Nhiều bậc phụ huynh cho rằng đánh vào mông của con chỉ gây đau chứ không nguy hiểm gì cho trẻ. Thế nhưng, một nghiên cứu tâm lý của tại Đại học New Hampshire năm 2014 lại chứng minh điều ngược lại.
Giáo sư Murray Straus cùng cộng sự đã nghiên cứu 7.000 gia đình tại Hoa Kỳ cùng các dữ liệu tại 32 quốc gia khác đưa ra những kết luận bất ngờ về hệ quả của hình phạt đòn roi, đánh, phát vào mông của trẻ.
Đánh vào mông trẻ là cách trách phạt phổ biến trong lịch sử và nhiều nền văn hóa. Ảnh minh họa: CNN
Nghiên cứu chỉ ra rằng đánh vào mông và đánh đòn nói chung có tác dụng giúp trẻ khắc phục các hành vi xấu ngay lập tức. Những trận đòn này làm suy yếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, làm tăng khả năng đứa trẻ lớn lên sẽ tiếp tục đánh đập con cái, bạn đời hay thậm chí là dùng lại bạo lực với chính cha mẹ.
Nghiêm trọng hơn, thường xuyên bị đánh đòn còn liên quan tới việc trẻ bị chậm phát triển về nhận thức, gia tăng các hành vi chống đối xã hội như phạm tội, bốc đồng, hung hãn, coi thường người khác và thiếu khả năng đồng cảm.
Chính những cơn đau về thể xác đã kích thích những bất ổn về tinh thần này ở trẻ sau này. Ảnh minh họa: Today
Theo tiến sĩ y khoa Payal Kohli từ Đại học Colorado, chỉ riêng việc cho trẻ nhìn thấy những hành động này cũng đủ khiến chúng trở nên hung hăng hơn. Một nhóm trẻ 7 tuổi đã được xem đoạn phim về hình phạt đánh vào mông, nhóm còn lại xem video về một hình phạt không bạo lực. Kết quả là khi được đưa ra chơi với một chú chó, nhóm trẻ xem video bạo lực có biểu hiện hung hăng hơn thấy rõ.
"Tính đến năm 2014, đã có hơn 20 quốc gia cấm cho mẹ đánh đập trẻ em. Không bị cha mẹ đánh đòn nên là quyền cơ bản đối với trẻ em" - Giáo sư Murray Straus cho biết.
Đánh đòn có thể khiến trẻ tuân thủ yêu cầu của bố mẹ ngay lập tức nhưng về lâu dài trẻ sẽ không thể tiến bộ lên. Nhất là khi trẻ bị đánh mà không biết mình đã làm gì sai và nên làm gì vào những lần sau.
Thiết lập kỷ luật tích cực bằng các hình thức phạt không bạo lực là điều mà Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến khích. Thực tế những hình phạt này cũng mang tới hiệu quả không hề kém cạnh so với đòn roi.
1. Giải thích và làm mẫu:
Cha mẹ nên dạy trẻ biết đúng sai bằng lời nói và hành động bình tĩnh. Cha mẹ lưu ý tuân thủ chính những luật lệ, yêu cầu mà mình đặt ra để làm hình mẫu cho con. Ví dụ thay vì nhắc con "chào cô đi con", tại sao cha mẹ không lên tiếng chào trước để con làm theo?
Có rất nhiều hình phạt an toàn với sức khỏe tinh thần của trẻ. Ảnh minh họa: Positive Parenting Solutions
2. Cho con tự chịu hệ quả
Không phải lúc nào cha mẹ cũng nên can thiệp và trách phạt con vì hành động xấu. Đôi khi các phụ huynh cũng nên để con tự trải nghiệm hậu quả của những hành động này, miễn là chúng không nguy hiểm.
Ví dụ, nếu đứa trẻ cố tình làm rơi đồ ăn, bé sẽ không còn thức ăn nữa. Nếu đứa trẻ ném phá đồ chơi, bé sẽ sớm không có đồ chơi nữa nếu cha mẹ không mua đồ mới. Không lâu nữa, bé sẽ học được cách trân trọng đồ ăn và cẩn thận hơn với đồ chơi của mình.
3. Phạt cấm túc
Công cụ này đặc biệt phù hợp khi trẻ phạm vào một lỗi cụ thể nào đó. Cha mẹ hãy nhắc nhở chúng về việc chúng làm sai - ngắn gọn và ít cảm xúc nhất có thể - sau đó tịch thu món đồ yêu thích, cấm trẻ tham gia một hoạt động nào đó hoặc ở trong phòng một mình tự suy nghĩ trong một khoảng thời gian ngắn.
Một số gia đình nên có "hộp phạt" để trẻ bỏ những món đồ chơi yêu thích của chúng vào hộp, không được chơi nữa, khi chúng có lỗi. Chiến lược này có thể giúp trẻ học các kỹ năng tự quản lý bản thân. Khi áp dụng, cha mẹ phải thật nghiêm khắc và không nhượng bộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn