Ngỡ ngàng với kết quả học lớp 10 sa sút nghiêm trọng của con

15:54 | 10/01/2020;
Đi họp phụ huynh, nhiều bố mẹ giật mình, ngỡ ngàng khi kết quả lớp 10 của con sa sút nghiêm trọng. Thực tế, sau kỳ thi vào lớp 10 căng như dây đàn vừa qua, nhiều em vẫn còn tâm lý xả hơi khiến kết quả trượt dốc không phanh.
Sau kỳ thi vào lớp 10 vô cùng căng thẳng, nhiều học sinh cho phép mình xả hơi trong một thời gian dài. Ảnh: T.H

Sau kỳ thi vào lớp 10 vô cùng căng thẳng, nhiều học sinh cho phép mình xả hơi trong một thời gian dài. Ảnh minh họa: T.H

Chị Nguyễn Việt Anh (Hoàng Văn Thái, Hà Nội) không thể tưởng tượng cậu con trai với 9 năm học sinh giỏi mà lên lớp 10 chỉ đạt học lực trung bình. Nếu chỉ đạt danh hiệu học sinh giỏi không thì không nói làm gì, đằng này kỳ thi vào 10 vừa qua, con trai chị đạt 48 điểm, số điểm tương đối cao. Chị chỉ nghĩ, lên cấp 3 học khó hơn, nếu không giữ được học lực giỏi thì ít ra cũng phải ở mức khá hoặc xấp xỉ giỏi. Vậy mà, con chị không thể đạt học sinh tiên tiến "vớt", mà chỉ ở mức trung bình. Chị vô cùng hụt hẫng, thất vọng vì con.

Dù con vừa bước vào lớp 10 nhưng chị vẫn đầu tư cho con đi học thêm ngay. Bởi chị sợ, chỉ học kiến thức ở trên lớp con sẽ không cạnh tranh được với các bạn và học lực sẽ đi xuống. Bao nhiêu tiền bạc, công sức, kỳ vọng dành cho con, vậy mà cuối cùng kết quả của con vô cùng thê thảm. Chị cảm thấy buồn não lòng về con.

Giống như chị Việt Anh, chị Đào Thu Huế (phố Hồng Mai, Hà Nội) cũng rất tức giận khi con suýt bị loại khỏi lớp chọn. Trước đây, năm nào con trai chị cũng học giỏi thuộc top đầu của lớp. Cả lớp, chỉ có con trai chị và một bạn nữa mới đủ tự tin nộp hồ sơ vào trường top đầu. Với số điểm 53 trong kỳ thi vào 10, con trai chị được học lớp chọn.

Chị không bao giờ phải lo lắng đến việc học của con vì con trai trước đây vốn tự giác, có ý thức trong học tập. Thế nên, khi con lên lớp 10, chị hoàn toàn yên tâm về con. Vậy mà khi họp phụ huynh, chị ngỡ ngàng khi con là một trong số học sinh bị báo động. Nếu con không cố gắng thì kỳ 2 có thể con sẽ bị loại khỏi lớp chọn.

Kỳ 1 của năm lớp 10, không ít học sinh trượt dốc không phanh. Ảnh minh họa

Kỳ 1 của năm lớp 10, không ít học sinh "trượt dốc không phanh". Ảnh minh họa

Không chỉ con chị Việt Anh, Thu Huế học sa sút, trượt dốc không phanh mà nhiều học sinh lớp 10 ở tình trạng tương tự. Nguyên nhân dễ thấy là suốt năm học lớp 9, các em phải căng mình cho kỳ thi vào 10 căng thẳng. Suốt cả một năm các em không có một chút nghỉ ngơi khi ngày nào cũng kín lịch học thêm. Các em bị áp lực từ bố mẹ, từ thầy cô và từ chính các em. Thế nên, kết thúc kỳ thi, các em cho phép mình xả hơi, vui chơi . Tâm lý xả hơi đó được nhiều em kéo dài suốt nhiều tháng.

Một trong những nguyên nhân khiến các em học sa sút là do nhiều em không thích ứng được cách học ở môi trường mới. Theo cô giáo Mai Hà Thanh (trường THPT Quang Trung- Đống Đa, Hà Nội), việc học ở trường THPT không giống như các cấp học trước, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tự ôn tập tốt. Chính vì vậy, nhiều em quen "dựa dẫm" vào thầy cô cảm thấy việc học ở lớp 10 vô cùng khó khăn. Thế nên mới có chuyện, ở bậc THCS có đến 70% số học sinh trong lớp đạt loại giỏi thì lên THPT, tỷ lệ số học sinh đạt loại giỏi không nhiều. Đây cũng là điều khiến nhiều phụ huynh cảm thấy "choáng váng" khi luôn nghĩ con mình trước đây là học sinh giỏi thì sẽ giỏi thực sự.

Cô Hà Thanh cũng khẳng định, chính việc nhiều em cho phép mình nghỉ ngơi thêm vài tháng vì vừa trải qua kỳ thi khá vất vả mà không chú ý, cố gắng ngay từ đầu. Vì vậy, khi nhìn lại thì đã bị tụt so với các bạn. Để lấy lại kiến thức với các em sẽ mất rất nhiều thời gian khiến các em mệt mỏi, không muốn cố gắng nữa. Thế nên, trong giai đoạn đầu lớp 10, các phụ huynh cần sát sao, động viên con trong việc học tập, đừng để con gián đoạn sự cố gắng ở bất kỳ khoảng thời gian nào. Có như vậy, con mới không bị mất động lực học tập.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn