nhân.
Theo Phạm Châu và Quỳnh Như chia sẻ, trong quá trình quản lý tiền bạc của mình, có 4 loại quỹ quan trọng cần được xây dựng: Dự phòng khẩn cấp - Bảo hiểm sức khỏe - Phát triển bản thân - Đầu tư. Để nghỉ hưu sớm, đây là 4 loại quỹ cố định bạn phải đưa vào kế hoạch tài chính của mình.
Không phải ai cũng đi làm thuê cả đời, cũng không phải ai sinh ra cũng có số làm chủ. Chính vì vậy, trước năm 30 tuổi nhất định phải hiểu được bản thân mình giỏi cái gì. Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc xem đâu mới là cái mình thực sự giỏi, rồi tìm ra công thức kiếm được nhiều tiền nhất của bản thân. Càng trẻ, càng phải kiếm được thật nhiều tiền. Để khi có chút tuổi, bản thân không cần chạy theo đồng tiền mà mưa nắng không quản nữa!
Nếu muốn nghỉ hưu sớm, bạn nhất định phải có nguồn thu nhập thụ động. Đây chính là "tiền đẻ ra tiền" mà không cần làm gì cả. Nếu giỏi tài chính, hãy chọn đầu tư kinh doanh. Nếu giỏi phát triển bản thân, hãy chọn cách xây dựng thương hiệu. Còn để an toàn hơn, hãy xây dựng các loại quỹ tiết kiệm dài hạn đủ lớn, để chỉ cần lãi suất thôi cũng đủ để bạn sống thoải mái cả đời.
Đấy là cách duy nhất để bạn ung dung trước thời kỳ suy thoái kinh tế, khiến bạn không còn sợ bão giá, bão sa thải, hay bất kỳ loại bão nào!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn