Loại nấm ''ăn'' nhựa mang tên Pestalotiopsis Microspora đã được các sinh viên Đại học Yale phát hiện ra từ năm 2012. Đúng như cái tên của nó, đây là một loại nấm quý hiếm có thể sống sót chỉ bằng cách ''ăn'' nhựa. Loại nấm đặc biệt này mọc trong rừng nhiệt đới Amazon và biến polyurethane (thành phần chính trong sản xuất nhựa) thành chất hữu cơ.
Nấm Pestalotiopsis Microspora có thể sống mà không cần oxy. Chính đặc điểm này đã khiến các nhà khoa học đi đến một kết luận thú vị: những cây nấm này có thể được nhân giống ở đáy các bãi chôn lấp rác.
Nếu loại nấm ''ăn'' nhựa này được nhân giống tại các bãi ủ phân công cộng, con người chắc chắn sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực trong việc giải quyết rác thải nhựa.
Nhưng ngoài kia tồn tại một thực tế kinh hoàng hơn về rác thải nhựa, đó là một bãi rác khủng lồ rộng gấp đôi bang Texas (Mỹ) theo đúng nghĩa đen đang trôi nổi trên Thái Bình Dương.
Ông Laurent Lebreton làm việc tại Tổ chức Dọn dẹp đại dương nhấn mạnh: “Trừ khi chúng ta bắt tay vào gỡ bỏ nó (núi rác trôi nổi trên Thái Bình Dương), không thì nó có thể sẽ tồn tại mãi mãi”.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta sử dụng nấm ''ă'n'' nhựa Pestalotiopsis Microspora ở quy mô khổng lồ này? Liệu những cây nấm đói sẽ vươn lên “ăn” cả các núi rác nhựa không? Và chúng ta sẽ làm gì sau khi chúng bùng nổ trên đống rác thải nhựa?
Câu trả lời đã có và nằm trong chính tay của mẹ thiên nhiên, đó là con người có thể ăn được một số loại nấm ''ăn'' nhựa.
Nhà nghiên cứu Katharina Unger của Đại học Utrecht đã nghĩ ra một mô hình tuyệt vời, có tên là F Faii Mutarium. Đây là một môi trường hình vòm được kiểm soát khí hậu. Trong đó có một cốc thạch chứa đầy rác thải nhựa và bào tử nấm hàu.
Trong vòng một tháng, dưới những điều kiện được kiểm soát, rễ nấm này đã tiêu thụ và biến chất cốc chất thải nhựa thành “nguồn lương thực” cho chúng mà không hề tích lũy độc tố chỉ trong vòng một vài tuần. Sau một vài tháng, chất thải nhựa đã bị phân hủy hoàn toàn và đồng hóa vào nấm. Đây là một bước tiến phi thường về tốc độ phân hủy khi nhựa có thể mất tới 400 năm để tự phân hủy.
Một điều đáng kinh ngạc nữa là, Unger tiết lộ, sản phẩm cuối cùng thậm chí có thể ăn được toàn bộ. Unger còn chia sẻ nó có “vị ngọt của cây hồi hay cam thảo”.
Sau đó, các nghiên cứu tiếp tục đi theo hướng vậy có hay không tất cả các loại nấm ''ăn'' nhựa đều có thể ăn được. Thậm chí, các nhà khoa học còn nghĩ đến một mục tiêu cao cả hơn là giải quyết nạn đói trên khắp thế giới.
Ước tính có khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới không có thức ăn mỗi ngày, vì vậy một nguồn thực phẩm bổ dưỡng nuôi sống từ chất thải không thể tái tạo có khả năng sẽ là giải pháp cho một trong những vấn đề tàn khốc nhất thế giới này.
Tại sự kiện State of the World’s Fungi 2018 ở London, Anh, các nhà khoa học còn xác định thêm được một công dụng thú vị khác của các loại nấm ''ăn'' nhựa. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy sau khi loại nấm này chuyển đổi polyurethane thành chất hữu cơ, nó còn có thể được sử dụng để tạo ra những viên gạch nấm - một vật liệu xây dựng bền vững.