Mái ấm của thai nhi xấu số
2 giờ sáng, nghe tin có thai nhi xấu số tại TP Vinh (Nghệ An) đang được một tình nguyện viên đưa về nghĩa trang Hoa Hồng để chôn cất. Dù đang chìm vào giấc ngủ nhưng sau khi tiếp nhận thông tin, chị Lê Thị Hoa (40 tuổi, trú xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cùng một số người bạn đã liên lạc với nhau cùng lên kế hoạch chôn cất.
Chỉ một lúc sau, hàng chục tình nguyện viên đã có mặt tại nghĩa trang Hoa Hồng, người dọi đèn, đào hố, người chuẩn bị lễ… để chôn cất thai nhi. Xong việc cũng là lúc trời sáng, họ trở về nhà để chuẩn bị bắt đầu công việc của một ngày mới. Dù mệt, mất ngủ nhưng khuôn mặt ai nấy cũng vui vẻ, ấm lòng vì vừa cưu mang thêm một hài nhi xấu số.
Nghĩa trang Hoa Hồng nằm dưới chân một ngọn núi, bên cạnh đập Bung (thuộc thôn 5, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) là nơi an nghỉ của những sinh linh xấu số được các thiện nguyện viên gom nhặt từ nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An về.
Sau hơn 2 tháng xây dựng, nghĩa trang đã tiếp nhận chôn cất 13 thai nhi. 13 ngôi mộ kiên cố, đặt sát cạnh nhau, trên mỗi ngôi mộ đều được đặt tên, ghi rõ ngày, tháng, năm mất. Phía trên có sữa, bim bim, nến và cả đồ chơi. Xung quanh nghĩa trang có đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Khuôn viên được trồng nhiều hoa và cây cảnh. Phía trên tường bao được trang trí chong chóng với đầy đủ màu sắc.
Chị Hoa chia sẻ, nghĩa trang Hoa Hồng là tâm nguyện được chị ấp ủ từ lâu nhưng đến tháng 6/2022 mới có cơ hội thực hiện. Nghĩa trang có tổng diện tích 2000m2 được chị Hoa tự bỏ tiền túi ra mua với giá 120 triệu đồng. Nhờ sự chung sức chung lòng của người thân, bạn bè gần xa và các mạnh thường quân, nghĩa trang Hoa Hồng đã từng bước hoàn thiện với tổng chi phí trên 312 triệu đồng. Trong đó, các mạnh thường quân ủng hộ 120 triệu đồng.
"Ngay khi mới vừa động thổ, nghĩa trang Hoa Hồng đã tiếp nhận thai nhi xấu số đầu tiên. Tôi còn nhớ khi đó là 20 giờ tối, dù vừa đi làm về mệt nhưng tôi cùng các thiện nguyện viên vẫn chong đèn vào nghĩa trang để chôn cất bé ngay trong đêm.
Thường việc chôn cất thai nhi không quy định giờ giấc cụ thể, cứ tiếp nhận là các tình nguyện viên làm thủ tục chôn cất luôn, bất kể nắng mưa hay đêm tối chúng tôi đều cố gắng có mặt đông đủ, kịp thời. Không những thế, cứ chiều chiều, khi kết thúc một ngày làm việc, chúng tôi lại tới đây để cuốc đất, trồng cây, quét dọn, thắp hương", anh Hồ Minh Nam- Chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo huyện Quỳnh Lưu chia sẻ.
Mong muốn thai nhi không còn bị vứt bỏ
Chiều muộn, tôi tìm đến nghĩa trang Hoa Hồng khi mọi người đã tập trung đông đủ để chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho những sinh linh bé nhỏ. Mâm cỗ, trái cây cùng bánh kẹo… được bày sẵn trước 13 ngôi mộ. Mọi người chia nhau làm việc một cách chu đáo, tận tình như bên trong những ngôi mộ kia chính người thân yêu của họ. Tôi cảm nhận được hơi ấm bao quanh cái nơi tưởng chừng rất lạnh lẽo này.
Thắp nén nhang lên từng ngôi mộ, chị Hoa tâm sự "Số phận tôi cũng bất hạnh khi kết hôn gần 20 năm, chữa trị hiếm muộn mãi nhưng ước mơ có mụn con, được làm mẹ vẫn không thành hiện thực. Rồi hôn nhân của tôi cũng đổ vỡ. Tôi tìm niềm vui ở công việc và tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Nghĩa trang Hoa Hồng có lẽ là "duyên nợ". Nơi đây không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn là sự cố gắng, chung sức, chung lòng của rất nhiều mạnh thường quân khác. Hi vọng rằng sắp tới, nhiều người sẽ biết đến nghĩa trang Hoa Hồng để các sinh linh xấu số tội nghiệp được đưa về đây chở che, chăm sóc, không bị vứt bỏ, lạnh lẽo, cô độc nữa".
Mặt trời đã tắt, phố lên đèn, nhiều thiện nguyện viên vẫn miệt mài chăm sóc cho những hài nhi xấu số tại nghĩa trang. Người xách nước từ đập Bung lên tưới cây, người quét dọn, lau chùi các ngôi mộ, thắp hương... Họ cứ thế làm việc tự nguyện, âm thầm, lặng lẽ.... Mồ hôi ướt đẫm vạt áo nhưng ai nấy đều vui vẻ chuyện trò khiến nghĩa trang Hoa Hồng không còn lạnh lẽo như vẻ vốn có.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn