Ngoài 70, mối tình cựu chiến binh vẫn như thời trẻ

08:07 | 30/04/2017;
'Yêu nhau trong chiến tranh, cái sống và cái chết rất mong manh, chúng tôi chỉ biết dành cho nhau tình yêu mãnh liệt nhất', ông Trần Công Thắng bộc bạch về chuyện tình với cô gái lái xe Trường Sơn năm nào.

Vẫn đắm say như thuở ban đầu

Cuốn sổ lưu niệm dày 164 trang của ông Trần Công Thắng viết tâm sự của mình trong những năm 1970, khi ông đang ở chiến trường Tây Nguyên, Trường Sơn, Quảng Trị, đường 19 Nam Lào, hiện vẫn lưu lại những dòng nhật ký của đồng đội cùng đơn vị, được vợ chồng ông Thắng tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào cuối năm 2008. Cuốn sổ đã gây nhiều cảm xúc cho du khách gần xa đến thăm bảo tàng.

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông bà Trần Công Thắng ở phố Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai (Hà Nội). Trên gương mặt bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, nguyên chiến sỹ lái xe Trường Sơn (Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn) vẫn đầy ắp nụ cười hạnh phúc, nước da vẫn trắng hồng, săn chắc, mịn màng - dấu ấn một thời con gái xuân sắc của bà chưa phôi phai.

Đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông Thắng bảo, đôi lúc vẫn thích ngắm vợ ngủ dậy, chải tóc 

Đã đi cùng nhau gần đến cuối đường đời nhưng ông Thắng vẫn khoe thích “ngắm” trộm lúc bà ngủ dậy, lúc bà gội đầu hay diện những bộ quần áo đi dự hội hè. Vừa sửa sang lại cổ áo, đeo Huy hiệu cựu chiến binh lên ngực áo ngay ngắn cho vợ, ông bảo: “Bà bôi son đỏ vào môi cho mặt mũi tươi tắn một chút để tôi với bà còn chụp ảnh đăng báo”. Nghe chồng nói vậy, bà Ánh khẽ lườm yêu ông, thoáng chút ngượng ngùng.

Bà Ánh bảo, trong số 40 chị em của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, có lẽ bà là người may mắn nhất khi về với thời bình vẫn có một mái ấm hạnh phúc trọn vẹn, 2 con thành đạt và đặc biệt chuyện tình của ông bà cho đến giờ vẫn nồng ấm, đắm say như thuở ban đầu.

Ngồi cạnh chồng, bà Ánh khẽ nắm bàn tay ông, giọng bà nhỏ lại: “Lúc đó tôi là chiến sỹ lái xe Trường Sơn, còn ông ấy là bộ đội lái máy ủi, làm nhiệm vụ san đường, lấp hố bom, đảm bảo giao thông không đứt mạch”. Mỗi lần đoàn xe tải chở đạn dược, lương thực đến điểm tập kết, trong đêm tối mịt mùng của Trường Sơn, mường tượng có người yêu mình ở đó, ông Thắng càng hăng say san ủi thật nhanh, đẹp con đường mòn vừa bị cày nát bởi bom đạn.

Bức ảnh chụp ông bà thời trẻ với nụ cười và tình yêu mãnh liệt, tin vào chiến thắng đang đến gần

Còn bà luôn thấy yêu đời, lòng vui phơi phới mỗi khi đi qua những con đường vừa được san lấp hố bom, thấm đẫm mồ hôi, sương gió và cả nỗi nhớ tràn đầy của người yêu. Tuy cùng chiến tuyến nhưng rất ít khi ông bà gặp nhau. Chỉ có tình yêu của họ vẫn “chín” theo thời gian, lúc nào cũng thấy như đã ở gần nhau lắm rồi.

Gửi nỗi nhớ vào lá thư tình 10 trang giấy

Năm 1965, bà Ánh tham gia đơn vị thanh niên xung phong đóng tại tỉnh Yên Bái, ông đã gặp lại bà. Khi đó, ông Thắng là bộ đội lái máy ủi thuộc Tổng cục hậu cần. Mỗi người đóng quân ở một đơn vị, một công việc khác nhau nên rất ít khi gặp nhau. Dưới làn bon đạn khốc liệt của chiến tranh, những cánh thư viết vội được gửi qua đồng đội, bạn bè (cái được, cái mất). Có khi ông phải viết 10 lá, bà mới nhận được 1 lá thư, tuy nhiên, tình yêu mãnh liệt ấy vẫn “nối” ông bà lại với nhau.

Biết chiến tranh còn dài, để được sát cánh cùng người yêu trên các chiến tuyến, năm 1968, bà Ánh xin chuyển từ thanh niên xung phong sang đơn vị bộ đội, đóng quân tại Binh trạm 25, lái xe tải và được di chuyển vào chiến trường Trường Sơn. Vài tháng sau, ông Thắng cùng đơn vị được lệnh tăng cường cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1971, đơn vị của bà Ánh được rút về huyện Thường Tín (Hà Tây cũ) và nhận nhiệm vụ mới - giáo viên dạy thực hành cho các lái xe nữ, còn đơn vị ông Thắng lại di chuyển tiếp vào chiến trường Tây Nguyên.

Ông Thắng kể: Năm 1972, hôm ấy đúng ngày Tết, chiến trường bỗng im ắng lạ thường. Nhiều đồng đội của ông dự đoán hình như sắp có trận đánh lớn diễn ra. Ai cũng hiểu, chiến tranh, bom đạn không trừ ai cả. Không biết liệu mình còn trở về không? Có đồng đội lấy mảnh vỡ máy bay nhặt được ra khắc tên đứa con chưa gặp mặt, rồi chuyển cho nhau cuốn sổ nhỏ để viết lại tên họ, địa chỉ quê quán với hy vọng nếu chiến tranh kết thúc, ai còn sống thì sẽ về tìm lại nhau.

Với ông bà, tình yêu là một điều thiêng liêng mà giản dị lắm 

Với ông Thắng, nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu quay quắt, ông viết một lá thư rất dài cho người yêu. Vì sợ thư thất lạc như những lần trước, viết xong ông chép lại vào cuốn sổ lưu niệm với hy vọng, sau này gặp lại sẽ đưa người yêu xem. Lá thư dài gần 10 trang giấy, ghi lại nỗi nhớ người yêu của ông Thắng khi hai người ở hai miền xa cách. Chiến tranh ác liệt nhưng cả ông và bà đều sống bằng niềm tin và hy vọng: Sẽ được gần bên nhau.

Năm 1973, nhân dịp ông Thắng về phép, 2 người đã tranh thủ tổ chức đám cưới. Đám cưới của ông bà giản dị, không hoa, không xe đón dâu. Bộ quần áo cô dâu - chú rể chỉ là áo sơ mi trắng và quần bộ đội. Sau đó 3 tuần, ông Thắng lại trở vào chiến trường tiếp tục chiến đấu đến ngày giải phóng đất nước và ở lại đơn vị làm nhiệm vụ đến năm 1977 mới trở ra Bắc gặp lại vợ. Lúc này, ông bà mới sinh đứa con đầu tiên.

Trong căn nhà nhỏ ở phố Lĩnh Nam,cũng như bao gia đình khác, 2 người cựu chiến binh ấy vẫn cùng nhau đảm trách việc đưa đón cháu đi học và nội trợ ở nhà giúp con cháu. Thi thoảng có thời gian, ông bà lại chở nhau đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chiêm ngưỡng lại “kỷ niệm xưa” (cuốn sổ lưu niệm được lưu giữ tại Bảo tàng) như để nhắc nhớ lại một thời máu lửa nhưng đầy yêu thương, trân trọng.

Dẫu thời gian có trôi đi, vẫn biết không ai cưỡng lại được quy luật của tạo hóa nhưng trong sâu thẳm trái tim ông bà, hạnh phúc là một điều gì đó thiêng liêng và giản dị lắm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn