Làm thế nào để sống khỏe, trường thọ luôn là vấn đề được tất cả mọi người quan tâm. Có những người không tiếc tiền chi cho thuốc bổ, thực phẩm chức năng… với hy vọng kéo dài tuổi thọ. Nhưng không phải ai cũng biết rằng cải thiện lối sống, duy trì những thói quen tốt có thể giảm nguy cơ tử vong, sống khỏe và sống thọ hơn.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số sống thọ nhất trên thế giới nhờ lối sống lành mạnh (Ảnh minh họa)
Một báo cáo khoa học về vấn đề này được đăng tải trên tạp chí nổi tiếng nước ngoài "Age and Aging" (Tuổi tác và Lão hóa) đã nhận được sự quan tâm rất lớn. Bởi nghiên cứu này được thực hiện trong khoảng thời gian rất dài, cụ thể là 20 năm trên gần 50 nghìn người trên khắp Nhật Bản.
Trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Hiroyasu Iso, một chuyên gia y tế công cộng giảng dạy và làm việc lâm sàng tại Trường Y cùng bệnh viện thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản).
Các trường hợp tham gia nghiên cứu đến từ 45 khu vực của Nhật Bản, với tổng số 49.021 người, độ tuổi trung bình là 56,8 tuổi và 43,7% là nam giới. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên trên thông tin chi tiết tiết về thói quen sinh hoạt hàng ngày của từng người. Bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục, uống rượu, hút thuốc, giấc ngủ và chỉ số khối cơ thể…
Cuối cùng, nghiên cứu chỉ ra được 8 thói quen tốt nhất để giảm nguy cơ tử vong, kéo dài tuổi thọ. Đó là:
- Ăn trái cây ít nhất một lần một ngày, hoặc ít nhất bảy lần một tuần.
- Ăn cá ít nhất một lần một ngày, hoặc ít nhất bảy lần một tuần.
- Hầu như ngày nào cũng uống sữa.
- Tập thể dục thường xuyên: Đi bộ ít nhất nửa giờ mỗi ngày và tập thể dục ít nhất 5 giờ mỗi tuần.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong phạm vi tiêu chuẩn bình thường. Cụ thể, theo Hiệp hội đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) thì với người châu Á là từ 18,50 - 22,9. Còn theo phân loại quốc tế (WHO) thì tiêu chuẩn này ở nằm trong khoảng 18,5 - 24,9.
- Không hút thuốc: Chưa bao giờ chạm vào thuốc lá hoặc từng hút thuốc nhưng hiện đã bỏ thuốc.
- Không bao giờ uống rượu hoặc uống một lượng nhỏ rượu.
- Ngủ đủ giấc: mỗi đêm ngủ từ 5,5 tiếng đến 7,4 tiếng.
Giáo sư Hiroyasu Iso cho biết, nghiên cứu này đã chứng minh rằng 8 thói quen vừa kể trên tác động rất lớn tới sức khỏe và tuổi thọ của con người. Theo đuổi tuổi thọ không quá khó, nó nằm ở việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Trong quá trình nghiên cứu dài 20 năm, đã có 9.865 người tử vong, bao gồm 5.824 nam và 4.041 nữ. Sau khi kiểm soát các biến gây nhiễu có thể xảy ra, kết quả cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa thói quen sống lành mạnh với việc giảm nguy cơ tử vong và tăng tuổi thọ.
Điều này không chỉ đúng với những người khỏe mạnh mà còn có tác dụng với cả những người tham gia nghiên cứu mà mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Đối với nam giới, phân tích sâu hơn cho thấy so với những người chỉ có từ 0 đến 2 thói quen sống lành mạnh thì những người có từ 3 đến 8 thói quen sống lành mạnh ở trên có nguy cơ tử vong thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, người có 3 hoặc 4 trên 8 thói quen sẽ giảm được 12% tỷ lệ tử vong, với 5 thói quen thì con số này là 15%, có 6 thói quen sẽ là 32%. Con số này thậm chí lên tới 40% ở những người có 7 thói quen và đạt 47% ở người duy trì đủ cả 8 thói quen lành mạnh đã kể trên.
Đối với phụ nữ, số liệu có chút khác biệt dù dùng cùng một phương pháp so sánh. Cụ thể, người có 3 hoặc 4 thói quen sẽ giảm được 13% nguy cơ tử vong. Nhưng nếu nâng lên 5 thói quen tốt thì con số lên tới 26%, với 6 thói quen sẽ là 33%, 7 thói quen là 38% và nếu duy trì đủ cả 8 thói quen tốt thì sẽ giảm được 44% nguy cơ tử vong.
Giải thích về hiệu quả kéo dài tuổi thọ mà 8 thói thói quen này mang lại, Giáo sư Hiroyasu Iso lấy nhóm 40 tuổi làm ví dụ. Ông cho biết, tuổi thọ còn lại của nam và nữ có từ 7 đến 8 thói quen sống lành mạnh lần lượt là 46,5 tuổi ở nam và 51,3 tuổi ở nữ. So với nam giới và phụ nữ chỉ có từ 0 đến 2 thói quen sống lành mạnh, họ sống lâu hơn lần lượt là 5,3 năm ở nam và 6,2 năm ở nữ.
Đặc biệt, tác dụng tăng tuổi thọ này có xu hướng mở rộng cho nhóm người cao tuổi. Ví dụ, người già trên 80 tuổi, cũng sử dụng phương pháp so sánh trên, tuổi thọ còn lại sẽ tăng thêm lần lượt là 4,4 năm ở nam và 2,2 năm ở nữ.
Xây dựng thói quen tốt càng sớm thì càng giảm được nguy cơ bệnh tật và sống thọ hơn (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, cho dù bạn mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, ung thư hay thậm chí mắc nhiều bệnh cùng lúc thì càng có nhiều thói quen sinh hoạt lành mạnh thì tuổi thọ còn lại của bạn càng được kéo dài hơn.
Giáo sư Hiroyasu Iso đưa ra số liệu ở nhóm tuổi 50. Những người người mắc 1, 2 và cùng lúc 3 bệnh mạn tính khi chỉ có từ 0 đến 2 thói quen sống lành mạnh thì tuổi thọ còn lại lần lượt là 34,3 năm, 30,8 năm và 25,3 năm. Nếu có ít nhất 6 thói quen sống lành mạnh, tuổi thọ sẽ được kéo dài thêm lần lượt là 6,9 năm, 8,3 năm và 8,7 năm.
Điều này nghĩa là dù có bệnh tật hay đã cao tuổi thì việc bắt đầu các thói quen tốt vẫn giúp ích rất nhiều cho kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức khỏe. Thách thức lớn nhất nằm ở việc không chỉ là xây dựng những thói quen lành mạnh mà còn cần duy trì chúng lâu dài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn