Chắc hẳn với đa số chị em công sở, bạn thường sẽ vạch ra một lộ trình sự nghiệp kiểu: Sau khi tốt nghiệp Đại học sẽ "bay nhảy" vài năm. Và rồi lúc chạm ngưỡng 30 thì sẽ ổn định cho đến tận khi nghỉ hưu. Tuổi trẻ còn chút nhiệt huyết sẽ để khám phá, tìm ra bản ngã thực sự rồi mới tính chuyện ổn định lâu dài. Hơn nữa, sau 30 tuổi, hầu hết dân công sở đều ngại nhảy việc. Nó không chỉ là câu chuyện về tuổi tác mà còn liên quan đến lương bổng, thâm niên...
Nhưng cũng chẳng ít trường hợp khi đã "quá băm", người ta bỗng thấy chán môi trường văn phòng 8 tiếng/ngày và rồi đi tìm một khởi đầu mới. Câu chuyện của Đinh Quang, chàng trai sinh năm 1989 dưới đây là một ví dụ như thế.
Quang làm biên tập viên cho một tạp chí về khoa học được gần 7 năm. Tức là sau khi ra trường anh đã lựa chọn một công việc lâu dài và có thể tạm coi là rất ổn định. Công việc lúc ấy tuy lương không quá cao nhưng đủ để chàng trai này chi tiêu và thỏa mãn sở thích du lịch khắp nơi. Người ngoài nhìn vào luôn nghĩ Quang có một sự nghiệp rất tuyệt vời, nhưng chẳng một ai biết về những góc khuất đằng sau.
Anh chàng 32 tuổi chia sẻ "Mấy năm đầu rất tuyệt, được làm đúng chuyên môn ở trường Đại học, biết thêm nhiều thứ mới mẻ. Nhưng một thời gian sau thì công việc dần trở nên nhàm chán, cũng bắt đầu nảy sinh những vấn đề.
Công việc ổn định thâm niên 7 năm cho Quang một thu nhập dư dả nhưng cũng lắm tâm tư thầm kín.
Quang tự nhận thấy không thể phát triển, bị chèn ép. Bản thân Quang lại không muốn gây mất lòng đồng nghiệp nhưng cũng chẳng thoải mái nên quyết định nghỉ việc. Đấy chỉ là 1 lý do. Phần khác là vì mình thấy người sếp lúc đó không đánh giá đúng năng lực nhân viên, thành ra chạnh lòng và muốn tìm nơi khác được công nhận hơn.
Lý do cuối cùng là Quang không thích người ngoài chen vào cuộc sống cá nhân của mình. Chuyện công việc có thể thoải mái trao đổi, góp ý. Chuyện cá nhân thì không nên. Ví dụ sếp và đồng nghiệp luôn hỏi thăm quá nhiều về chuyện "bao giờ lập gia đình, lấy vợ?", đôi khi còn gây sức ép..."
Lúc xin nghỉ, Quang không biết mình sẽ làm gì trong tương lai, tất cả suy nghĩ tập trung về việc làm sao rời công ty sớm nhất có thể. Tình trạng trì trệ không nên kéo dài thêm. Bạn bè, gia đình khá ngạc nhiên với quyết định của chàng trai, song khi biết lý do, mọi người đã ủng hộ nhiệt tình.
Tính đến thời điểm hiện tại Đinh Quang đã gắn bó với công việc nấu đồ ăn bán online được 7 tháng qua một dự án. Tiệm đồ ăn nhỏ được Quang và một người bạn đồng cảnh ngộ chung vốn lập nên. Mọi thứ đến khá ngẫu nhiên, trùng hợp thay Quang thích nấu ăn, nhất là cho gia đình, bạn bè. Bước ngoặt mới giống như định mệnh vậy.
Thời gian đầu Quang phải làm quen với nhiều thứ, nhất là chuyện chuyển từ công việc bàn giấy sang bàn bếp. Tuy nhiên, với tôn chỉ chậm mà chắc, chàng trai từng bước một trau dồi bản thân. Mục tiêu của tiệm ăn vẫn là hướng tới cung cấp những món gần gũi và đảm bảo chất lượng, an toàn nên việc phát triển nhanh quá dễ dẫn tới nhiều sai sót không kiểm soát được.
Chia sẻ thêm về tiệm ăn xinh xắn của mình, Quang cho biết thêm:
"Sẽ có nhiều yếu tố để lựa chọn món đồ ăn làm bán cho khách. Đối với cá nhân mình, Quang chọn món mà bếp làm thật tốt và được nhiều người ưa chuộng. Sẽ có rất nhiều món phải làm rất kỳ công mới ra được sản phẩm ưng ý, ví dụ như để làm ra một mẻ bánh bao thì không chỉ đơn thuần là nhào bột xong chia bột, cán bột, bỏ nhân vào gói thành bánh. Mà khâu chuẩn bị nhân bánh cần rất tỉ mỉ có khi hàng giờ đồng hồ hoặc thậm chí phải chuẩn bị nguyên liệu lâu hơn thế (cả ngày trời). Nhưng Quang tin tưởng công sức mình bỏ ra để chế biến món tốt nhất thì cũng sẽ được ưa chuộng. Kinh doanh thì tất nhiên là cần phải có lợi nhuận nhưng nếu không được khách hàng ưa chuộng thì không thể có doanh thu và lợi nhuận tốt được.
Ngoài ra thì chúng mình cũng luôn cố gắng tìm ra các hướng phát triển để giới thiệu thêm những sản phẩm mới tới khách hàng chứ không chỉ dậm chân tại chỗ. Sẽ cần làm mới, tạo thêm cho khách hàng lựa chọn đa dạng.
Mỗi ngày mình và các bạn sẽ làm gần như mọi việc: Đặt mua nguyên liệu, lấy nguyên liệu từ đầu mối, chuẩn bị bột và nhân, nhào bột, chia bột, cán bột và gói bánh, ủ bánh và hấp, chuẩn bị đơn hàng và đặt giao hàng. Những ngày làm thêm các món ngoài bánh bao thì sẽ phân công người phụ trách để đảm bảo các công việc liên quan tới sản xuất sẽ bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào trước 14h để kịp giao đồ cho khách trong giờ hành chính vì đa số khách hàng là dân văn phòng.
Từng công đoạn làm bánh đều được Đinh Quang tỉ mỉ đến chi tiết nhỏ nhất.
Với bản thân Quang, mình có một vài nguyên tắc như sau. Thứ nhất, đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng không gian bếp và giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình làm đồ ăn là nguyên tắc sống còn. Thứ hai, không nghỉ ngơi cho tới khi làm xong hết các công việc cần thiết của ngày hôm đó, không chờ đợi ai đó sẽ làm thay mình, và thực tế cũng sẽ không có ai làm thay mình cả. Thứ ba, luôn luôn lắng nghe khách hàng để hiểu họ muốn gì, mình có thể phát triển hay thay đổi như thế nào cho phù hợp..."
Được biết, có nhiều cơ quan đã đặt bánh cho bữa xế, thậm chí là bữa trưa tại tiệm của Quang để thay đổi không khí làm việc. Do đó, Quang cũng rất vui vì thu về được một lượng khách ổn định từ nguồn này. Trong tương lai gần, anh chàng hi vọng mức thu nhập tối thiếu là 50 triệu đồng/tháng.
Cuối cùng, Quang thể hiện niềm hứng khởi và hạnh phúc của mình khi trải lòng về kỷ niệm đáng nhớ nhất lúc chuyển việc: "Đó chắc có lẽ là lần đầu tiên mang chiếc bánh mình làm ra cho bố mẹ và người thân thưởng thức (lúc đó mình chưa nói là tự làm ra bánh đó, mà chỉ đưa ra để mọi người ăn). Kết quả là mọi người ăn rất ngon miệng xen lẫn thích thú, trong lòng mình tự thấy sung sướng và tự nghĩ rằng, đây có lẽ chính là con đường đi của mình rồi. Con đường của mình là đem lại cho mọi người những món ăn ngon và để cùng họ thưởng thức một cách mãn nguyện bên nhau."
Chúc Đinh Quang sẽ có một trải nghiệm mới mẻ và đầy đáng nhớ với công việc này!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn