"14 tuổi, em mất tay và chân…"
Một buổi chiều tháng 7, Tài mở mắt dậy sau cuộc phẫu thuật. Cậu đưa mắt xuống cơ thể mình, một bên tay phải đã mất, phần chân bị tháo khớp, cụt lủn... Căn phòng bệnh lặng im, chỉ còn tiếng nấc của Tài, của mẹ. Đã 3 năm trôi qua, Tài vẫn nhớ rõ từng chi tiết biến cố thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi.
Phát Tài sinh ra trong một gia đình khó khăn thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Mùa hè năm lớp 8, Tài theo một vài người trong xóm để phụ lắp dây mạng wifi. Tài nhớ lại: "Buổi sáng, em bước ra khỏi cửa đi làm mẹ vẫn nói với theo: Trưa nhớ về ăn cơm nghen con. Vậy mà chưa đầy 2 tiếng sau, em đã gặp tai nạn. Em đưa móc câu lên cao vô tình chạm vào đường dây cao thế. Cú giật làm em ngã xuống nền ruộng ẩm ướt và bất tỉnh".
Tài được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Cậu bé 14 tuổi tỉnh dậy trong tình trạng da thịt bị cháy bỏng rát, khắp người băng bó. Để giữ được tính mạng, bác sĩ đề nghị tháo khớp gối chân phải và cánh tay phải.
Lúc hay tin, Tài hoàn toàn suy sụp tinh thần. "Em không chấp nhận được sự thật rằng mình sẽ không thể chạy nhảy, đá banh, đạp xe… cùng các bạn được nữa. Bệnh viện phải cử chuyên gia tâm lý đến để trò chuyện với em. Em còn nhớ khi nằm trên chiếc băng ca vào phòng mổ, mẹ nói rằng: "Con cứ xem như mình ngủ một giấc, tỉnh dậy mọi chuyện sẽ ổn thôi". Ca mổ thành công, mẹ em là người khóc nhiều nhất.
Tài kể, suốt một năm tạm hoãn việc học để chữa bệnh, cậu rơi vào mặc cảm, không dám ra ngoài để gặp mọi người. Mọi sinh hoạt của Tài như tắm rửa, ăn uống… phải nhờ đến ba mẹ. "Lúc chưa được lắp chân giả, em di chuyển quanh nhà bằng cách nhảy lò cò. Ba sợ em buồn nên buổi chiều là lấy xuồng chở ra sông chơi. Thời điểm đó, em nghĩ rằng mình không thể tiếp tục việc học. Em sợ người ta kì thị khi tay chân mình không lành lặn", Tài nói.
Đứng dậy để bước tiếp
Trái với suy nghĩ của Tài, thầy cô, bạn bè lại đến nhà thăm hỏi, động viên. Có những người bạn đến nhà cậu đều đặn mỗi ngày, kể cho Tài nghe những câu chuyện ở lớp, động viên cậu đừng từ bỏ việc học tập.
"Em âm thầm lên mạng, tìm đọc về những cuộc đời còn bi kịch hơn mình nhưng họ vẫn sống tốt. Anh Nick Vujicic còn không có cả bốn chi, trở thành nhà diễn thuyết khắp thế giới. Câu chuyện về cuộc sống của anh ấy thật sự đã cho em rất nhiều động lực", Tài tâm sự.
Dần dần, cậu cởi bỏ được sự tự ti. Tài nhờ mẹ mua quyển tập trắng để học cách viết bằng tay trái. Mấy ngày đầu, chữ Tài viết ra cứ xiêu vẹo, xô lệch, buông bút ra là tay cứng đờ, phải ngồi xoa bóp một lúc lâu. Mẹ Tài thấy thế vuốt tóc con động viên con. Hơn 6 tháng, cậu học trò mới có thể viết được những hàng chữ ngay ngắn. Rất nhanh chóng, Tài đã có thể ôn tập lại kiến thức dang dở lúc trước. Một buổi chiều của năm 2020, khi vết thương cũ đã lành lại, Tài được ba mẹ chở đến TP. Cần Thơ để lắp chân giả.
Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng ngày đầu tiên đến lớp, mặt Tài vẫn cứ đỏ bừng bừng, bối rối. Em chọn một góc trong lớp để ngồi, giờ chơi không dám xuống sân trường. "Em đi học trễ một năm, các bạn lớp mới thấy em không còn cánh tay phải cũng tò mò chạy lại xem. Em cảm thấy mình có chút may mắn khi không bị trêu chọc, các bạn bày tỏ sự cảm phục khi em đã dũng cảm đến lớp học tập dù chỉ còn có một tay", Tài nói.
Những năm sau đó, Tài đều là học sinh tiên tiến của lớp. Hết năm lớp 9, cậu trúng tuyển vào trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Lúc biết kết quả, mẹ Tài vui đến rơi nước mắt. Tài cho biết, những lúc thấy khó khăn, em lại nhớ đến lời mẹ, học cho chính mình và không bao giờ cho phép mình gục ngã.
Mỗi sáng, Tài được em trai kém hai tuổi đưa đến lớp. Ba mẹ đứng ở cửa nhìn ra cậu học trò mặc áo trắng, cụt tay, một bên chân giả, cười nói vô tư, lòng ngập tràn niềm hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn