Nghi lễ rửa chân trong Thiên Chúa giáo

12:00 | 27/03/2016;
Nghi lễ Thứ Năm Thần thánh tái hiện việc Chúa Jesus rửa chân cho các tông đồ trước khi Chúa bị đóng đinh lên thánh giá. Ngày 24/3, Giáo hoàng Francis cũng noi gương Chúa khi thực hiện nghi lễ này cho những người tị nạn giữa làn sóng kì thị dâng cao.
Trong lịch phụng vụ Công giáo, Thứ Năm Tuần Thánh (còn gọi Thứ năm Rửa chân) là một ngày lễ nằm trong Tuần Thánh chào đón Lễ Phục sinh (cuối tháng 3). Theo sau ngày này là Thứ Sáu Tuần Thánh hay còn gọi là Thứ sáu tốt lành. Tương truyền rằng, trong một bữa ăn, Chúa Jesus đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài và lấy khăn thắt lưng ra. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn ở thắt lưng mà lau.
Nghi-le-thu-Nam-rua-chan-2.jpg
Tranh Chúa Jesus rửa chân cho các môn đệ
Đó là Chúa Jesus đã ban lệnh truyền yêu thương. Chúa đã làm gương trước cho các môn đệ: Rửa chân là cúi xuống thật sâu, để mặt mình ngang với chân người khác. Cúi mình rửa chân chính là biết bỏ đi cái tôi của bản thân mà phục vụ, phục vụ bởi tình yêu. Những bàn chân nhơ nhuốc, dơ bẩn được Người nâng niu trong đôi tay của mình để rửa sạch rồi ân cần đặt lên đó những nụ hôn. Với Người, không có sự phân biệt sang hèn, cao thấp địa vị…
Hình ảnh Chúa Jesus gần gũi ngoài sức tưởng tượng, nó thể hiện việc Người đã từ trời cao hạ giới trong phận người yếu đuối để cứu chuộc con người khỏi vết nhơ tội lỗi. Ngài ý thức được hành động mình làm là gì, ngài bất chấp danh phận của ngài để hạ mình xuống vì tình yêu dành cho nhân loại. Người muốn nhắc nhớ rằng hãy dũng cảm bảo vệ và lên tiếng cho những người bị áp bức, hà hiếp, bị gạt ra bên lề xã hội thay vì đứng nhìn với sự vô cảm. Người cũng muốn gửi thông điệp rằng muốn dạy con người, làm gương sáng trong những việc nhỏ là cách dạy tốt nhất. Nếu các nhà lãnh đạo và cha mẹ muốn thành công trong việc dạy dỗ, đào tạo nhân viên, hãy làm gương sáng cho những người dưới quyền và con cái mình.
Sau vụ khủng bố dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS nhằm vào nước Bỉ hôm 22/3, trong cộng đồng châu Âu đã xuất hiện làn sóng kì thị người tị nạn đến từ Trung Đông - Bắc Phi. Ngày 24/3, khi vừa đến thăm trại tị nạn ở Castelnuovo di Porto (vùng ngoại ô Rome, Italia), Giáo hoàng Francis đã thực hiện nghi thức rửa chân cho những người tị nạn Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Hindu giáo và tuyên bố tất cả đều là con của Chúa trời. 

Tại buổi lễ này, Giáo hoàng phát biểu: “Chúng ta đến từ những nền văn hóa và có niềm tin tôn giáo khác nhau như Hồi giáo, Hindi, Công giáo, Thiên chúa giáo cổ Ai Cập, Phúc âm nhưng tất cả chúng ta vẫn là những người anh em trước Chúa trời và mong muốn được sống trong hòa bình”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn