'Nghiện' món ăn đường phố có thể ung thư

13:35 | 07/04/2016;
Thực phẩm bày bán trên đường phố hấp dẫn vì ngon và rẻ, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhẹ thì có thể gây ngộ độc, còn sử dụng lâu dài dễ dẫn đến ung thư.
Trở về từ bệnh viện sau 3 ngày nằm điều trị do bị ngộ độc thực phẩm, sức khoẻ của chị Hoàng Bảo Anh, 27 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức (TP HCM) vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Chị từng được bạn bè dành tặng biệt danh "bé ú", bởi cân nặng quá đà so với quy chuẩn chung. Tuy nhiên, sau lần ngộ độc "thập tử nhất sinh", Bảo Anh đã giảm 8kg, da xanh xao, mặt hốc hác, khiến nhiều bạn thân cũng không nhận ra.

Theo lời kể của Bảo Anh, ngay từ thời còn đi học, cô cùng những người bạn đã có thói quen ăn những thực phẩm bày bán trên đường phố, bởi vừa ngon, vừa rẻ, lại tiện lợi, dễ mua. Không ít lần bị đau bụng, đi ngoài, nôn ói do thức ăn ngoài đường, nhưng chưa lần nào tới mức nguy hiểm, khiến Bảo Anh phải nhập viện như lần này.

"Vẫn biết thức ăn ngoài đường khó được kiểm soát về nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng ngoài ngon, rẻ, ngồi ăn ngoài đường cũng có cái thú riêng, bọn mình dễ nói chuyện, vui đùa, vừa thưởng thức bữa ăn, lại vừa có thể ngắm dòng người tấp nập qua lại. Hơn nữa, có những món ăn chỉ ngoài đường mới bán, họ làm rất vừa ăn, ngon miệng. Vì vậy, đôi khi phải gạt đi yếu tố bẩn, miễn sao vui, ngon miệng", Bảo Anh chia sẻ.

Cuối tháng 3, Bảo Anh cùng hai người bạn ghé ăn một quán ốc trong hẻm của đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh TP HCM). Sau khi từ quán ốc trở về, Bảo Anh xuất hiện triệu chứng đi ngoài, người lạnh toát, nôn ói và đau quặn bụng. "Em cứ nghĩ tình trạng chỉ như những lần trước nên mua thuốc uống. Tuy nhiên, cả đêm hôm đó và sáng hôm sau, cơn đau bụng tăng lên, tình trạng ói, đi ngoài, đau đầu, vã mồ hôi... cũng tiến triển nặng. Mẹ và anh hai đưa em đi cấp cứu, khi đó người em đã lả đi, không còn biết gì. Tới khi tỉnh dậy, nghe mẹ nói mới biết em bị ngộ độc thực phẩm. Bạn em cũng bị ngộ độc, nhưng chỉ đi ngoài, ói xong rồi hết", Bảo Anh kể.
vietnam-street-food3.jpg
 Thức ăn đường phố luôn hấp dẫn người trẻ nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh
Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nếu thực phẩm đường phố không đảm bảo an toàn, có thể dẫn đến 2 nguy cơ trước mắt và lâu dài.

Với nguy cơ trước mắt, nếu thực phẩm bị nhiễm bẩn (lên men, độc tố vi khuẩn), có thể gây nên tình trạng ngộ độc thức ăn cấp tính biểu hiện bằng: Đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, có thể có sốt hoặc không sốt. Thực phẩm nhiễm hóa chất (các chất tạo màu, chống thối, các chất bảo quản...), có thể gây nên tình trạng ngộ độc cấp tính, tuỳ thuộc vào hoá chất có trong thực phầm mà có nhiều biểu hiện khác nhau như: Nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, khó chịu.

"Ngộ độc thực phẩm có nhiều mức độ, nếu bị nhẹ thì có thể tự khỏi sau khi nôn ói và đi tiêu chảy vài lần, đau bụng sẽ giảm dần và hết. Tuy nhiên, với các trường hợp nặng thì người bị ngộ độc cần đến cơ sở y tế để được khám và đánh giá nguy cơ. Biểu hiện các triệu chứng chính: Nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều, đau bụng dữ dội và có thể kèm theo sốt. Đặc biệt lưu ý đến 2 nhóm đối tượng người già và trẻ nhỏ, vì dễ bị mất nước nhiều do nôn ói, đi tiêu chảy nhiều nên có thể dẫn đến tình trạng sốc", BS Thịnh cho biết.
00f63e21cd69e7f3ea37c48419d6d8cb.jpg
Thực phẩm nhiễm hóa chất tạo màu có thể gây ngộ độc cấp tính, nguy cơ lâu dài có thể gây ung thư
Nguy cơ lâu dài, theo BS Thịnh, thường là do các hóa chất được tẩm, ngâm trong thực phẩm, dễ gây ung thư, quái thai đối với phụ nữ mang thai' ảnh hưởng phát triển thể chất đối với trẻ nhỏ và nhiều nguy hại khác. 

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và những tác hại do thực phẩm bần gây nên, người dân cần:

- Tránh ăn ở những quán hàng không đảm bảo vệ sinh.

- Không sử dụng những đồ ăn bán dạo vì thức ăn rất dễ nhiễm khuẩn.

- Nên mua thực phầm ở những cửa hàng có uy tín, có chứng nhận kiểm tra an toàn thực phầm.

- Kiểm tra kỹ hạn sử dụng trên bao bì; hạn chế mua những thực phẩm có màu vì thường được tẩm nhiều hóa chất.

- Bảo quản thực phẩm ở nhà đúng cách. Đối với rau và hoa quả mua về trước khi dùng, cần rửa trực tiếp dưới vòi nước nhiều lần để loại bỏ hóa chất.

- Không dùng thực phẩm nấu đi nấu lại nhiều lần vì những thực phẩm này dễ bị lên men ôi thiu gây ngộ độc thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, nếu năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên tới 150.000. Ước tính đến năm 2020, số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 và trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Trong khi đó, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 guyên nhân chính là: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, do tuổi thọ tăng. Trong đó, tác nhân từ thực phẩm đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn