Nghị quyết về hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị đã giải đáp hàng loạt câu hỏi lớn

15:02 | 24/04/2019;
NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2013 về hội nhập quốc tế là văn bản then chốt hàng đầu của Đảng ta về công tác hội nhập toàn diện. Nghị quyết đã thay làm đổi nhận thức của từng bộ ngành, từng doanh nghiệp, từng địa phương và người dân về công cuộc hội nhập của đất nước, coi đó là sự nghiệp của toàn dân.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn Diễn đàn APEC, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác Thái Bình Dương, Chủ tịch Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, người trực tiếp tham gia nhóm biên soạn Nghị quyết 22- NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ câu chuyện về quá trình xây dựng Nghị quyết.
 
Đại sứ Nguyệt Nga cho biết Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế được ban hành tháng 4/2013, đúng vào giai đoạn đất nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi rất quan trọng. Nước ta cũng như rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang phải chịu tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2008-2009. Đứng trước rất nhiều vấn đề về phát triển trong nước, về công cuộc đổi mới cũng như về công tác đối ngoại, một cục diện mới đang hình thành với nhiều vấn đề mới, thách thức mới cũng như cơ hội mới được đặt ra.
 
dsnguyet-nga-1.jpg
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

 

Thời điểm đó xuất hiện 3 nhân tố thôi thúc các bộ ngành, các cơ quan nhận thấy cần phải khẩn trương đẩy mạnh công tác xây dựng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Nhân tố quan trọng hàng đầu đó là Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 xác định nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới giai đoạn 2011 đến 2020. Yêu cầu phát triển kinh tế nhanh gắn với phát triển bền vững dẫn đến công tác đối ngoại, công tác hội nhập phải thay đổi. Vì thế, quyết định chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế trong 10 năm (2001- 2011) sang hội nhập toàn diện đánh dấu một đường lối mới, một chính sách mới trong công tác đối ngoại.
 
Đường lối chính sách mới đó đã thúc đẩy cũng như đặt ra nhiều vấn đề cho các bộ ngành, các cơ quan trong công tác hội nhập và công tác đối ngoại, làm sao để triển khai nhanh chóng công tác xây dựng Nghị quyết 22.
 
Nhân tố thứ 2 là đất nước ta đang ở đúng thời điểm 25 năm đổi mới, hội nhập và mở cửa, đang bước vào giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới ngày càng nâng cao. Một thách thức đặt ra là việc định hướng cho công tác tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) vì lúc đó có rất nhiều nhiều đối tác từ châu Âu, Liên minh châu Âu (EU), các nước châu Á- Thái Bình Dương như Mỹ, Canada, Mexico, Singapore, Nhật Bản và cả các nước Trung Đông đều đàm phán FTA với Việt Nam. Việt Nam nhận thấy đó là cơ hội nhưng cũng đặt ra vô vàn thách thức, vì nội hàm các FTA thế hệ mới là một điều quá mới đối với Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều cơ quan, bộ ngành đã nảy sinh tranh luận, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhất là về biện pháp cụ thể nào sẽ được triển khai, chính sách, cơ chế nào cho phù hợp để có thể thích nghi, thích ứng và có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp trong nước.
 
Nhân tố thứ 3, trong công tác hoạt động đối ngoại lúc đó, đặc biệt là hội nhập kinh tế từ Đại hội IX (giai đoạn 2001- 2011), chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập. Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã nêu ra những bất cập trong công tác hội nhập và khẳng định cần có sự thay đổi, phải có định hướng rõ nét hơn mới có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác hội nhập và đối ngoại; rất nhiều chủ trương, chính sách chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, nhu cầu phải có một Nghị quyết của Đảng nhằm cụ thể hóa đường lối, nhất là đường lối của Đại hội XI về hội nhập quốc tế toàn diện được đặt ra và làm thế nào để có một cơ chế hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện.
 
Ba nhân tố trên đã thúc đẩy quá trình xây dựng Nghị quyết, nhưng muốn thực hiện được lại không thể một sớm một chiều, nên từ sau Đại hội XI năm 2011, phải mất 2 năm chúng ta mới xây dựng và ban hành được Nghị quyết vào năm 2013.
 
Nhiều câu hỏi được đặt ra, như: “Hội nhập quốc tế là gì”, “hội nhập quốc tế toàn diện có gì khác so với hội nhập kinh tế quốc tế 10 năm trước”, “bản chất của nó là gì”, “Việt Nam đang ở trình độ phát triển rất thấp, có nên tham gia các FTA thế hệ mới không”, “Việt Nam tham gia các liên kết hội nhập cao có bị thiệt thòi gì không”, “đâu là lợi ích cụ thể, thiết thực của với người dân và doanh nghiệp trong hội nhập”… Điều đó đã buộc các cán bộ, các bộ ngành liên quan, những người làm chính sách phải suy nghĩ rất kỹ và cuối cùng đã đi đến nhận thức chung sau hơn 2 năm.
 
Vì thế, quá trình xây dựng Nghị quyết 22 là một quá trình xây dựng nhận thức, thống nhất nhận thức, thống nhất tư duy rồi mới đi đến thống nhất các biện pháp, từ đó mới có thể trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết toàn diện về vấn đề hội nhập quốc tế.
 
Nghị quyết 22 là văn bản then chốt hàng đầu của Đảng ta về công tác hội nhập toàn diện trong 10 năm qua và cả trong vài thập kỷ tới, bởi công tác hội nhập là một quá trình dài.
 
Đề cập đến kết quả thực hiện Nghị quyết cho đến thời điểm này, Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh 6 năm kể từ khi Nghị quyết được ban hành, tuy thời gian không dài nhưng thành tựu đạt được là rất đáng tự hào.
 
Nghị quyết 22 tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, rõ nét trong tư duy, rõ nét trong hành động và trong hiệu quả. Nghị quyết 22 cũng chỉ ra tư duy về chủ động đóng góp, tích cực tham gia định hình các cơ chế hợp tác quốc tế. Điều này hoàn toàn mới so với giai đoạn 25 năm trước khi mà chúng ta chủ yếu là tham gia các cơ chế vốn có và tranh thủ các lợi ích trong hợp tác nói chung. Nghị quyết 22 đã làm thay đổi nhận thức của từng bộ ngành, từng doanh nghiệp, từng địa phương và cả người dân, luôn quan tâm đến công tác hội nhập của đất nước, coi đó là sự nghiệp của toàn dân, điều mà trước nay không ai nghĩ là có thể nhanh và hiệu quả như vậy.
 
Điều đáng chú ý là sau khi Nghị quyết 22 ra đời thì tất cả các hoạt động đều gắn với hội nhập, kể cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (thời trang và hội nhập, hội họa và hội nhập, thiết kế mỹ thuật và hội nhập…).
 
Chúng ta đã thực sự hội nhập toàn diện, không chỉ hội nhập kinh tế. Điều này thể hiện rõ nét tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp xuất sắc, người dân Việt Nam đóng góp xuất sắc trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
 
Ngoài ra trong năm 2018, Diễn đàn WEF ASEAN cũng được tổ chức rất thành công, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, điều đó cho thấy việc hội nhập toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
 
Vấn đề hội nhập kinh tế thương mại là một điểm sáng và thành công của đối ngoại Việt Nam. Hội nhập kinh tế trong Nghị quyết 22 được xác định là trọng tâm của hội nhập toàn diện, từ đó chúng ta đã triển khai rất hiệu quả chiến lược tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Nghị quyết 22 có tầm và đúng hướng, là nền tảng cơ bản định hướng cho các bộ ngành trong triển khai công tác đối ngoại đa phương.
 
Thông qua việc thực hiện Nghị quyết, năng lực đóng góp, năng lực về điều hành, năng lực về khởi xướng ý tưởng của Việt Nam trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã được khẳng định. Qua đó, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn