Sống như những đóa hoa
Bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin, bị xương thủy tinh và phải ngồi xe lăn nhưng chị Huỳnh Thanh Thảo (Trung Lập Thượng, Củ Chi, TPHCM) vẫn làm tốt công việc của một một cô giáo và là cô chủ "Thư viện mini cô Ba". Chị vừa truyền dạy kiến thức vừa chia sẻ câu chuyện của đời mình, giúp cho nhiều người cùng cảnh ngộ, sống tích cực, dám ước mơ và hiện thực hóa mơ ước.
Chị Thảo cho biết, vì sức khỏe và điều kiện di chuyển khó khăn nên chị chủ yếu tự học chữ, tự học tiếng Anh, học vẽ, học sử dụng máy tính. Hiện nay chị mở lớp học tình thương và trở thành cô giáo dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật giống mình. Chị còn mở "Thư viện mini cô Ba" với hơn 2.000 đầu sách các loại, đồng thời trở thành cầu nối lan tỏa năng lượng tích cực khắp mọi miền đất nước.
Ngoài "Thư viện mini Cô Ba", chị Thảo còn vận động và điều hành 2 hoạt động xuyên suốt là Quỹ học bổng Cô Ba ấp Ràng dành cho trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Củ Chi và Quỹ hỗ trợ vốn cho người khuyết tật. Chị còn vận động kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn và quà cho những người già neo đơn, tổ chức trung thu cho các em nhỏ kém may mắn, trao học bổng cho những học sinh nghèo, khuyết tật…
Chị Thảo chia sẻ: "Mỗi người đều có thể đóng góp một điều gì đó cho cuộc sống, theo cách riêng của mình. Bản thân tôi sức khỏe không có, tiền bạc cũng không nhưng tôi có một tinh thần, ý chí. Tôi mong muốn mình trở thành tấm gương để kết nối các bạn khuyết tật, giúp các bạn cùng nuôi ý chí kiên cường. Đồng thời, mong mình nhận được nhiều sự tin yêu hơn để giúp đỡ trở lại cho các nơi cần. Sắp tới, tôi sẽ kết hợp với Hội LHPN xã tổ chức ngày hội đọc sách để lan tỏa văn hóa đọc. Tôi đang tính đến việc thiết kế thêm mô hình thư viện online để các bạn có thêm nhiều kênh tiếp cận với sách. Tôi tin rằng, chỉ cần tôi còn sống thì mọi hy vọng đều có thể diễn ra. Tôi xin nhắn gửi đến các chị em khuyết tật rằng: Chúng ta hãy sống như những đóa hoa, tuy nhỏ bé thôi nhưng luôn âm thầm tỏa hương cho đời".
Điều kỳ diệu từ giấy
Chị Trần Thụy Thúy Vy (Quận 4, TPHCM) bị liệt chân phải do sốt bại liệt từ nhỏ. Dẫu cuộc sống đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chị đã quyết tâm vươn lên nghịch cảnh, đi tìm tri thức và đam mê của mình. Giờ đây, chị được nhiều người biết đến với nghề làm tranh giấy xoắn đồng thời là cô giáo dạy nghề cho nhiều người khuyết tật khác.
Bằng nghị lực vươn lên, các chị đã lan tỏa đến những chị em phụ nữ khuyết tật khác trong cộng đồng cùng nhìn vào đó để học theo. Các chị đã chứng minh được bản thân các chị không lệ thuộc vào xã hội, không để mình trở thành gánh nặng cho xã hội mà luôn nỗ lực vươn lên và khẳng định giá trị của bản thân mình
Bà Trần Thị Phi Yến, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPN TPHCM
Chị Vy kể: Khi tốt nghiệp cấp 3, chị đi làm công nhân. Sau đó, chị dành dụm tiền để thực hiện ước mơ vào đại học. Chị đã biến khiếm khuyết cơ thể thành động lực để vượt khó học tập, lao động. Chị đã đậu vào trường ĐH Hồng Bàng. Cái duyên với nghề làm tranh giấy xoắn bắt đầu từ khi chị Vy tham gia vào câu lạc bộ sáng tạo của trường. Chị được một người bạn trong câu lạc bộ hướng dẫn làm tranh giấy xoắn để tham gia một triển lãm. Lần đầu chạm đến những sợi giấy đủ màu sắc, biến chúng thành hoa lá, chị đã cảm thấy bị cuốn hút mãnh liệt. Càng làm, càng thấy môn nghệ thuật này hay, càng mong muốn sáng tạo thêm những bức tranh độc đáo. Sau khi ra trường, chị quyết tâm theo đuổi công việc này đến giờ.
Không chỉ tự tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, chị còn thành lập Cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling để truyền nghề và tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ. Sản phẩm tranh giấy xoắn của chị ngày càng được ưa chuộng cho các mặt hàng quà tặng lưu niệm và xuất khẩu sang các nước.
"Trước khi đi học đại học mình đã làm nhiều công việc để kiếm tiền. Mình nhận thấy, người khuyết tật đi xin việc thường gặp nhiều khó khăn và trình độ cũng hạn chế. Vậy nên, khi thành công mình hướng dẫn lại cho các bạn đồng cảnh ngộ nghề làm tranh xoắn giấy. Đây là công việc phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Các bạn ở xa thì tới cơ sở mình học nghề rồi về quê làm. Bạn nào muốn làm trực tiếp tại cơ sở thì mình tạo điều kiện cho các bạn làm. Mình muốn mang động lực tích cực để truyền tải lại cho các bạn suy nghĩ không phải người khuyết tật là không làm được điều gì. Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học dù ít hay nhiều", chị Vy cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn