Mới đây, BV Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 3 bệnh nhân chuyển tới từ Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy với biểu hiện ngộ độc nặng. Theo đó, các bệnh nhân đều ở huyện Kon Rẫy, gồm: A Gen (17 tuổi, nhà ở thôn 5, xã Tân Lập); A Kiên (34 tuổi) và Y Kanh (25 tuổi), nhà ở thôn 10, xã Đăk Ruồng.
Tại thời điểm tiếp nhận, các bệnh nhân có chung triệu chứng như đau bụng, nôn kèm đau đầu, chóng mặt, mệt nhiều, da môi nhợt, khó thở, phổi thông khí kém, suy hô hấp.
Gia đình các bệnh nhân cho biết, sáng 4/12, A.Gen và A Kiên cùng đi làm rẫy. Khi lên rẫy, cả 2 dùng gậy đập, bắt được khoảng 10 con chuột rừng rồi mổ bỏ ruột. Đến tối cùng ngày, A.Gen và A Kiên về nhà chị Y Kanh (là chị dâu của A Kiên) nấu nướng. Tại đây 3 người nấu thịt chuột rồi cùng nhau ăn.
Sau khi ăn, cả 3 đều có biểu hiện đau bụng, uể oải, đau đầu. Đến sáng 6/12, A.Gen, A Kiên và Y Kanh lần lượt nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy. Tuy nhiên, do tình trạng ngộ độc nặng, cả 3 người được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Kon Tum. Hiện tại cả 3 bệnh nhân đều phải thở máy, sức khỏe diễn biến xấu và vẫn đang được các y bác sĩ tích cực theo dõi, điều trị.
Nhận được thông tin, một mặt các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho các bệnh nhân. Mặt khác, các đơn vị chức năng thuộc Sở Y tế tỉnh Kon Tum phối hợp với Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, thu thập một số mẫu rượu trắng, thức ăn tại khu vực quanh nhà các bệnh nhân.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ BV Bạch Mai, Chợ Rẫy và BV Đa khoa tỉnh Kon Tum nhận định, bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Cơ chế gây độc botulinum là độc tố di chuyển trong máu, tấn công thần kinh ngoại biên, làm liệt các cơ đối xứng hai bên. Người bệnh bị liệt dần từ trên xuống dưới, bắt đầu từ cơ mi mắt gây sụp mi, tới cứng miệng, ăn, nuốt khó, rồi lan dần xuống tay, chân. Cuối cùng, cơ hô hấp mất chức năng, người bệnh không thể tự thở dù đầu óc minh mẫn, tỉnh táo.
Ngộ độc botulinum được xếp vào bệnh hiếm vì khoảng 30-40 năm nay không xuất hiện tại Việt Nam. Việt Nam không sản xuất cũng như không tích trữ sẵn loại huyết thanh giải độc tố đã sử dụng trên thế giới là Botulism Antitoxin Heptavalent.
Trước đó, năm 2020, tại Việt Nam đã xuất hiện hàng chục ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay. Thuốc có tên gọi Botulism Antitoxin Heptavalent, được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để đưa về Việt Nam nhanh nhất, kịp thời điều trị. Mỗi lọ thuốc này có giá khoảng 8.000 USD.
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa nhiễm độc do botulinum, người dân cần thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi". Một số sản phẩm thanh trùng bằng nhiệt trong dây chuyền công nghiệp, thương mại có thể không đủ đảm bảo vệ sinh, chưa tiêu diệt toàn bộ bào tử vi khuẩn.
Mặc dù ngộ độc botulinum có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, hầu hết người mắc đều hồi phục hoàn toàn. Chữa trị từ giai đoạn đầu giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn