Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao?

15:49 | 30/03/2023;
Thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sinh sôi và tạo ra độc tố. Thực phẩm bị nhiễm độc tố của tụ cầu vàng có thể không có mùi hôi hoặc trông hư hỏng nên dễ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Vào ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh, địa chỉ tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, 11h cùng ngày các cháu có ăn trưa với cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo. Khi về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng.

Sau quá trình điều tra, Sở Y tế Hà Nội cho biết nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc ở các em học sinh là do tụ cầu vàng. Đây là một loại vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh và tạo ra độc tố khi thực phẩm không được bảo quản đúng cách.

1. Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng là gì?

Tụ cầu vàng là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) gây ra. Những vi khuẩn này sống tự nhiên trên mũi và da, thường không gây hại đến sức khoẻ nhưng vi khuẩn tụ cầu vàng có khả năng tạo độc tố, gây ngộ độc thực phẩm.

Tụ cầu vàng có khả năng chịu mặn cao và có thể phát triển trong giăm bông và các loại thịt khác cũng như trong các sản phẩm từ sữa. Các độc tố mà vi khuẩn tạo ra cũng có khả năng chịu nhiệt và không thể bị phá hủy khi đun nấu.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Các độc tố mà vi khuẩn tạo ra cũng có khả năng chịu nhiệt và không thể bị phá hủy khi đun nấu (Ảnh: Internet)

2. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng thường có các triệu chứng như cảm giác buồn nôn, nôn mửa và co thắt dạ dày đột ngột. Hầu hết mọi trường hợp đều bị tiêu chảy.

Các triệu chứng thường phát triển trong vòng 30 phút đến 8 giờ sau khi ăn hoặc uống đồ có chứa vi khuẩn tụ cầu vàng và kéo dài không quá 1 ngày.

Bệnh không thể truyền từ người này sang người khác.

3. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy hiểm không?

Thông thường những người khỏe mạnh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng thường hồi phục nhanh chóng khi được bù nước và nghỉ ngơi đầy đủ.

Tuy nhiên, đối với trẻ em, người già hoặc người có hệ miễn dịch kém có khả năng cao gặp tình trạng mất nước trầm trọng và cần được điều trị tại bệnh viện.

Nguy cơ đe doạ đến tính mạng thường ít khi xảy ra nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị phù hợp có thể xảy ra tình huống này.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng có thể gây nguy hiểm nếu như người bệnh mất nước trầm trọng (Ảnh: Internet)

4. Ngộ độc do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng được điều trị như thế nào?

Điều trị quan trọng nhất cho người bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng là bổ sung nước và nghỉ ngơi. Những người bị bệnh nặng có thể cần truyền dịch qua tĩnh mạch. Bác sĩ có thể cho bạn thuốc để giảm nôn và buồn nôn. Kháng sinh không hữu ích trong việc điều trị ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng.

Ngoài ra, khi chăm sóc những người bị ngộ độc thực phẩm, mọi người nên lưu ý thêm:

- Không ép người bệnh ăn khi họ cảm thấy chưa sẵn sàng

- Phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ yêu cầu trước và sau khi hết tiêu chảy. Khi đã hồi phục, tránh cho người bệnh ăn những thực phẩm gây khó chịu cho dạ dày như sữa, đồ uống có ga/caffeine, rượu bia, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, ...

- Vệ sinh cá nhân cho người bệnh sạch sẽ

- Nếu người bệnh xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường, cần báo cáo cho bác sĩ ngay lập tức để có hướng xử lý phù hợp.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Điều trị quan trọng nhất cho người bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng là bổ sung nước và nghỉ ngơi (Ảnh: Internet)

5. Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng

Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và sự lây lan của vi khuẩn tụ cầu vàng, mọi người nên thực hiện theo các khuyến cáo sau:

- Không nên uống sữa chưa tiệt trùng

- Rửa tay và móng tay với xà phòng trước khi nấu ăn, ăn hoặc phục vụ thức ăn

- Khu vực nấu ăn cần được đảm bảo vệ sinh, khô ráo

- Vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng nếu để ở nhiệt độ phòng hoặc trong khoảng nhiệt độ từ 4˚C đến 60˚C. Do đó, bạn nên bảo quản thực phẩm nóng ở nhiệt độ trên 60˚C và thực phẩm lạnh dưới 4˚C.

- Bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong các hộp đựng nông, rộng và cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài nóng hơn 32˚C).

- Không chuẩn bị thức ăn nếu bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa

- Đeo găng tay khi chế biến thức ăn nếu bạn có vết thương hoặc nhiễm trùng trên tay hoặc cổ tay

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn