Những ngày này gia đình bà Nguyễn Thị Loan (58 tuổi, trú tại đội 7, làng Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) luôn tay chân với công việc đồng áng. Với gia đình bà Loan, dù cuộc sống khó khăn nhưng gia đình bà luôn quan tâm đến việc học hành của các con. Nhớ lại chặng đường nuôi con ăn học mấy năm trước, khi anh Lê Đức Hiền, con trai bà Loan, theo học khoa Luật tại trường ĐH Đà Lạt, bà Loan rưng rưng nước mắt. Khi con trai nhập học cũng là lúc ông Lê Hành (63 tuổi, chồng bà Loan) khăn gói lên tận Đà Lạt ở trọ, làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Vất vả 4 năm trời, ngày anh Hiền hoàn thành khóa cử nhân và được nhận vào trường ĐH Quy Nhơn giảng dạy, vợ chồng bà Loan như vỡ òa. "Ở vùng quê chiêm trũng lấy mảnh ruộng làm kế sinh nhai, hai vụ lúa mỗi năm không đủ nuôi 5 miệng ăn nên việc kiếm tiền cho con ăn học khó khăn muôn phần. Vì vậy ông ấy phải lên trên đó làm thuê để dành dụm, chắt chiu cho con ăn học. Thấy con cái được như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã mãn nguyện lắm rồi", bà Loan nói.
Thầy giáo Trần Hậu (72 tuổi, ở đội 5, làng Nại Cửu, xã Triệu Thành) là thầy giáo của nhiều thế hệ học sinh trong làng. Ba người con gái của thầy Trần Hậu đã tiếp bước cha theo đuổi "sự nghiệp trồng người". "Tôi nghĩ rằng, trong xã hội có nhiều nghề, nếu như làm tốt thì nghề nào cũng vinh quang cả. Ở gia đình tôi, với những nỗ lực trong học tập của các cháu, tôi mong muốn các cháu tiếp nối nghề của tôi để phát huy truyền thống của làng", thầy giáo Trần Hậu bày tỏ.
Làng Nại Cửu từng thuộc diện nghèo nhất xã. Để thoát nghèo, người dân nơi đây xác định học là cứu cánh. Cả làng có 700 hộ dân sinh sống thì có tới 600 hộ có người theo nghề dạy học. Nhà ít thì có một người theo nghề nhà giáo, nhà nhiều thì có 12 người theo "nghiệp trồng người". Ngoài ra, hiện làng Nại Cửu còn có hơn 70 sinh viên đang theo học ngành Sư phạm tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Nhiều nhà có cả con dâu và con rể làm nghề giáo. Thậm chí, có những hộ gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng theo nghề này. Điển hình như gia đình cố nhà giáo Hoàng Danh với 11 người theo nghề nhà giáo. Nếu tính cả con cháu nội ngoại, anh em ruột của thầy Danh thì có hơn 30 người theo nghề này. Đặc biệt, trong dòng họ Hoàng của thầy Danh hầu như gia đình nào cũng có người làm giáo viên với trên 100 người.
Việc học của con em trong làng luôn được các hộ gia đình quan tâm. Bản thân các em cũng luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc học hành. Bình quân mỗi năm, làng có khoảng 150-200 học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong nước.
Giữ gìn truyền thống hơn 300 năm
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề giáo ở Nại Cửu đã có từ hơn 300 năm trước. Người "đặt nền móng" nghề này của làng là ông Trần Gia Thụy đỗ tiến sĩ, từng làm thầy dạy học và giữ đến chức Thượng thư bộ Lễ ở thời Hậu Lê. Niên hiệu Tự Đức thứ 4, làng có ông Võ Tử Văn đỗ Phó Bảng khoa Tân Hợi (năm 1851), làm đến chức quan Án Sát, dạy học trong cung. Trải qua nhiều đời, không ai bảo ai, người dân trong làng đều xem dạy học là nghề truyền thống và luôn coi đó là niềm tự hào của làng. Năm 2014, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân, làng thành lập Câu lạc bộ nhà giáo Nại Cửu. Cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm, câu lạc bộ lại tổ chức gặp mặt truyền thống để chia sẻ, động viên nhau trau dồi phẩm chất, đạo đức nhà giáo và nâng cao trình độ công tác để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp "trồng người".
Đi đôi với hiếu học, người Nại Cửu rất chú trọng việc khuyến học. Làng có 3 quỹ khuyến học dành cho từng đối tượng, gồm quỹ của dòng họ, quỹ của làng thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi và quỹ Võ Tử Văn dành cho học sinh có thành tích xuất sắc. Cứ đến ngày 20/11 hàng năm, Nại Cửu như sống trong ngày hội lớn. Vào ngày này, không chỉ người làng nô nức rủ nhau dự lễ phát thưởng, trò đi thăm thầy mà ngay cả những người con tha phương nhưng còn đứng trên bục giảng cũng tề tựu, tôn vinh truyền thống tốt đẹp của làng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn