Nghịch lý công viên Hà Nội: Chính quyền đã nỗ lực, người dân cần nâng cao ý thức

07:41 | 26/03/2024;
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng công viên, không gian cộng đồng cho người dân. Khi các công viên được xây dựng theo hướng mở, thì ý thức của người dân cũng phải "mở", phải nâng cao hơn.

Người dân "khát" không gian chung, sân chơi cộng đồng

Tại một sân chơi chung nằm trong khu D của Tập thể Nam Đồng, một cột đèn vừa được lắp thêm. Sau khi có cột đèn, ánh sáng tốt hơn, người dân trong khu ai cũng hài lòng bởi sân chơi có thể sử dụng thêm vào buổi tối. Cộng đồng đã tự phân chia, trẻ em đi học về thì chơi vào buổi chiều, còn muộn hơn thì người lớn tập thể dục. Ban ngày, sân chơi nhỏ liên tục quá tải, đôi khi có trình trạng các em nhỏ đã mâu thuẫn trong việc tranh giành sử dụng sân chơi. Lắp thêm một cột đèn chiếu sáng sân chơi, một động thái nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn và lâu dài cho cả một cộng đồng dân cư.

Tại những công viên "trăm tỉ" như công viên âm nhạc Đô Nghĩa, công viên Thiên văn học, ngay sau khi mở cửa hoạt động, cả một diện tích rộng đã kín người. Người dân từ nhiều khu vực khác đổ về các công viên này. Hai công viên nằm giữa những khu đô thị mới, và thực sự chỉ khi có một không gian thoáng đãng hơn, nơi cộng đồng dân cư có thể "hít thở", tập thể dục, khu đô thị mới thực sự mới mang diệm mạo "đáng sống" hơn. 

Nghịch lý công viên Hà Nội: Chính quyền đã nỗ lực, người dân phải nâng cao ý thức- Ảnh 1.

Những công viên vừa mở đông chật người mà minh chứng cho việc người dân Thủ đô vẫn đang thiếu các không gian cộng đồng

Cảnh hàng trăm người đổ về một công viên mới mở minh chứng rõ cho việc người dân Thủ đô vẫn đang "khát" những không gian công cộng, những sân chơi cộng đồng. Theo thống kê của Sở Xây dựng, không gian công cộng tính trên đầu người của Hà Nội vẫn còn thấp. Tại các thành phố lớn khác trên thế giới và trong khu vực, không gian công viên viên cho người dân là 7 đến 9 m2/người. Tại Hà Nội, con số chỉ là 1 đến 2 m2/người. Những quận đông dân như Hoàn Kiếm chỉ là 0,2 m2/người. Trong quy hoạch, thành phố hướng đến mục tiêu sẽ có 4 đến 4,5 m2/người về không gian công cộng vào năm 2030. Bên cạnh nâng cao diện tích, thành phố Hà Nội hướng đến việc nâng cấp khi xây dựng hoàn thiện thêm nhiều công viên mới, cải tạo công viên cũ. Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ người dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề.

Thông tin từ UBND Thành phố Hà Nội, Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiên có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do TP và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý.

Thành phố Hà Nội đã đề ra và xúc tiến thực hiện "Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 6/9/2021 về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025", UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, Thành phố Hà Nội liên tục có những văn bản, động thái xúc tiến thực hiện đẩy mạnh xây dựng công viên, không gian cộng đồng, tạo dựng các không gian xanh

Không khí Hà Nội liên tục trong tình trạng ô nhiễm, xu hướng sống xanh, quan tâm đến sức khỏe ngày càng lớn hơn là những lí do cộng đồng càng ngày càng cần hơn những không gian xanh. 

Những khó khăn trong việc xây dựng, cải tạo công viên

Với việc phát triển đô thị hóa nhanh, mức tăng dân số cơ học vượt quá những chỉ tiêu quy hoạch, thực trạng của Hà Nội là nhiều năm qua phải đối mặt với tình trạng thiếu các công viên quy mô lớn, không gian vui chơi hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong kế hoạch của thành phố giai đoạn 2022-2025, Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc, giải quyết để hoàn thành 6 công viên với diện tích hàng trăm ha đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư. 

Đầu năm 2024, với việc 2 công viên lớn là công viên âm nhạc Đô Nghĩa và công viên thiên văn học mở cửa, thành phố "tiến thêm một bước" trong những mục tiêu hướng tới. Hai công viên này là của doanh nghiệp xây dựng rồi bàn giao lại cho chính quyền quản lý. Bên cạnh mục tiêu phục vụ cho cộng đồng dân cư tại khu vực mà họ xây dựng, việc mở cửa công viên còn đóng góp chung cho cộng đồng. 

Tuy nhiên, rất nhiều công viên vẫn còn nằm trong tình trạng đã gần hoàn thiện mà chưa thể mở cửa, chẳng hạn như Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Lí do lại đến từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. 

Hà Nội cũng đã có quy hoạch xây dựng lại, nâng cấp những công viên cũ từ lâu, hiện trạng xuống cấp. Ba công viên là Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ lệ sẽ được cải tạo theo hướng mở. Các công viên này đều nằm ở trung tâm, đã có tuổi đời nhiều chục năm. Các công viên này mới chỉ được sửa chữa, cải tạo qui mô nhỏ.

Nghịch lý công viên Hà Nội: Chính quyền đã nỗ lực, người dân phải nâng cao ý thức- Ảnh 2.

Nhà dành cho bảo vệ trong công viên Thiên văn học. Để duy trì bảo dưỡng, chăm sóc một công viên rộng hàng chục ha, sẽ cần rất nhiều nhân lực và chi phí.

Một vấn đề lớn đặt ra là việc xây mới, cảo tạo các công viên rồi sau đó là duy tu, bảo trì, bảo dưỡng đều tốn chi phí và nguồn lực rất lớn. Thành phố Hà Nội đã thúc đẩy phương án xã hội hóa. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được khai thác kinh doanh phần công trình xây dựng (mật độ xây dựng 5%) để thu hồi vốn, nhưng phải tự duy tu, duy trì, quản lý vận hành toàn bộ công viên để phục vụ nhân dân, nên chưa thu hút nhà đầu tư quan tâm.

Các nhà quy hoạch, các chuyên gia xây dựng đều cho rằng xu hướng mở, hiện đại hóa các công viên sẽ xu hướng chính trong việc xây dựng các công viên, không gian công cộng. Thực tế đã cho thấy, việc được xây dựng theo xu hướng này là điều tất yếu, các công viên thực sự trở thành không gian cộng đồng và phát huy hiệu quả phục vụ cộng đồng tốt hơn. 

Nghịch lý công viên Hà Nội: Chính quyền đã nỗ lực, người dân phải nâng cao ý thức- Ảnh 3.

Khi các công viên mở hoàn toàn, miễn phí hoàn toàn, đã được nâng cấp, thì ý thức cộng đồng khi sử dụng là rất quan trọng

Qua thực tế khảo sát, ý thức cộng đồng khi sử dụng những công trình chung của cộng đồng lại là vấn đề không nhỏ và rất quan trọng. Một không gian rộng lớn, mới mẻ, được đầu tư tốt và theo hướng mở hoàn toàn cho người dân, thì cần ý thức tốt hơn của cả cộng đồng. Với các công viên mới này, chủ đầu tư sẽ cần một nguồn lực lớn về công sức con người và chi phí để duy trì tốt cho công viên. Trong khi nguồn lực này còn hạn chế, nếu ý thức chung của cộng đồng người dân không tốt, không gian chung lập tức phát sinh vấn đề. Việc công viên mới, đầu tư cả trăm tỉ vừa sử dụng đã bắt đầu hư hỏng nhiều hạng mục hay nhà vệ sinh bốc mùi, bẩn kinh khủng đến từ sự thiếu ý thức của nhiều người dân. Khi các công viên được xây dựng theo hướng mở, thì ý thức của người dân cũng phải "mở", phải nâng cao hơn. 

Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố hiện đại, đáng sống, trở thành "thành phố xanh". Mỗi công viên được mở giống như một món quà dành cho cộng đồng. Những không gian mới được mở ra, đó là sự nỗ lực cố gắng của chính quyền thành phố, nhưng bên cạnh đó, ý thức cộng đồng cho những không gian cộng đồng cũng phải được nâng cao.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn