Nghi lễ nộp tiền thuê đất có một không hai của Nữ hoàng Anh

10:00 | 23/05/2018;
Người Anh thật kỳ lạ. Cho đến tận ngày nay, hàng năm thành phố London vẫn trả cho Nữ hoàng Anh quốc 6 chiếc móng ngựa to đùng và 61 cái đinh đóng móng ngựa. Đây là khoản chi phí thuê 2 mảnh đất của Hoàng gia.
Điều kỳ lạ là đến nay, không một ai còn biết vị trí chính xác của 2 mảnh đất này nữa. Có thể nói đây là một trong những truyền thống lâu đời nhất Anh quốc.
 
Từ lâu lắm rồi, Nữ hoàng Anh quốc không còn thu thuế nữa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một chức quan lo chuyện “Phụng sự Nữ hoàng” và đây là cơ quan tư pháp lâu đời nhất vương quốc. Chức quan này được dựng lên năm 1164 để giám sát công chuyện thuế má và nguồn thu của kho bạc nhà nước.
 
Hiện nay, viên quan phụ trách việc “Phụng sự Nữ hoàng” chỉ còn mỗi một công vụ duy nhất: Hằng năm cứ đến tháng 10 là vị quan đó phải làm nghi lễ thu 2 con dao, một cùn, một sắc, 6 chiếc móng ngựa to tướng và 61 chiếc đinh đóng móng ngựa do thành phố London nộp. 
nu-hoang-anh-1.jpg
Tiền thuê đất nộp năm 2016: Móng ngựa và đinh đóng móng ngựa

 

Viên quan đầu tiên lo việc đó là Richard of Ilchester, một bầy tôi của triều đình và sau này trở thành giám mục xứ Winchester. Văn phòng đầu tiên của chức quan này là tòa án Exchequer (Anh quốc và xứ Wales) cho đến khi tòa án này bị giải tán vào năm 1882. Chức quan này chịu sự quản lý của tòa án tối cao (Vương quốc Anh và xứ  Wales).
 
800 năm giữ nguyên tiền thuê đất
Thành lệ, cứ đúng ngày thu thuế, viên quan đầu đội tóc giả chỉnh tề, vẫn trịnh trọng ngồi vào chiếc bàn phủ khăn trải bàn kẻ carô như 800 năm trước và đợi đại diện của thành phố London đến nộp tiền thuê đất. Các đại diện của hội đồng thành phố đến và trả một khoản tiền thuê kỳ quặc nhất thế giới cho 2 mảnh đất thành phố đã thuê của Hoàng gia.
 
Tuy nhiên, sau nhiều trăm năm nay, người ta không còn biết chính xác hai mảnh đất đó là 2 mảnh đất nào và nằm ở đâu nữa. Nhưng vì “hợp đồng thuê đất” chưa bao giờ được thanh lý nên thành phố vẫn đều đặn trả tiền thuê đất. Bên phía cho thuê đất là Hoàng gia Anh quốc cũng “rất dễ tính” nên không hề tăng tiền thuê đất trong suốt 800 năm qua. Hiện nay London vẫn trả mức tiền thuê đất như hồi thế kỷ thứ 13.
 
Một trong 2 mảnh đất Hoàng gia cho thuê được gọi là “The Moors”. Mảnh đất này lúc đầu được cho một thương gia tên là Nicolas de Morrs thuê  từ năm 1211. “The Moors” rộng 728.000 mét vuông và nằm ở đâu đó phía Nam thành phố Bridgnorth trong vùng Shropshire, cách London gần 200 cây số về phía Tây Bắc. Tiền thuê được thỏa thuận hồi đó là... 2 con dao.
 
Vài trăm năm sau, hợp đồng thuê đất được chuyển giao cho thành phố London, chính xác là khi nào và tại sao thì nay không còn ai biết nữa. Người ta cũng không biết địa điểm chính xác của “The Moors”.
 
nu-hoang-anh-2.jpg
Vị quan chịu trách nhiệm thu tiền thuê đất
 
Truyền thống kỳ cục
Khoản tiền thuê mảnh đất thứ 2 mà thành phố phải trả là cho lò rèn trong ngõ “Tweezers Alley” (tuy giờ đây không còn cái ngõ đó nữa). Có lẽ cái ngõ nằm đâu đó trong khu phố “The Strand” nay đã trở thành khu nhà giàu “Covent Garden”, nơi có trường Đại học Hoàng gia, những khách sạn 5 sao và những biệt thự giá cực khủng.
 
Thực ra, người thuê đầu tiên là một người thợ rèn tên là Walter Le Brun. Ông này thuê mảnh đất vào khoảng năm 1235 để mở xưởng làm ăn. Sau này, hợp đồng thuê đất cùng với khoản tiền thuê “phù hợp” gồm móng ngựa và đinh đóng móng ngựa cũng được chuyển giao cho thành phố London. Tuy những chiếc móng ngựa to lớn hơn móng ngựa thông thường nhưng vẫn có thể đóng được cho những con ngựa bình thường.
 
Trong thế kỷ 14, việc đóng móng cho ngựa trở nên phổ biến, khi người ta tìm cách luyện ngựa sao cho trong cuộc chiến nó có thể dẫm, đạp ngựa khác và quẳng tay kỵ sĩ đối phương xuống khỏi lưng ngựa. Chính vì thế móng ngựa to quá khổ và đinh đóng móng được sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại.
 
Điều lấy làm lạ và kỳ quặc có một không hai là thành phố London hàng năm không phải rèn móng ngựa mới và đinh đóng móng mới. Sau khi thành phố nộp “tiền thuê đất, thuê nhà” xong, Hoàng gia lại cho thành phố “mượn” mấy món đồ đó cho đến lễ nộp tiền nhà vào năm sau.
1.jpg
 
 
Có lẽ, sự phóng khoáng đó làm cho chính quyền thành phố London dễ dàng hơn khi muốn duy trì truyền thống kỳ cục này. Tuy chi phí cho “Nghi lễ nộp tiền thuê đất” này là cực ít, song hàng năm lại tạo ra một sự kiện được công chúng chú ý.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn