Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada, đây là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu ở Canada và Hoa Kỳ.
Để có được kết quả này, họ đã phải xem xét và nghiên cứu dữ liệu từ hơn 70.000 người đã được chẩn đoán mắc COVID-19 trong khoảng từ 1/3/2020 đến 30/4/2020 ở Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu so sánh sức khỏe của những bệnh nhân sau chẩn đoán mắc COVID-19 với sức khỏe ban đầu của họ khi chưa bị lây nhiễm chủng virus này.
Dựa trên các dữ liệu đã công bố, các nhà nghiên cứu xác định 69 trường hợp có những triệu chứng có thể chẩn đoán được có mối liên hệ chặt chẽ với COVID-19.
Cụ thể, COVID-19 gây ra bệnh đường hô hấp, trong đó viêm phổi và suy hô hấp là những triệu chứng phổ biến nhất. Song, sau khi phân tích các dữ liệu thu thập được, các nhà nghiên cứu nhận thấy COVID-19 còn có thể gây ra các rối loạn chức năng khác đối với cơ thể con người, đặc biệt ở những người bị bệnh nặng hơn. Theo đó, suy thận và nhiễm trùng máu là hai biến chứng phổ biến khác ở các bệnh nhân mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cũng cố gắng tính toán các nguy cơ gặp phải các biến chứng khi triệu chứng của COVID-19 có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với các biến chứng thường gặp nhất, họ ước tính rằng nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi là 27,6%; suy hô hấp là 22,6%; suy thận là 11,8% và nhiễm trùng máu là 10,4%. Ngoài ra, COVID-19 còn khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác như: viêm cơ tim, xẹp phổi và một tình trạng nghiêm trọng hơn nữa được gọi là đông máu nội mạch lan tỏa.
Tuy nhiên, những phát hiện vẫn có hạn chế riêng khi tệp dữ liệu lớn này chỉ tính đến các bệnh nhân đã tìm kiếm sự chăm sóc của y tế và được chẩn đoán mắc COVID-19 trong những ngày đầu khi đại dịch bùng phát. Vào thời điểm đó, việc thử nghiệm còn nhiều hạn chế nên nhiều người nhiễm COVID-19 nhẹ hầu như phải tự chăm sóc ở nhà. Vì lý do này, các nhà nghiên cứu chỉ lựa chọn lấy dữ liệu từ những bệnh nhân đã đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong thời điểm từ 120 đến 30 ngày trước khi chẩn đoán COVID-19 để nhìn thấy sự so sánh rõ ràng hơn giữa sức khỏe ban đầu và sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 của họ.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng điều đó có nghĩa là những người này có thể trạng yếu hơn so với những người bình thường ngay cả trước khi họ được chẩn đoán mắc COVID-19 hoặc có một số biến chứng nhẹ hơn như mất khứu giác hoặc vị giác.
Mặt khác, phần lớn các nghiên cứu đều đang cố gắng tìm ra lời giải đáp về cách thức mà COVID-19 có thể gây bệnh cho con người thông qua các nghiên cứu hoặc báo cáo, tuy nhiên điều này vẫn không thể trả lời cho chúng ta biết về mức độ phổ biến của các biến chứng mà COVID-19 gây ra. Vì vậy, những nghiên cứu như thế này chỉ có thể cho chúng ta biết được những vấn đề về sức khỏe được phát sinh từ COVID-19.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục nhấn mạnh rằng một phần không nhỏ những người nhiễm COVID-19 có thể gặp các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, mất khứu giác.
"Hiểu được đầy đủ các bệnh lý liên quan đến COVID-19 có thể giúp bác sĩ tiên lượng, đưa ra hướng điều trị và thông báo chính xác hơn cho bệnh nhân về những nguy cơ thực sự với sức khỏe của họ các biến chứng do COVID-19 gây ra so với các thông tin chung chung được đăng tải trên phương tiện truyền thông và các tài liệu bước đầu khi khoa học chưa có nhiều cơ sở để phân tích dữ liệu, đưa ra báo cáo.", các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong khi đó, hiện nay trên thế giới, một số quốc gia đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 trên cơ thể người. Nổi bật, các cơ quan quản lý vắc-xin của Mỹ vừa công bố nghiên cứu chi tiết về vắc-xin chống COVID-19 của Pfizer, đánh giá tính an toàn và các tác dụng phụ được ghi nhận trong một thử nghiệm lâm sàng lớn.
Vắc-xin Pfizer bước đầu đã cho thấy những tín hiệu khả quan về độ an toàn. Cụ thể, hầu hết những người tình nguyện đều có tác dụng phụ tạm thời ngay sau khi tiêm chủng, ví dụ như: mệt mỏi, đau đầu và đau tại chỗ tiêm. Còn các tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra sau liều thứ 2 và đặc biệt phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi.
Độ an toàn của vắc-xin Pfizer sau những thử nghiệm lâm sàng ban đầu đã giúp nhân loại có thêm niềm tin vào cuộc sống không COVID-19 sẽ sớm trở lại. Song, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo mọi người thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống để cùng chung tay đẩy lùi COVID-19 trong thời điểm này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn