Dầu cá được các chuyên gia Học viện Khoa học Y tế Quảng Đông (Trung Quốc) đưa vào nghiên cứu nhờ tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch với nguồn axit béo omega-3 DHA và EPA và được cho là tạo ra ít chất trung gian tiền viêm hơn nên có thể giảm các triệu chứng của nhiễm trùng.
Vì nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng nên các chuyên gia cũng cho biết rằng cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu thêm những lợi ích có thể có của việc dùng dầu cá như thế nào đối với sức khỏe của hệ miễn dịch.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu xem xét các dữ liệu liên quan tới Covid-19 và dầu cá. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng việc bổ sung axit béo omega-3 có thể góp phần trong việc giúp người bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng được cải thiện hơn.
Hao Chen, Phó Giáo sư tại Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Kết quả từ các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa việc bổ sung dầu cá và các kết quả liên quan đến COVID-19 vẫn đang gây tranh cãi".
Cụ thể, PGS. Chen giải thích rằng trong khi các nghiên cứu trước đây đã đề xuất tới vai trò của các chất bổ sung như dầu cá trong việc chống lại nhiễm trùng do Covid nhưng vẫn có sự hạn chế của các số liệu thống kê kèm theo đó hoặc do sai sót từ các mẫu thử hay nghiên cứu không đủ độ phủ.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu việc bổ sung dầu cá giàu axit béo omega-3 có liên quan tới việc đem lại kết quả tốt hơn trong điều trị Covid-19 hay không từ dữ liệu của 110.000 người trưởng thành. Các dữ liệu bao gồm việc có hay không sử dụng dầu cá, mức độ nhiễm trùng,...
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bổ sung dầu cá dường như ít gặp triệu chứng Covid-19 hơn. Trong số những người tham gia bị nhiễm Covid-19 thì người dùng dầu cá ít có nguy cơ phải nhập viện điều trị hay tử vong do Covid hơn.
Tuy nhiên, việc bổ sung dầu cá này không liên quan tới việc giảm nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Điều quan trọng là nghiên cứu này được thực hiện trước khi xuất hiện biến thể Omicron nên kết quả này có thể bị ảnh hưởng.
2. Dầu cá có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng khác không?
Khi chúng ta đang bước vào mùa cúm, Covid-19 chắc hẳn không phải là căn bệnh nhiễm trùng duy nhất do virus gây ra mà bạn cần phòng ngừa. Câu hỏi lúc này được đặt ra đó là. liệu dầu có giúp gì trong việc chống lại các nhiễm trùng khác không?
PGS.Chen cho biết: "Một số bằng chứng đã chứng minh rằng bổ sung dầu cá với chức năng điều hòa miễn dịch mạnh mẽ có khả năng đem lại lợi ích cho việc ngăn ngừa nhiều bệnh đường hô hấp, bao gồm cả hen suyễn và cảm lạnh thông thường".
Tuy nhiên, ông cũng cánh báo về đặc tính "chống viêm" của dầu cá (các acid béo omega-3 làm giảm các dấu ấn sinh học của phản ứng viêm, chẳng hạn như protein phản ứng C (CRP) hay interleukin 6) có thể ngăn chặn các phản ứng chống viêm cần thiết của cơ thể khi chống lại sự xâm nhập của virus. Chính vì lý do này mà cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn từ nguồn dữ liệu lớn hơn để biết chắc chắn rằng dầu cá có thể và không thể làm gì.
Bạn có nên bổ sung dầu cá hàng ngày để giúp ngăn ngừa bệnh Covid tiến triển nghiêm trọng nếu nhiễm không?
Chuyên gia dinh dưỡng Elana Natker cho biết: "Bạn nên bổ sung EPA và DHA hàng ngày vì nó tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn. Còn đối với Covid-19 nếu nó đem lại hiệu quả thì đó là tín hiệu tốt".
Tuy nhiên, Natker cũng nhấn mạnh rằng trước khi tự ý bổ sung bất kì một chất bổ sung nào bạn nên liên hệ với bác sĩ về tiền sử bệnh, thuốc đang sử dụng và cả chế độ ăn uống của mình. Nếu bạn đang theo một chế độ ăn thuần chay hay muốn tránh dầu cá thì thực phẩm bổ sung DHA omega-3 dựa trên tảo có thể là một lựa chọn thay thế.
Một số nguồn thực phẩm được biết đến chứa nhiều các acid béo omega-3 có thể kể đến gồm:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích, cá mòi dầu
- Gan của các loài cá trắng như cá bơn hay cá tuyết
- Mỡ của cá voi hay hải cẩu
- Dầu cá có trong cá tuyết, cá ngừ, cá bơn, cá tuyết chấm đen.
Ngoài ra, ALA còn có thể được tìm thấy nhiều trong các loại hạt và các loại dầu như hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó, dầu hạt echium, dầu hạt cải và dầu đậu nành. Nguồn ALA này là nguyên liệu chính được cơ thể sử dụng để tổng hợp nên các acid béo omega-3 khác.
Do sự chuyển đổi từ ALA sang các dạng acid béo omega-3 khác như DHA và EPA có hiệu suất thấp. Vì vậy, mọi người được khuyến khích kết hợp sử dụng các loại thức ăn giàu ALA, EPA và DHA.
Bên cạnh đó, còn có vô số những chất bổ sung EPA và DHA luôn có sẵn để lựa chọn. Chúng có thể đáp ứng đáng kể so với nhu cầu sử dụng omega-3 mỗi ngày. Trong số đó, dầu cá là dạng chất bổ sung omega-3 phổ biến nhất, có thể được sử dụng cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn