Theo tạp chí trực tuyến giáo dục nhi khoa Mỹ The Journal of Perinatal Education (JPE), sữa bột trẻ em ra đời vào thế kỷ 19 để đáp ứng sự thay đổi trong đời sống kinh tế-xã hội, giúp phụ nữ có thêm thời gian để đi làm hoặc cho nhóm không thể cho con bú bằng sữa mẹ. Mặc dù không có trẻ sơ sinh nào được sinh ra trong không gian, thậm chí được mang thai trong không gian nhưng theo NASA, nghiên cứu của họ về không gian đã tạo ra bước đột phá dẫn đến việc tăng giá trị dinh dưỡng cho sữa bột trẻ em hay sữa công thức (baby formula).
Trong hàng nghìn năm, cách duy nhất để đưa thức ăn bổ dưỡng vào miệng trẻ sơ sinh là qua nguồn sữa mẹ bằng cách cho trẻ bú. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng có thể cho con bú được nên giải pháp có thể là để đứa trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc để một người phụ nữ khác cho bú thay theo kiểu nhũ mẫu. Cũng theo JPE, điều này đã tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ nhưng vào thế kỷ 19, khi kinh tế ở châu Âu phát triển, đồng nghĩa với việc phụ nữ nghèo phải đi làm thay vì ở nhà nuôi con, vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh trở thành một chủ đề "nóng" được dư luận quan tâm. Cũng trong thời gian này, những tiến bộ trong công nghệ bảo quản thực phẩm đã giúp kéo dài thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm dễ hư hỏng, bao gồm cả các sản phẩm từ sữa. Kết quả, theo tạp chí Contemporary Pediatrics, vào năm 1860, nhà hóa học người Đức Justus von Liebig đã nghiên cứu, phát triển thành công thức ăn thương mại đầu tiên cho trẻ em, tiền thân của sữa công thức ngày nay.
Tại Mỹ, việc ra đời sữa bột trẻ em kèm theo những tranh cãi bất phân thắng bại về hàm lượng dinh dưỡng. Đối với một số gia đình, sữa bột là một sản phẩm cần thiết, mặc dù thực tế việc sử dụng nó có liên quan đến một số bệnh ở trẻ em, gồm bệnh đái tháo đường và béo phì. Cộng đồng nhi khoa cho rằng sữa mẹ là tốt nhất nhưng nhiều phụ nữ không thể nuôi con bằng sữa mẹ thì cảm thấy họ như bị thương, thậm chí là xấu hổ vì bản thân không thể làm được điều này.
Bất kể những hạn chế của sữa bột, có ít nhất một chất dinh dưỡng là thành phần quan trọng của tất cả các loại sữa công thức dành cho trẻ em được sản xuất hàng loạt ở Mỹ từ những năm 1990. Đó là DHA, một axit béo omega-3. Theo NASA, họ đã xem xét các loại thực phẩm và các sản phẩm gần gũi với thực phẩm có thể được thực hiện trong các nhiệm vụ không gian dài ngày. Ví dụ, các chuyến bay tới sao Hỏa sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài tháng. Vì vậy, việc giữ thực phẩm ổn định và đủ dinh dưỡng là rất quan trọng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu của NASA đã tìm kiếm nguồn DHA và bắt đầu xem nó như một chất dinh dưỡng trong các chuyến bay vũ trụ dài ngày. Chất dinh dưỡng đó cũng có lợi cho trẻ sơ sinh, cả trong tử cung và khi trẻ đang bú mẹ. Kể từ năm 1994, chất dinh dưỡng này đã được thêm vào các loại sữa công thức dành cho trẻ em được sản xuất hàng loạt. Theo NASA, dưỡng chất này giúp trẻ sơ sinh "phát triển não, mắt và tim khỏe mạnh".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn