Các nhà khoa học chính của nghiên cứu này, Donald W.Schaffner (Tiến sĩ tại Đại học Rutgers) cho biết, ngay cả khi bạn dọn dẹp nhà bếp sau khi nấu ăn thì các vi khuẩn có hại vẫn có thể ẩn náu ở những nơi không ngờ tớ. Salmonella, E. coli và các vi khuẩn khác có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy hoặc tử vong có thể tồn tại trên bề mặt bếp trong nhiều tháng.
Theo nghiên cứu này thì hộp đựng gia vị có thể là vật dụng dễ gây hại nhất trong nhà bếp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở các loại hộp có tay cầm cũng dễ bị nhiễm bẩn nhưng ở mức độ thấp hơn so với hộp đựng gia vị.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Rutgers và Đại học Bang North Carolina viết: “Người ta ước tính rằng 1/5 trường hợp mắc bệnh do thực phẩm gây ra trong nhà. Tuy nhiên, cách thức các mầm bệnh di chuyển trong môi trường nhà bếp khi mọi người chế biến thức ăn vẫn chưa được hiểu rõ:.
Đối với nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã phân tích hành vi của 371 người nấu cùng một công thức bánh mì kẹp thịt gà tây giống hệt nhau trong một số nhà bếp với nhiều quy mô khác nhau, từ bếp kiểu căn hộ nhỏ đến bếp ăn lớn hơn. Những người tham gia, không biết về mục đích của nghiên cứu, đã chuẩn bị một bữa ăn bao gồm chả gà tây xay sống với cùng công thức gia vị như được đưa và một món salad ăn liền.
Để mô phỏng sự di chuyển của mầm bệnh trong bếp, các nhà nghiên cứu đã cấy vào thịt trước một loại vi khuẩn (được gọi là "MS2") để phục vụ như một chất đánh dấu an toàn. Bacteriophages là loại virus lây nhiễm vi khuẩn và không ảnh hưởng đến con người.
Sau khi bữa ăn đã được chuẩn bị xong, nhóm nghiên cứu sẽ quét dụng cụ nhà bếp, khu vực lau chùi, bề mặt bếp, hộp đựng gia vị và tay cầm vòi chậu để kiểm tra sự hiện diện của chất đánh dấu MS2.
Kết quả cho thấy, các lọ đựng gia vị là đối tượng thường xuyên bị ô nhiễm nhất, với khoảng 48% số lọ gia vị trong thí nghiệm cho thấy bằng chứng về sự có mặt của mầm bệnh. Số lượng vi khuẩn lây lan trên hộp đựng gia vị cao hơn đáng kể so với số lượng vi khuẩn được tìm thấy trên thớt và nắp thùng rác trong quá trình nghiên cứu.
Tiến sĩ Schaffner cho biết thêm, vi khuẩn lây lan từ tay người nấu trước khi họ rửa tay sạch sẽ. Ông muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu này tập trung vào việc không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng thấy được các vị trí bếp dễ bị vi khuẩn bám vào, nhưng có một số kĩ thuật vệ sinh và làm sạch có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh từ các lọ đựng gia vị này.
Bất cứ thứ gì bạn chạm vào trong quá trình nấu ăn - đặc biệt là khi bạn đang xử lý các loại thịt sống đều có khả năng bị lây nhiễm vi khuẩn có hại; đó có thể là miếng rửa bát, miếng lót tay, khăn lau bát đĩa, thớt và các loại đồ dùng khác đều là những mục tiêu của lây nhiễm chéo từ vi khuẩn.
Đặc biệt, điện thoại cũng có thể bị nhiễm bẩn nếu bạn đang tìm kiếm một công thức nấu ăn trên Internet trong khi đang sơ chế chúng dở dang. Hay nói cách khác, nếu bạn không rửa tay giữa lúc xử lý thực phẩm, vi khuẩn cũng có thể bám vào các núm vặn của thiết bị nhà bếp, nắp thùng rác và tay cầm tủ lạnh.
Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm chéo cũng có thể xảy ra khi bạn không nấu ăn. Ví dụ như việc bạn bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín/đã chế biến cạnh nhau trong không gian tủ lạnh.
Cách đơn giản nhất chính là: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Các bề mặt cũng có thể được làm sạch bằng các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng hoặc khăn lau kháng khuẩn để tiêu diệt bất kì vi trùng nào còn sót lại.
Thói quen rửa tay cũng cần được áp dụng khi bạn cho bát đũa vào máy rửa bát hay khi bạn vệ sinh bàn bếp sau khi nấu ăn xong. Chính thói quen tách các vật đang bị "bẩn" khỏi thực phẩm mà bạn chuẩn bị ăn cũng rất quan trọng. Do thịt sống có thể mang nhiều mầm bệnh nên cần chuẩn bị riêng thớt, dao, đĩa, hộp đựng...
- Làm sạch bồn rửa bát với baking soda, chanh, giấm hoặc các dung dịch vệ sinh chuyên biệt, tuy nhiên sử dụng các loại nước tẩy rửa khử mùi nhiều không tốt cho sức khỏe, tốt nhất là bạn nên sử dụng các loại làm sạch từ tự nhiên như chanh, quất, dung dịch muối pha loãng.
- Dọn dẹp và sắp xếp lại đồ ăn trong tủ lạnh thường xuyên, loại bỏ các thực phẩm đã hỏng, mốc, lau dọn bằng khăn lau 1 lần, sắp xếp thực phẩm sống và thực phẩm chín riêng, tránh lây nhiễm chéo trong tủ lạnh, đặc biệt là các loại thịt, cá.
- Khử mùi lò vi sóng bằng chanh: Lò vi sóng cũng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn nếu không chú ý vệ sinh thường xuyên, sau vài ngày sử dụng bạn có thể cho một bát nước pha giấm hoặc nước chanh quay nóng từ 1-2 phút sau đó dùng giấy lau thấm sạch. Điều này vừa giúp cho lò vi sóng tránh rỉ sét, vừa giúp bạn không tốn nhiều công sức vệ sinh mà vẫn sạch sẽ.
- Đối với thớt hoặc dao, đũa gỗ, sau mỗi lần sử dụng cần rửa sạch, bạn có thể vệ sinh bằng muối ăn hoặc chanh, chà nhẹ hoặc ngâm để loại bỏ vi khuẩn, hạn chế các yếu tố gây nấm mốc, mối mọt gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, cần phơi khô, nếu có nắng nên phơi ngoài nắng 30-45 phút để đảm bảo hạn chế vi khuẩn sinh sôi.
- Các loại hộp đựng, gia vị cần được vệ sinh sạch bằng dung dịch diệt khuẩn thường xuyên, thay mới khi có dấu hiệu hoen ố, nứt, vỡ, đặc biệt là với các loại hộp nhựa (bao gồm cả hộp nhựa đựng đồ ăn).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn