Ngộ độc nấm, chồng tử vong, vợ và con dâu nguy kịch

18:22 | 27/06/2019;
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang nỗ lực cấp cứu cho 2 người trong gia đình bị ngộ độc nấm trắng.

Ngày 27/6, trao đổi với PNVN, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân được chuyển từ Sơn La xuống. Trong đó, 1 người đã tử vong, 2 người còn lại vẫn đang nguy kịch.

Theo thông tin ban đầu, 3 người bị ngộ độc trong cùng gia đình, gồm con dâu và bố mẹ chồng. Trong đó, bố chồng đã mất, còn con dâu và mẹ vợ đang cấp cứu tại BV Bạch Mai.

 

Nữ bệnh nhân bị ngộ độc nấm đang được cấp cứu tại BV Bạch Mai

Qua khai thác tiền sử người nhà, được biết trước đó 3 người trong gia đình có ăn nấm tán trắng. Đây là loại nấm độc có tên khoa học là Amanita verna mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác...

Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ. Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn 1 cây nấm cũng có thể bị tử vong.

Theo các chuyên gia, mùa xuân, mùa hè là thời điểm thuận lợi cho các loài nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Mặc dù nguy cơ ăn phải nấm độc đã được cảnh báo nhiều nhưng các vụ ngộ độc nấm vẫn liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền núi.   

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dấu hiệu nhận diện nấm độc mà người tiêu dùng nên chú ý:

- Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

- Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm.

- Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn