Nghị lực sống của gia đình “xương thủy tinh”

09:00 | 14/12/2020;
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy sinh năm 1970, quê gốc ở Trà Vinh. Năm 1993 chị Thủy lập gia đình với anh Trần Minh Thống, sinh năm 1956, một người khuyết tật bị liệt 2 chân do di chứng xương thủy tinh, từ sự mai mối của Bà nội, vì Bà thương anh Thống mồ côi lại khuyết tật, chuyên làm công quả ở các chùa.

Sau khi kết hôn, anh Thống theo vợ lên Bù Đốp sinh sống, vì sợ sống ở quê nhà, người đời nói này nói nọ. Tại nơi ở mới, không ai biết ai, gia đình cứ thế mà sinh sống. Người ta thường gọi anh Thống là Tư Lết, vì ngày nào anh cũng ngồi lên miếng vỏ xe, rồi lết đi làm cỏ thuê. Thân thể anh không trọn vẹn, nhưng anh quyết nuôi gia đình bằng tất cả tình yêu thương.

Clip về hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Bình Phước, do Khát vọng sống thực hiện

Chị Thủy cũng đi làm thuê để phụ giúp chồng. Những tưởng sinh những đứa con lành lặn để sau mà nhờ, nhưng không ngờ, người con đầu - Trần Thị Ngọc Ngân sinh năm 1996, giống cha bị hội chứng xương thủy tinh. Năm 1998 cháu Trần Ái Hải Sơn ra đời cũng không thể tránh khỏi căn bệnh ác nghiệt. Cố hy vọng vào một đứa con lành lặn, nên năm 2000 chị Thủy sinh cháu Trần Thị Thúy Ái và may mắn là cháu được bình thường, không bị chứng xương thủy tinh.

Thời gian trôi qua, những đứa con của anh chị ngày càng khôn lớn. Và dường như để bù đắp cho những thiếu sót của tạo hóa, ông trời đã ban cho những đứa con của chị một nỗ lực hết sức phi thường. Người con lớn Ngọc Ngân năm nay 24 tuổi thì không đi học, nhưng đứa em trai Hải Sơn vẫn đến trường không bỏ ngày nào. Con gái út là Thúy Ái lành lặn cũng học hành chăm chỉ như anh mình.

Hai anh em đi học, nhưng đâu chỉ học cho riêng mình. Hải Sơn và Thúy Ái đi học về thì thay nhau dạy lại cho chị mình. Kết quả là Ngọc Ngân biết đọc, biết viết, hằng ngày, em cố gắng đan móc những chiếc vòng tay để gởi bán. Hải Sơn nay đã là sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật, Thúy Ái là sinh viên của giảng đường Đại học Công nghiệp Sài Gòn.

Chị Thu Thủy và các con mang hội chứng xương thủy tinh

Chị Thu Thủy và các con mang hội chứng xương thủy tinh

Hải Sơn thì được học bổng toàn phần của trường, còn Thúy Ái thì phải lo chi phí học hành. Vì thế, chị Thủy làm được bao nhiêu, thì tiện tặn mà gởi lên cho con đi học. Ý thức được mình phải cố gắng gấp 3, gấp 4 lần anh chị, nên ngoài thời gian học, Ái làm thêm đủ chỗ, làm đến nỗi  gầy gò, hốc hác.

Từng lời nói, từng lời tâm sự của mấy chị em không hề có một chút than thân trách phận, mà chỉ là những ước vọng, những kế hoạch cho tương lai. Niềm vui của những người tàn mà không phế này chỉ chùng lại, khi nhắn đến ba. Chuyện là cách đây 7 năm, anh Thống – ba của các em bị tai biến. Lúc đó cả 3 chị em còn rất nhỏ, thế nên mọi khổ cực của gánh mưu sinh đều nằm hết trên vai Mẹ. Bệnh tình cứ thế kéo dài đến năm 2019 thì anh Thống qua đời.

Biết mình là hi vọng của ba mẹ, là nơi ba mẹ đặt niềm tin, nên dù thân thể không trọn vẹn hình hài, nhưng cả 3 chị em đều cố gắng hết sức cho tương lai. Còn chị Thủy, người phụ nữ nhân nghĩa, tuy cái nghèo vẫn bao bọc, nhưng trái lại, chị được sống trong tình yêu thương của các con.

Chia sẻ xin gửi về: Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Địa chỉ: Tổ 6, ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước - hoặc BTC chương trình Khát Vọng Sống: Công ty Cổ phần Quảng cáo Nhất – 82 Nguyễn Phi Khanh, P. Tân Định, Q.1 – TP HCM. Điện thoại (84.028) 38.207.084.

Thông tin về chương trình và tấm lòng vàng xin vui lòng truy cập: www.khatvongsong.uniad.com.vn.

***Chương trình do Báo Phụ nữ Việt Nam bảo trợ thông tin.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn