Nghị lực phi thường của cô gái trẻ mất 1 bên ngực vì ung thư

15:32 | 29/07/2019;
Hoàng Thị Nhung (22 tuổi, quê tại Bắc Giang) vừa học xong đại học, chuẩn bị đi làm thì phát hiện ra mình mắc ung thư vú, phải cắt bỏ một bên ngực.
Nhung kể, cô rất ít khi nghĩ đến bệnh ung thư và coi đó là bệnh của... người già, đặc biệt là ung thư vú. Tháng 3/2017, Nhung thấy đầu vú có chảy dịch, tuy không đau nhưng cô cũng cẩn thận đến bệnh viện kiểm tra.
 
Ban đầu thăm khám, bác sĩ cho biết, đó là khối u lành tính. Sinh thiết tế bào cũng cho kết quả lành tính. Nhung thở phào và nghĩ, u xơ vú rất nhiều phụ nữ mắc và chỉ cần uống thuốc là được.
 
Tuy nhiên, vài tháng sau, Nhung thấy u ở ngực to hơn, đau hơn. Cô lo lắng đi khám. Kết quả khiến cô bất ngờ, bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư vú. Với cô gái trẻ, căn bệnh ung thư trở thành thứ kinh khủng nhất vì mọi cánh cửa tương lai như đang đóng lại với cô.
 
ung-thu-vu-06.jpg
Hoàng Thị Nhung vừa học xong đại học thì phát hiện ra mình mắc ung thư vú, phải cắt bỏ một bên ngực

 

Cô bắt đầu bước chân vào cuộc chiến chống ung thư. Ban đầu, Nhung cũng từng nghĩ, cuộc đời mình như thế là hết. Ban ngày, cô không dám khóc vì sợ gia đình lo lắng nhưng cứ khi màn đêm xuống, cô lại khóc thầm cho cuộc đời hẩm hiu của mình.
 
Khối u ung thư của Nhung lên tới 5 cm và bác sĩ không thể mổ bảo tồn. Bác sĩ phẫu thuật cắt 1 bên ngực và Nhung bước vào các đợt trị hoá chất.
 
9 tháng trải qua đủ cung bậc cảm xúc từ đau đớn, mệt mỏi, có lúc Nhung tưởng mình không trụ được do tác dụng phụ của thuốc. Nhưng càng khổ, càng đau đớn, Nhung càng bảo mình phải có nghị lực để chiến thắng bệnh. Cô biết, tuổi trẻ không có gì ngoài cố gắng. Cuối cùng Nhung cũng được đền đáp, trải qua 9 tháng hoá trị, các tế bào ung thư đã không còn trong cơ thể cô.
 
Nhung cho biết, tuy bị phẫu thuật cắt bỏ ngực nhưng cô không thấy tự ti hay mặc cảm. Cô vẫn có thể mặc áo dài đi chơi cùng bạn bè và đặc biệt, không giấu diếm mình là bệnh nhân ung thư.
 
Qua câu chuyện của mình, Nhung muốn mọi người hiểu hơn về ung thư cũng như đừng bỏ qua các dấu hiệu lạ của cơ thể. Điều Nhung tiếc nhất đó là khi kiểm tra ban đầu lành tính, cô đã chủ quan và nghĩ không có vấn đề gì nên bỏ qua “thời gian vàng” của bệnh. 4 tháng không quá nhiều nhưng đủ để tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng, khiến bệnh cô bước sang giai đoạn khác.
 
Trên trang cá nhân của mình, Nhung viết: “Sau ca phẫu thuật, tôi đã khuyết một bên ngực, tóc rụng hết vì chạy hóa chất, bây giờ thì tóc đang mọc lơ phơ. Nhưng giờ tôi đã ổn, tôi đã vượt qua được cả nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Mọi chuyện lại đâu vào đấy thôi.”
 
Ung thư vú nguy hiểm thế nào?
 
Theo PGS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vú là bệnh ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư phổi tại các nước trên thế giới.
 
Theo GLOBOCAN, năm 2018, trên toàn thế giới có 2.088.849 trường hợp ung thư vú mới mắc (chiếm 11,6% trong tổng số tất cả các loại ung thư ở cả hai giới) và 626.679 trường hợp tử vong do ung thư vú.
 
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020, ung thư vú là bệnh có tỷ lệ mới mắc cao nhất trong các ung thư ở nữ giới.
 
Hướng dẫn chị em tự kiểm tra ngực, phát hiện ung thư vú
 
Để nhận biết dấu hiệu sớm, chị em phụ nữ có thể tự kiểm tra ngực của mình 1 tháng/lần, sau chu kỳ kinh nguyệt 5 - 7 ngày. Cách kiểm tra có thể tự đứng trước gương, hai tay xuôi, quan sát các thay đổi ở vú như u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da...
 
Có thể sờ nắn bằng cách lấy tay phải kiểm tra ngực trái. Lấy 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài. Kiểm tra cả phần vú phụ ở nách nếu thấy u cục thì cần đi khám ngay.
 
Nếu thấy một bên vú dày chắc hơn bên kia, tụt núm vú; Da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường, thay đổi màu sắc trên da của vú; Chảy dịch 1 bên vú... thì cần đến bệnh viện chuyên môn để thăm khám.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn