Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí The Gerontologist, các cặp vợ chồng có thói quen tiêu thụ đồ uống có cồn giống nhau thường hạnh phúc hơn và sống lâu hơn các cặp đôi không uống rượu bia bao giờ, hoặc chỉ một trong hai người có thói quen uống bia rượu.
Kết quả được rút ra sau khi các nhà khoa học đến từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ khảo sát hơn 4.600 cặp vợ chồng, theo dõi đời sống hôn nhân và sức khỏe của họ từ năm 1996 đến năm 2016.
"Thật thú vị, chúng tôi phát hiện ra các cặp vợ chồng từng cùng nhau uống đồ uống có cồn trong 3 tháng gần nhất sống lâu hơn các cặp vợ chồng không làm điều này hoặc các cặp có thói quen uống trái ngược nhau, trong đó, một người uống còn một người không", tiến sĩ Kira Birditt, giáo sư về tâm lý học đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Michigan cho biết.
Theo giáo sư Kira Birditt, mối quan hệ kỳ lạ mà bà phát hiện từ nghiên cứu của mình có liên quan đến một thuật ngữ gọi là "Drinking partnership", hay "Bạn đời-bạn nhậu".
Thuật ngữ này lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1998, bởi hai nhà khoa học người Mỹ Linda J. Roberts và Kenneth E. Leonard trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hôn nhân và Gia đình.
Trong đó, họ thấy thói quen uống rượu của cả hai người trong một mối quan hệ (hẹn hò, sống thử hoặc vợ chồng) có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng và sự hài lòng trong mối quan hệ đó.
Các cặp đôi có lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tương tự nhau thường có mối quan hệ hôn nhân tốt hơn so với các cặp có thói quen uống khác nhau, đặc biệt là khi một người uống nhiều hơn đối tác của mình bất kể đó là vợ hay chồng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự không tương thích trong thói quen uống rượu bia có thể dẫn đến xung đột, bất hòa và giảm sự hài lòng trong hôn nhân. Điều này có thể do việc uống nhiều hơn hoặc ít hơn đối tác tạo ra những căng thẳng hoặc cảm giác không được chia sẻ trải nghiệm và thời gian chung.
Roberts và Leonard nhấn mạnh rằng việc hiểu được ảnh hưởng của thói quen uống đồ uống có cồn đến mối quan hệ có thể giúp các cặp vợ chồng nhận ra và giải quyết vấn đề trước khi nó trở thành nguồn gốc của những xung đột lớn hơn, từ đó cải thiện chất lượng mối quan hệ của họ.
Phát hiện của Roberts và Leonard có thể được giải thích thông qua "Lý thuyết tương thích" (Compatibility theory), nói rằng khi hai cá nhân chia sẻ nhiều điểm chung tại cùng một thời điểm, họ có xu hướng thiết lập mối quan hệ thân mật và khiến cả hai cùng thỏa mãn.
Nghiên cứu cho thấy khi hai người càng tương thích với nhau, nghĩa là chia sẻ nhiều điểm chung, họ càng hài lòng về nhau hơn, có sự cam kết cao hơn trong mối quan hệ và đặc biệt, sức khỏe và tuổi họ đều gia tăng.
Ngược lại, khi các cặp đôi không tương thích, nghĩa là có nhiều điểm khác biệt, họ có xu hướng trải qua xung đột nhiều hơn, ngày càng trở nên mâu thuẫn trong mối quan hệ
"Tổng quát hóa từ lý thuyết tương thích, nếu tiêu thụ đồ uống có cồn thường xuyên là một phần cơ bản và thú vị trong giao tiếp xã hội thì các cặp đôi sẽ đưa ra đánh giá tích cực về những mối quan hệ này.
So với cặp đôi có sự khác biệt trong thói quen tiêu thụ đồ uống có cồn, thì các cặp đôi có sự tương thích sẽ có khả năng duy trì mối quan hệ lâu hơn, đồng thời ít gặp các vấn đề liên quan đến rượu và sự không hài lòng trong mối quan hệ", một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Studies on Alcohol and Drugs năm 2014 cho biết.
Trong nghiên cứu mới của mình, giáo sư Kira Birditt và các đồng nghiệp đến từ Đại học Michigan đã khảo sát 9.312 người tham gia thuộc về 4.656 cặp vợ chồng khác giới đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng mặc dù không kết hôn.
Họ được hỏi các câu hỏi như:
- Các bạn có bao giờ uống bất kỳ đồ uống có cồn nào như rượu hoặc bia hay không?
- Trong ba tháng vừa qua, trung bình, bạn uống chúng bao nhiêu ngày mỗi tuần?
- Vào những ngày uống đồ có cồn, các bạn đã uống bao nhiêu?
Kết quả cho thấy 62% người được hỏi có uống đồ uống có cồn, 38% không uống. Trong đó, 45% các cặp vợ chồng uống cùng nhau, 29% cặp đôi không có ai uống, 17% chỉ có các ông chồng uống một mình, còn 8% chỉ có các bà vợ uống.
Để xác định chất lượng hôn nhân, một số câu hỏi đã được sử dụng, ví dụ như:
- Bạn đời của bạn có thường xuyên đòi hỏi quá nhiều ở bạn không?
- Anh ấy hoặc cô ấy có thường xuyên mắng bạn không?
- Anh ấy hoặc cô ấy có thường xuyên làm bạn thất vọng?
- Anh ấy hoặc cô ấy có thường xuyên làm bạn lo lắng?
Tất cả các câu hỏi này đều được đánh giá trọng số để tính toán ra mức độ hài lòng với hôn nhân.
Trong khi đó, sức khỏe của người tham gia nghiên cứu được đo lường từ kết quả Nghiên cứu về Sức khỏe và Hưu trí mà các cặp đôi này đã tham gia từ năm 1996 đến 2016, với các khảo sát 2 năm một lần và liên tiếp trong vòng ít nhất 6 năm.
Sau khi xử lý số liệu, giáo sư Kira Birditt nhận thấy không có mối liên hệ giữa tần suất tiêu thụ đồ uống có cồn với hạnh phúc trong hôn nhân của các cặp đôi. Thay vào đó, bà chỉ thấy sự hòa hợp và không hòa hợp ảnh hưởng đến điều đó.
"Hòa hợp" nghĩa là khi cả hai thành viên vợ và chồng đều uống đồ uống có cồn, chất lượng hôn nhân của họ sẽ tăng lên theo thời gian. Khi cả hai vợ chồng đều không uống, chất lượng hôn nhân của họ chỉ duy trì mà không thay đổi theo thời gian.
Trong khi đó, "không hòa hợp" trong thói quen uống liên quan đến hai trường hợp. Khi người chồng uống còn người vợ không uống, chất lượng hôn nhân của họ giảm sút. Khi người vợ uống còn người chồng không uống, chất lượng hôn nhân của cặp đôi này thậm chí còn giảm sút mạnh nhất.
Tỷ lệ ly hôn ở các cặp đôi "không hòa hợp" trong việc uống rượu cao hơn nhóm hòa hợp. Trong đó, nếu người vợ uống rượu bia còn người chồng không uống, tỷ lệ ly hôn còn cao hơn các cặp đôi trong đó người chồng là người uống.
Về sức khỏe, giáo sư Kira Birditt nhận thấy nhóm hòa hợp trong thói quen uống thường sống lâu hơn, miễn là họ tiêu thụ rượu ở mức độ nhẹ. Những cặp đôi tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức độ nhẹ sống lâu hơn cả nhóm uống nhiều bia rượu và nhóm không uống một chút đồ uống có cồn nào.
Rõ ràng, đó là một kết quả phản trực giác, khi chúng ta thấy rượu bia vốn là một nguyên nhân dẫn đến xung đột, bạo lực gia đình và sự tan vỡ của các cặp đôi. Thế nhưng, giáo sư Kira Birditt cho biết điều đó còn tùy thuộc vào mức độ, hoàn cảnh mà đồ uống có cồn được tiêu thụ và việc bạn uống với ai?
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Studies on Alcohol and Drugs năm 2019 cho thấy nếu trong một mối quan hệ mà người vợ hoặc người chồng ra ngoài uống rượu sau đó về nhà, họ nhiều khả năng sẽ tạo ra xung đột.
Nhưng nếu cả vợ và chồng cùng có mặt trong một bữa tiệc và cùng tiêu thụ đồ uống có cồn, sự thân mật và hạnh phúc giữa họ sẽ gia tăng. Mức độ hạnh phúc thậm chí còn cao hơn nữa nếu đó là một bữa tiệc tại nhà và chỉ của riêng hai người.
Khi đó, việc tiêu thụ rượu bia ở mức độ nhẹ được tính là một hoạt động mang tính chia sẻ, gắn kết, tạo điều kiện cho những giao tiếp hiệu quả giữa vợ và chồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép mức độ tiêu thụ rượu bia an toàn với sức khỏe là không vượt quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới và 1 đơn vị cồn mỗi ngày đối với phụ nữ.
Trong đó, 1 đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (nồng độ %) x khối lượng riêng (cồn có khối lượng riêng là 0,793g/cm3). Tính ra, 1 đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất.
Đối với loại rượu nặng 40 độ, 1 đơn vị cồn tương đương với chỉ 1 chén 30 ml. Đối với rượu vang 13,5 độ, đó là khoảng 1 ly 100 ml. Còn đối với bia có nồng độ cồn 5 độ, 1 đơn vị tương đương 1 lon hoặc một cốc bia hơi.
Vì vậy, trong một bữa tiệc thân mật có đồ uống có cồn, người chồng có thể uống 2 lon bia hoặc 2 ly vang, trong khi đó, người vợ có thể uống mức độ bằng một nửa.
Tóm lại, thỉnh thoảng tiêu thụ đồ uống có cồn cùng nhau có thể tiếp thêm ngọn lửa cho đời sống hôn nhân của bạn, từ đó giúp bạn gia tăng tuổi thọ. Miễn là bạn uống ở mức độ cho phép, để rượu bia không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và cả mối quan hệ của bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn