Nghị lực vượt qua số phận của nữ Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình

16:29 | 17/12/2023;
“Là người khuyết tật phải có một tay nghề vững mới đảm bảo được cuộc sống, mới thay đổi được số phận để không là gánh nặng của gia đình. Nghĩ vậy, tôi đã cố gắng vượt qua mọi trở ngại, để học nghề tạo cho mình cơ hội mưu sinh ổn định”, chị Nguyễn Thanh Bình (SN 1978) - Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình - bộc bạch.

Không thể đến trường thì phải đi học nghề

Với gương mặt sáng cùng nụ cười toả nắng, gặp nữ Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình lần đầu, tôi khá ngỡ ngàng với vẻ bề ngoài cùng sự hoạt bát, năng động của chị. Để vượt qua số phận, với chị Nguyễn Thanh Bình cũng là hành trình dài đầy gian khó và cả nước mắt. 

Chị nhớ lại: "Là một người khuyết tật, hạn chế về sức khoẻ, đi lại rất khó khăn, tôi đã phải nghỉ học vì không thể tiếp tục đến trường cùng các bạn. Sau khi nghỉ học, tôi vẫn nung nấu một ý chí vươn lên, vậy là tôi đi học nghề may với tất cả niềm đam mê để có thể vượt qua chính mình".

Nghị lực vượt qua số phận của nữ chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thanh Bình đã tham gia nhiều khoá tập huấn về khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh Thái Bình tổ chức

Sau 1 năm học nghề, chị trở thành người thợ may có tay nghề giỏi và mở cửa hàng may thời trang từ năm 1996. "Chính vì có cửa hàng may, tôi có cơ hội tiếp xúc với xã hội, với cộng đồng và nhận thấy cuộc sống thật tươi đẹp. Từ đó, tôi đã thay đổi quan điểm sống và bắt đầu nghĩ mình phải làm gì cho bản thân, gia đình và xã hội" - chị Nguyễn Thanh Bình vui vẻ nói.

Chị không ngừng tìm tòi, học hỏi, tranh thủ cơ hội để phát triển cơ sở may nhỏ bé của mình. Từ chỗ tạo việc làm cho bản thân, chị nghĩ đến việc phải tạo việc làm cho những người xung quanh, nhất là những người có cùng hoàn cảnh như chị. Chính vì thế chị nỗ lực mở rộng cửa hàng, tìm kiếm đơn hàng, thuê người làm thêm cùng với mình.

Vậy là cửa hàng may của chị đã có thêm 3 thợ chuyên may các loại quần áo, comples, váy đầm thời trang theo yêu cầu của khách hàng. Mức lương thu nhập bình quân của thợ may tại cửa hàng của chị đạt từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng.

"Ngoài việc sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, tôi đã đào tạo nghề cho trên 200 lượt người gồm lao động nông thôn, người khuyết tật, lao động xuất khẩu, học sinh - sinh viên, những người là con em gia đình chính sách và cả những người bình thường cũng đến học nghề" - chị Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Nghị lực vượt qua số phận của nữ chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thanh Bình đã học nghề may đo thành thạo và truyền nghề cho hàng trăm người cùng cảnh ngộ vươn lên làm chủ cuộc sống

Đối với những người thuộc gia đình chính sách, hay người có hoàn cảnh khó khăn, đều được chị Bình giảm 50% học phí. Những học viên là người khuyết tật hay nhiễm chất độc da cam/dioxin, được chị miễn 100% học phí. Qua thời gian đào tạo, hầu hết các học viên đã có tay nghề thành thạo, có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở và mở cửa hàng riêng để phát triển kinh tế gia đình.

Luôn mong cuộc sống của người khuyết tật dần được cải thiện

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, chị Bình tích cực tham gia công tác xã hội, mở rộng giao lưu với cộng đồng nhằm không ngừng nâng cao trình độ kiến thức của mình. Chị được tín nhiệm, tham gia công tác xã hội từ năm 2006 đến nay, với vai trò của người đứng đầu Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình.

"Tôi đã tham gia nhiều khoá tập huấn về khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh Thái Bình tổ chức, giúp tôi có thêm kỹ năng, kiến thức để phát triển mô hình kinh doanh của mình. Cuối năm 2022, do tình hình biến động thị trường và điều kiện sức khoẻ, tôi mở rộng việc kinh doanh mặt hàng gia dụng tiện ích" - chị Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Nghị lực vượt qua số phận của nữ chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình- Ảnh 3.

Các phần quà của Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình do chị Nguyễn Thanh Bình làm Chủ tịch đã được trao tặng đến các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn

Hiện chị Bình có một cửa hàng tự chọn chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp của hãng nội địa Nhật Bản và các mặt hàng gia dụng tiện ích khác, đồng thời chị mở rộng việc kinh doanh online.

Chị Nguyễn Thanh Bình tâm sự: "Ngay từ những năm đầu thành lập Hội người khuyết tật tỉnh nhà, tôi luôn mong cuộc sống của người khuyết tật tại tỉnh nhà sẽ dần được cải thiện và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng. Tôi cùng Ban chấp hành Hội luôn tìm kiếm, nắm bắt thông tin về người khuyết tật, nhất là nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, của các tổ chức trong nước và quốc tế, triển khai thực hiện nhiều chương trình dự án hỗ trợ người khuyết tật".

Nghị lực vượt qua số phận của nữ chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình- Ảnh 4.

Cuối năm 2022, do tình hình biến động thị trường và điều kiện sức khoẻ, chị Bình mở rộng việc kinh doanh mặt hàng gia dụng tiện ích, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tỉnh Thái Bình

Ví như Hội phối hợp với trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC, triển khai dự án "Nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật" với 2 mục tiêu là: Tăng cường nhận thức của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, để tăng tiếng nói và bảo vệ họ tránh các tình huống bạo lực; Cải thiện cơ sở hạ tầng ở địa phương để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái tránh các tình huống bạo lực; Lắp đường điện chiếu sáng ưu tiên vùng có nhiều phụ nữ khuyết tật và trẻ em gái sinh sống, góp phần bảo vệ an toàn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho phụ nữ khuyết tật và trẻ em gái thuộc 3 xã Tây Phong, Tây Ninh (huyện Tiền Hải) và xã Hồng Giang (huyện Đông Hưng) với tổng số kinh phí dự án là gần 300 triệu đồng.

Hội cũng ký thoả thuận hợp tác Dự án "Nâng cao năng lực và phát triển tổ chức cho hội của người khuyết tật Việt Nam" tại Thái Bình, do tổ chức Dansk Handicap Forbund (DHF) Đan Mạch tài trợ, với tổng số kinh phí trên 400 triệu đồng.

"Đại đa số người khuyết tật ở tỉnh Thái Bình chúng tôi hiện nay có đầy đủ khả năng và khát vọng vươn lên. Trong những năm qua, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhận thức của cộng đồng xã hội về hòa nhập người khuyết tật đã từng bước được nâng cao, cuộc sống của người khuyết tật đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật sống ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm" - chị Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

"Tôi mong Nhà nước và các cấp Hội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tôi cũng đề nghị Hội LHPN tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai nhiều chương trình tập huấn, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, nhằm giúp chị em được nâng cao kỹ năng, kiến thức trong kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào vấn đề an sinh xã hội của địa phương" - với vai trò người đứng đầu Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình, chị Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn