Một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra những lưu ý khiến bạn phải suy nghĩ lại về giấc ngủ của mình. Theo đó, các nhà khoa học chỉ ra rằng những người ngủ lâu hơn 8 tiếng mỗi đêm thường có mối liên hệ đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hoặc tử vong sớm.
Các nhà khoa học đã tổng hợp 74 nghiên cứu hiện có từ năm 1970 đến 2017, bao gồm 3,3 triệu người tham gia.
Trong trường hợp này, các nghiên cứu hiện tại đã sử dụng sổ đăng ký dân số, giấy chứng tử, bảng câu hỏi, phỏng vấn và hồ sơ y tế để thu thập thông tin về bệnh tim mạch và sức khỏe. Để có được thông tin về thời gian ngủ, họ đã sử dụng bảng câu hỏi hoặc phỏng vấn.
Và theo đó, họ nhận thấy rằng việc ngủ hơn 8 tiếng mỗi ngày có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cụ thể chỉ số sẽ tăng lên mức 17% nếu ngủ 9 tiếng và tăng 23% nếu ngủ 10 tiếng.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy mối liên hệ giữa thời gian ngủ dài hơn và khả năng tăng nguy cơ tử vong sớm lên gấp 23% trong 9 giờ, tăng 52% trong 10 giờ và tăng 66% nếu ngủ 11 giờ.
Tuy nhiên, thời gian ngủ dưới 7 giờ cũng liên quan đến đột quỵ, nhưng ở mức độ thấp hơn so với thời gian ngủ dài hơn. Ngủ 5 tiếng có liên quan đến nguy cơ đột quỵ tăng 29%, so với mức tăng 41% khi ngủ 10 tiếng.
Chất lượng giấc ngủ kém không liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong sớm, nhưng nó có liên quan đến việc tăng 44% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhưng đó là các hành vi mà có thể thay đổi được, còn yếu tố đề cập ở đến chính là việc tập thể dục không đủ hay còn gọi là lười vận động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lối sống ít vận động làm tăng tất cả các nguyên nhân gây tử vong, tăng gấp đôi khả năng mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư ruột kết, huyết áp cao, loãng xương, rối loạn lipid, trầm cảm và lo lắng.
Việc một người vừa ít vận động vừa ngủ quá 9 tiếng mỗi ngày sẽ có hại cho cơ thể tương tự như việc sử dụng thuốc lá và rượu bia.
Tiến sĩ Melody Ding, một trong những tác giả của nhóm nghiên cứu cho biết: "Khi bạn vừa lười tập thể dục, ngồi lâu và ngủ quá nhiều, nó sẽ gây hại gấp 3 lần tới cơ thể."
Các nhà khoa học đã phân tích hành vi, lối sống làm tăng nguy cơ mắc bệnh như hút thuốc, uống rượu quá mức, ăn uống kém và không tập thể dục. Bên cạnh đó, họ cũng bổ sung thêm tác hại của các yếu tố ngồi quá nhiều, quá ít hoặc ngủ nhiều.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các nhóm kết hợp khác nhau của các yếu tố gây hại này để xác định các nhóm kết hợp nào có khả năng làm tăng nguy cơ tử vong cao nhất. Kết quả cho thấy: giấc ngủ kéo dài, ngồi nhiều và ít vận động là bộ ba nguy hiểm chết người.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thiếu ngủ, ít hơn 7 tiếng mỗi đêm cũng làm tăng nguy cơ tử vong sớm gấp 4 lần, khi kết hợp với hút thuốc lá và uống rượu nhiều. Cụ thể việc ngủ không đủ mỗi đêm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thể chất và tâm lý, đồng thời làm tăng các nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính khác như tiểu đường loại 2.
Một số kết hợp đáng lo ngại khác bao gồm:
- Không tập thể dục và ngủ quá nhiều
- Không tập thể dục và ngồi quá lâu
- Hút thuốc lá và uống rượu nhiều.
"Hầu hết người trưởng thành cần ngủ khoảng 7-9 tiếng mỗi đêm nhưng nhu cầu ngủ của từng cá nhân có thể khác nhau rất nhiều. Bạn hãy luôn đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc để cảm thấy sảng khoái, có đủ năng lượng để duy trì việc học tập và làm việc trong một ngày", hai tiến sĩ Stephanie Centofanti và Siobhan Banks trong nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn