Mới đây, một người đàn ông họ Thái (thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã nhận được nhiều sự quan tâm sau khi chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp đầy cay đắng của mình.
Được biết, trước đó anh Thái đã có công việc ổn định. Tuy nhiên, để thực hiện hóa ước mơ, anh và hai người bạn khác đã quyết định nghỉ việc, đầu tư hết số tiền tiết kiệm là hơn 200.000 NDT (khoảng gần 700 triệu đồng) để mở một cửa hàng bán hamburger. Trong số 3 người bạn, có một người đã có kinh nghiệm làm quản lý trong nhà hàng và một người từng làm trong ngành F&B.
Tuy nhiên, dưới sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường, doanh thu của cửa hàng anh Thái liên tục bị sụt giảm. Ba người bạn đã sốc khi phát hiện giá thuê nhà và chi phí lao công ngày càng tăng, trong khi doanh số bán hàng chỉ vỏn vẹn 79.2 tệ/ngày (khoảng 270 nghìn đồng). Đây là con số thấp hơn nhiều so với số tiền vốn bỏ ra ban đầu. Đó là chưa kể trong những ngày đầu mới thành lập, đã có khá đông bạn bè của "3 ông chủ" kéo đến ủng hộ cửa hàng.
Nhìn tình hình kinh doanh thua lỗ, anh Thái không tránh khỏi chạnh lòng. Thời gian ngắn từ sau khi mở cửa hàng bán hamburger, 3 người bạn dường như đã thấy trước được một viễn cảnh tồi tệ nhất trong tương lai. Anh Thái từng chia sẻ, họ đã nhiều lần suy nghĩ đến quyết định đóng cửa hàng dù cách thời điểm khởi nghiệp là 1 tháng trước.
Cuối cùng, anh Thái gửi lời nhắn nhủ đến những người trẻ chuẩn bị dấn thân vào con đường khởi nghiệp: Đừng chỉ biết chạy theo ước mơ mà cần có cái nhìn thực tế hơn - đó là quan sát kỹ tình hình thị trường và chấp nhận rủi ro khi làm ăn thất bại.
Bởi lẽ giờ đây, dẫu anh Thái và các bạn đã bỏ hết số tiền tích lũy trong nhiều năm, thế nhưng họ vẫn chưa thể kiếm được thêm tiền lãi, còn phải chi kinh phí lớn để duy trì hoạt động của cửa hàng.
Anh Thái cũng chia sẻ, trước ngày khai trương cửa hàng, 3 người bạn đã tiến hành công tác chuẩn bị, có cả nghiên cứu thị trường, từ việc chọn địa điểm, thuê lao công đến nguồn thu mua thực phẩm. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường, sản phẩm bán ra không duy trì được chất lượng như kỳ vọng, do đó cửa hàng hamburger đã rơi vào tình trạng "ế khách".
Liên quan đến câu chuyện của anh Thái, cư dân mạng xứ Trung đã chia thành nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người gửi lời động viên đến anh chàng và 2 người bạn còn lại, cho rằng họ không nên quá bi quan trước tình hình hiện tại của cửa hàng. "Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp lúc nào cũng là giai đoạn khó khăn nhất", một netizen gửi lời động viên anh Thái.
Ở diễn biến khác, trên mạng cũng có không ít ý kiến chỉ trích anh Thái và cộng sự đã có quyết định tương đối liều lĩnh. Nhiều người cũng cho rằng, trường hợp của anh Thái chính là lời nhắc nhở giới trẻ cần thận trọng hơn nếu muốn bắt tay vào khởi nghiệp.
"996" là tình trạng người lao động làm việc từ 9h sáng đến 9h đêm, 6 ngày một tuần tuần đã mang đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần. Cũng từ áp lực công việc quá nặng, nhiều người trẻ nảy sinh mong muốn khởi nghiệp, nhằm thoát khỏi tình trạng bị cấp trên kiểm soát, được sống cuộc sống tự làm chủ kinh tế cho bản thân.
Thực tế, câu chuyện thế hệ trẻ Trung Quốc dồn hết tiền tiết kiệm trong nhiều năm để mở cửa hàng, nhưng sau đó nhanh chóng mất trắng vì thiếu hiểu biết về thị trường đã không còn là chuyện hiếm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thực trạng này có liên hệ khá chặt chẽ với áp lực làm việc khổng lồ trong môi trường công sở ở đất nước tỷ dân, thường được biết đến với cụm từ "996".
"Để bắt đầu kinh doanh, hãy chuẩn bị tinh thần để thất bại, cả về tinh thần và tài chính. Ít nhất là hãy cố gắng tích lũy đủ số tiền cho một năm, hoặc hãy chuẩn bị viễn cảnh bạn bị mất trắng. Nếu còn đi làm, bạn làm sai, ông chủ có thể trách phạt nhưng không thể cắt hoàn toàn việc trả lương. Thế nhưng khi đi khởi nghiệp, bạn phải chấp nhận toàn bộ rủi ro, vì giờ đã không còn người tiếp tục gồng gánh lỗi sai của bạn", một người dùng khác bình luận về câu chuyện của anh Thái.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn