Người mẹ mở đầu câu chuyện bằng giọng rất hoang mang. Anh chị có hai đứa con, cháu lớn đã 17 tuổi. Gần đây, cháu bỗng trở nên bướng bỉnh. Năm học lớp 10, cậu đòi mua xe máy mặc dù nhà ở gần trường. Anh chị không đồng ý thì con phản ứng. Thái độ đó khiến anh chị rất bất ngờ vì từ trước đến nay, anh chị luôn là người ra lệnh trong nhà và con cái phải nghe theo. Anh nổi nóng quát tháo con thì nó quát lại, thậm chí còn đập phá đồ đạc trong nhà. Từ đó, quan hệ cha mẹ, con cái ngày càng căng thẳng, xa cách, lạnh nhạt. Chị nói nhiều lúc nó như trêu ngươi mình. Đồ đạc trong phòng nó bày ra bừa bộn kinh khủng. Nó không dọn dẹp và cũng không cho mẹ thu xếp lại. Đến bữa ăn, gọi chán chê nó mới ngồi vào bàn nhưng nhìn món gì nó cũng chê không ngon, không giống nhà hàng. Ngay cả chuyện học hành của nó giờ đây anh chị cũng không kiểm soát nổi. Năm nay, cháu thi tốt nghiệp nên anh chị rất lo lắng, đã có lúc họ nghĩ đến việc thoả hiệp với con.
Thật ra, người cần thay đổi đầu tiên chính là hai anh chị. Họ tự nhận là lâu nay họ chỉ quen ra lệnh và con cái chỉ có một cách là thi hành mệnh lệnh của cha mẹ. Đó là cách sai lầm. Nó có thể có tác dụng khi những đứa con còn bé. Khi lớn lên, chúng không thể chấp nhận được nữa. Chúng không thấy mình được tôn trọng, bố mẹ không hiểu chúng và chúng phản ứng theo lối phản kháng. Nhất là khi các con ở tuổi dậy thì lỡ cỡ, tâm lý muốn khẳng định mình sẽ khiến con trở nên bướng bỉnh, không hợp tác.
Bây giờ tuy đã muộn nhưng anh chị vẫn cần tập trò chuyện với các con. Mọi thành viên trong gia đình đều phải được bày tỏ suy nghĩ, tâm tư tình cảm và nguyện vọng của mình. Cha mẹ phải nêu ra những nguyên tắc ứng xử trong gia đình và mọi người phải tuân theo những nguyên tắc ấy. Ví dụ, mọi thành viên trong nhà phải tôn trọng, yêu kính nhau. Con cái phải lễ độ với người lớn tuổi. Mọi quyền lợi của các thành viên phải được xem xét cả trên phương diện lý và tình. Cha mẹ phân tích phải trái, đúng sai cho con nghe. Nếu con có nguyện vọng khác đi thì cha mẹ phải giảng giải, thuyết phục. Trong trường hợp con vẫn không nghe thì bố mẹ đưa ra quyết định và giao hẹn với con rằng: Đây là nguyên tắc cả nhà đã thoả thuận với nhau và con phải tuân theo.
Chẳng hạn, việc con đòi mua xe máy thì cha mẹ nên nói với con về sự cần thiết hay chưa cần thiết của việc mua xe, cái lợi, cái hại của việc dùng xe. Và trên hết, khi con chưa đến tuổi thì dứt khoát không được đi xe vì đó là quy định, là luật, ai cũng phải chấp hành. Có thể lúc đầu con dằn dỗi nhưng rồi nó sẽ hiểu bố mẹ làm thế là đúng. Một mặt anh chị động viên con học hành, khích lệ con mỗi khi con có điểm tốt, mặt khác nói cho con hiểu rằng, xe máy chỉ là phương tiện sinh hoạt, nó không nói lên giá trị của người sử dụng. Khi nào con đến tuổi, khi nào con có nhu cầu chính đáng, bố mẹ sẽ trang bị cho con để tiện dùng. Trong cuộc sống, anh chị nên trò chuyện với con về những người thành đạt, thành công hay những người sống có ích được xã hội trọng vọng. Dần dần, con sẽ có hiểu biết đúng đắn. Thanh Tâm hy vọng các thành viên trong gia đình sớm hiểu nhau, cùng hướng đến niềm vui, hạnh phúc của cả nhà.
Con ngõ nhỏ ngày chủ nhật khá vắng vẻ. Thanh Tâm chọn một gia đình khoá cửa, đứng dưới mái hiên nhà họ tư vấn. Bỗng có một người đàn ông lặng lẽ đến gần. Không muốn cho họ nghe được câu chuyện của mình, Thanh Tâm rời bước sang nhà khác. Một lát thấy ông ta lại đi theo. Cứ di chuyển như vậy đến bốn nhà thì cuộc trò chuyện chấm dứt. Bấy giờ Thanh Tâm mới hiểu, thì ra, ông là cư dân của ngõ này. Thấy có người lạ cứ nhằm nhà nào đi vắng là đến cửa trò chuyện điện thoại thì thầm cả tiếng, ông sinh nghi và theo dõi. Buồn cười mà không giải thích được, Thanh Tâm lặng lẽ rút lui.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn